Chưa bao giờ tôi được lội bộ đùa chơi với cỏ thỏa thích như bao lần khai hội Festival ở Huế. Đêm, giữa biển người nối đuôi nhau từ khắp các ngả đường hướng về khu Đại nội, tôi và em luyên thuyên nói cười, tưởng như cỏ trên công viên ven bờ sông Hương biết nâng mình bay bổng, tưởng như đường Lê Lợi dài ra, đường Trần Hưng Đạo cũng dài ra, và cầu Phú Xuân thăm thẳm bến bờ…
Trình diễn áo dài tại Festival Huế. Ảnh: TTXVN |
Hầu như đêm khai mạc Festival nào ở Huế cũng đa dạng chương trình. Trống hội Thăng Long, nghệ sĩ các nước tham gia chào khán giả bằng các vũ điệu và âm nhạc đặc trưng của từng dân tộc. Làm sao có thể “phân thân” để một đêm vừa trong vườn Nội Phủ, vừa trong Duyệt Thị Đường, lại vừa ở Thái Bình Lâu, hoặc còn nhiều sân khấu khác tưng bừng giữa Hoàng cung. Làm sao để tai mắt ta có dịp no say các màn quãng diễn nghệ thuật từ bốn phương hội tụ về Huế. Không thể đi khắp mọi nơi, nên tôi và em lội bộ lòng vòng cùng Festival Huế. Lội bộ, mặc cho ý tưởng la đà với sông nước và cỏ xanh.
Cầu Trường Tiền chưa bao giờ lộng lẫy sắc màu như đêm nay. Có vẻ như người nghệ sĩ thiết kế tạo nên những sắc màu hàm ý muốn biến hóa một chiếc cầu thực nối hai bờ Nam - Bắc sông Hương thành một chiếc cầu hư ảo, một chiếc cầu bảy màu: “Làm gì Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/ Tôi bước hoài đếm không xiết mênh mông”.
Đi trong đêm Festival Huế rồi, em cũng thành... mênh mông nốt. Lẽ ra tôi phải cầm chặt tay em tung tăng theo dọc con đường bờ sông, và tin đó như một thực tại. Vậy mà, không biết vì lơ đễnh hay sao mà tôi lớ ngớ ngược xuôi. Hình như em cũng thế, mặc tình nghễnh ngãng nô đùa với cỏ, rồi chạy ào xuống bờ sông, săm soi cái rừng chong chóng được xếp bằng giấy cắm đầy dọc theo bờ. Lũ chong chóng cũng ngộ nghĩnh như bầy trẻ thơ dại, cánh xoay tròn hồn nhiên cùng cơ man những gió và gió.
Nghệ thuật sắp đặt nào đó sẽ chết nếu thiếu giống loài gió thổi hoang dại như thế, nếu thiếu một dòng sông Hương đầy ắp huyền thoại biết hớp hồn người như thế, nếu thiếu tình yêu cao cả biết đốt cháy mình tận hiến cho cái đẹp như thế. Tôi không rõ lắm, có phải vì tình yêu mà sinh ra lễ hội hay không, nhưng chắc rằng, từ lễ hội, sẽ có vô vàn tình yêu nảy nở…
Dường như đêm Festival Huế, đêm của cuộc hội ngộ Đông - Tây, của rừng người khắp mọi nơi hội tụ để về thức với Huế. Tôi đã đọc được thứ hạnh phúc mang màu sắc lễ hội ấy vào một sớm mai tinh mơ tại sân ga Đà Nẵng, hiện lên trong ánh mắt của hàng trăm nam nữ trai trẻ háo hức lên tàu đi Huế cho kịp đêm khai mạc Festival. Và, giờ đây tôi đang đọc trong bao la mắt em sự hoan ca của niềm hạnh phúc đó…
Không phải ai cũng được giáp mặt hết thảy những sân khấu trong Đại Nội để được thưởng thức hầu hết các chương trình biểu diễn nghệ thuật, để no say con mắt xem “đám cưới ngày xưa”, hoặc một phiên chợ quê nào đó, hoặc một phố ẩm thực ở đâu đó. Dòng sông người trên các đường phố cứ trôi đi cùng với nhịp điệu thời gian, tưởng chừng như chạm tay vào được. Có vẻ như hơi thở của những tâm hồn đang ca múa kia, tất cả lẫn vào gió thổi, vào hoa đèn, hòa quyện vào những đôi mắt làm nên một thứ ánh sáng đầy ắp sự huyền hoặc.
Hình như có những bước chân lạc ngõ lạc đường nhưng lại chẳng hề hay biết mình bước lạc chút nào. Mọi ý niệm về thời gian tuồng như không có mắt nơi này.
Bước đi một cách phiêu bồng như vậy đó, nên cứ lòng vòng cùng đêm Festival Huế, nhiều khi lui tới chỉ một con đường, chỉ loanh quanh một vạt cỏ, vậy mà cứ thấy là lạ, cứ thấy Huế đẹp ra, vừa mơ hồ, lại vừa bí ẩn.
Ngày mai, ngày kia, rồi chúng ta sẽ chia tay Huế như bao lần chia tay khác. Và thời gian lại ra đi cùng cái nhịp điệu chuyển dịch lở bồi muôn thuở. Có điều, thời gian sẽ khó mà tước đoạt của chúng ta một khi Huế đã tan vào, thấm vào tâm hồn cùng ký ức. Biết vun đắp ký ức cũng là cách biết gìn giữ Huế, cho dù là vun đắp một “Khúc tưởng niệm” như tên gọi một vở vũ kịch của nữ biên đạo Ea Sola từng góp mặt cùng Festival Huế. Huế rồi sẽ vun đắp cho tôi đêm nay, đêm có em hồn nhiên tháo giày cầm tay lội bộ, rượt đuổi cùng dòng sông Hương như chạy ngược về một thời tuổi thơ xa lắc. Đó là một tiết mục không hề có trong các chương trình lễ hội Festival Huế ngợp đầy ánh sáng, mà chỉ là cọng cỏ cành sương thấm đẫm vào tâm hồn tôi thơm lừng cỏ dại Huế ơi!
Theo trang chinhphu.vn, Festival Huế 2020 không diễn ra trong năm nay mà dời sang năm 2021 nhằm bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19. Song, mỗi kỳ Festival Huế đã diễn ra đều để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc, minh chứng sức sống mãnh liệt của vùng đất tụ hội tinh hoa văn hóa của dân tộc, đồng thời là cơ hội để quảng bá điểm đến thân thiện, an toàn của Huế và Việt Nam, để những ai đã trải qua một kỳ Festival Huế thêm nhớ và vấn vương. |
NGUYỄN NHÃ TIÊN