Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) có tác động tương hỗ lẫn nhau, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) triển khai nhiều nội dung, hoạt động nhằm đẩy mạnh các phong trào này.
Đình làng Quá Giáng là điểm nhấn văn hóa độc đáo của xã Hòa Phước. Ảnh: Q.T |
Xã Hòa Phước nằm ở phía nam của huyện Hòa Vang, dân số hơn 14.000 người. Là xã nông nghiệp, Hòa Phước có cấu trúc tổ chức cộng đồng như bao làng xã nông nghiệp khác. Theo đó, quan hệ trong sản xuất chủ yếu theo phương thức vần công, dẫn đến quan hệ xóm làng “tối lửa tắt đèn có nhau”, được người dân gìn giữ đến ngày nay.
Bảo tồn giá trị văn hóa làng quê
Trên địa bàn xã, 10/10 thôn đều có nhà văn hóa, đầu tư theo chương trình NTM. Đài truyền thanh xã có hệ thống phát thanh FM đến 37 cụm loa trên địa bàn 10 thôn. Xã có thư viện điện tử với hơn 10.000 đầu sách, báo; hệ thống máy vi tính kết nối intenet; tủ sách pháp luật và 6 thư viện thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về chăn nuôi, trồng trọt…
Trong 19 tiêu chí về xây dựng xã NTM, hai tiêu chí số 6 và 16 về văn hóa được xã Hòa Phước quan tâm hàng đầu. Ban Văn hóa xã cùng Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức khảo sát các di tích văn hóa: đình, chùa, miếu, mộ, các di vật lịch sử… trên địa bàn. Đầu năm 2020, thành phố đầu tư nâng cấp nhà thờ Chư phái tộc làng Quá Giáng (Di tích lịch sử cấp quốc gia) với tổng kinh phí 9,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, từ nguồn kinh phí của thành phố và địa phương, nhà thờ tộc Đinh, làng Quá Giáng (Di tích lịch sử cấp thành phố) được tu bổ với kinh phí 3,7 tỷ đồng.
Nhiều năm nay, người dân xã Hòa Phước duy trì các lễ hội sẵn có, như lễ hội Tắt bếp (thôn Trà Kiểm) có từ lâu đời, trải qua bao thăng trầm vẫn được duy trì đến nay. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12-2 âm lịch hằng năm. Những ngày trước lễ hội, người dân trong làng đóng góp lương thực, thực phẩm về một đầu mối, trước là tế thần cầu mưa thuận gió hòa, sau là cả làng cùng nhau ăn bữa cơm chung thân mật với tinh thần tương thân, tương ái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, sau bữa ăn, cả làng họp lại để đóng góp ý kiến xây dựng thôn, xóm ngày một vững chãi hơn, người già trong làng nhắc nhở con cháu sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa để hỗ trợ nhau ngày càng tiến bộ. Ông Lê Viết Tân, cán bộ văn hóa xã Hòa Phước cho hay: “Tắt bếp là lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc, lấy tinh thần cộng đồng làm trọng. Lễ hội này xuất phát từ thôn Trà Kiểm nhưng nay đã được nhân rộng ra các thôn trên địa bàn. Vào ngày 18-11 âm lịch, tất cả các thôn đều tổ chức tắt bếp “Góp gạo thổi cơm chung”, tạo mối đoàn kết trong nhân dân”.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh gắn với phong trào xây dựng xã văn hóa Hòa Phước tiếp tục được triển khai sâu rộng, thống nhất từ xã đến thôn và được sự quan tâm, đồng thuận của người dân. Việc xây dựng gia đình - tộc họ - thôn - xã văn hóa từng bước đi vào nền nếp, thực hiện tốt công tác bình xét và công nhận gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa. Năm 2016, Hội đồng Chư phái tộc làng Quá Giáng (6/10 thôn) của xã Hòa Phước tổ chức phát động ký cam kết thực hiện các nội dung Chỉ thị số 43-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kiểm soát Covid-19 trong tình hình hiện nay cho toàn thể công dân trong tộc họ đăng ký cam kết thực hiện. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đinh Viết Thành (82 tuổi, Tộc trưởng tộc Đinh, Trưởng làng Quá Giáng) vẫn đau đáu với việc tộc, việc làng. Ông nói vanh vách: “Đình làng và nhà thờ Chư phái tộc là niềm tự hào của người dân Quá Giáng. Đến ngày 11 và 12-4 âm lịch, dân làng tổ chức lễ Kỳ yên để cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Bà con chư phái tộc trên khắp 7 xóm của làng Quá Giáng xưa, nay là 7 thôn, kể cả xóm An Lưu nay thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), đều tề tựu về đình và nhà thờ để thắp nén hương tưởng công đức tiền nhân mở làng lập ấp”.
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh
Cách đây khoảng 10 năm, tình hình xây dựng mồ mả ở xã Hòa Phước diễn ra tương đối phức tạp, các hộ tranh đua xây mộ to và xây mộ “gió” để lấn chiếm đất nghĩa trang. Người có tiền thì chọn mua phần đất cao ráo làm sinh phần cho người thân còn sống, gây bức xúc trong nhân dân. Năm 2004, nghĩa trang thôn Miếu Bông di dời do việc chỉnh trang đô thị.
Xuất phát từ thực tế trên, UBND xã Hòa Phước đề xuất cấp trên quy hoạch diện tích đất tại thôn Quá Giáng giao cho hai thôn Miếu Bông và Cồn Mong quản lý, dùng vào việc mai táng. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã họp bàn và thống nhất diện tích xây dựng mồ mả không quá 6m2 (chiều rộng 2 mét và chiều dài 3 mét), áp dụng đối với tất cả các nghĩa trang nhân dân trên toàn xã. Đảng ủy, chính quyền xã giao cho Mặt trận và Ban nhân dân các thôn thảo luận về quy định tại các cuộc họp nhân dân, đồng thời vận động đưa vào quy ước của thôn. Quy định trên được hầu hết nhân dân đồng tình ủng hộ và chấp hành nghiêm túc. Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho hay, xã Hòa Phước đặc biệt thành công trong việc quản lý các nghĩa trang nhân dân. Quy định diện tích xây dựng mồ mả không quá 6m2 vừa không làm lãng phí quỹ đất, vừa tránh tranh đua xây dựng mộ to, đồng thời bảo đảm sự công bằng xã hội trong việc hiếu.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng thôn Cồn Mong cho biết: “Nhiều năm nay, thôn chúng tôi đã thực hiện “3 không” trong tang lễ: Không thuốc lá, không đội nhạc, không rãi vàng mã. Ban đầu cũng có những ý kiến trái chiều về việc áp dụng mô hình này, nhưng chúng tôi kiên trì vận đồng, thuyết phục gia đình đảng viên thực hiện trước, từ đó người dân dần dần làm theo. UBND xã Hòa Phước còn làm đĩa nhạc tang cấp cho các thôn để thay thế “nhạc sống””.
Ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho rằng, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực triển khai nhiều nội dung, hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào gắn với thực hiện xây dựng NTM, từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. “Giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng NTM có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Nâng chất đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân; để người dân đồng thuận tham gia mọi hoạt động ở địa phương, tích cực đóng góp vào các phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM, xây dựng địa phương ngày càng phát triển”, ông Bình nói.
HẢI ÂU