Cách đây không lâu, một người quen của tôi bày tỏ mong muốn kêu gọi, vận động một nhóm bạn tổ chức bếp ăn tình thương để giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại một bệnh viện lớn trên địa bàn Đà Nẵng. Tôi rất hào hứng với kế hoạch của em. Cho đến khi em nói về việc phải bố trí một người quay phim, chụp ảnh để đăng trên các trang mạng xã hội, bất giác tôi giật mình và băn khoăn: Hoạt động thiện nguyện có cần thiết phải để nhiều người biết như vậy không? Và nếu với mục đích truyền thông thì hoạt động từ thiện đó có còn ý nghĩa thật sự không? Một câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng đem đến cho tôi nhiều nghĩ suy về công tác thiện nguyện.
Hoạt động từ thiện được thực hiện bằng trái tim, xuất phát từ “tâm”, từ sự rung cảm trước những hoàn cảnh, số phận đáng thương trong cuộc sống. Vì vậy, hoạt động từ thiện, dù nhìn ở góc độ nào, cũng như làn hơi ấm lan tỏa để con người cảm thấy bình an và gắn kết hơn. Tưởng chừng từ thiện chỉ đơn thuần là cho đi, là giúp đỡ người khác, nhưng sâu xa hơn, là có cả cho và nhận. Yêu thương trao đi chính là yêu thương ở lại. Khi giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận lại sự thanh thản, nhẹ nhõm, niềm hạnh phúc tự trong tâm và cảm thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Và biết đâu, những lúc đối diện với khó khăn, thử thách trong cuộc sống, chính ánh mắt trìu mến, chính nụ cười rạng rỡ, chính cái nắm tay đầy cảm kích của những người mình từng giúp đỡ sẽ có tác dụng khích lệ, động viên chúng ta rất nhiều...
Trở lại với câu chuyện trên, có lẽ, dù với mục đích gì, hoạt động từ thiện tự thân nó đã có những ý nghĩa đáng trân trọng khi thật sự mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho người được giúp đỡ. Việc đẩy mạnh truyền thông trong quá trình làm từ thiện cũng nên được xem xét toàn diện, đa chiều. Hoạt động quay phim, chụp ảnh và đăng trên các trang mạng xã hội về công tác thiện nguyện có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa những hành động đẹp, vận động mọi người chung tay đóng góp, hỗ trợ những trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, khi công tác từ thiện huy động được sự giúp sức, hỗ trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân, thì càng phải tiến hành truyền thông cụ thể, rõ ràng để những người gửi gắm tấm lòng biết được những phần quà đóng góp của mình đã được trao đúng người, đúng địa chỉ và phù hợp với mục đích đề ra.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người lựa chọn cách làm từ thiện âm thầm, lặng lẽ. Lúc này, giá trị họ mong muốn nhận lại chỉ là học được cách chia sẻ, yêu thương, cảm thông giữa con người với con người. Như vậy, tùy vào mục đích, tính chất của kế hoạch thiện nguyện mà mỗi người sẽ lựa chọn cách thức tiến hành phù hợp và phải đúng luật.
Từ thiện không chỉ là đem vật chất, tiền bạc giúp đỡ người khác, mà còn bao gồm cả việc sẻ chia về mặt tinh thần, xoa dịu những âu lo và mang đến niềm vui, tiếng cười cho người khác. Vì thế, không phải cứ có điều kiện về vật chất thì mới có thể tham gia công tác thiện nguyện. Như cô giáo mầm non của con trai tôi mỗi khi về quê đều tranh thủ sắp xếp thời gian đến các bệnh viện, các viện dưỡng lão tại địa phương để trò chuyện, hát và đọc thơ cho các bệnh nhân, các cụ ông, cụ bà để họ vơi đi nỗi đau thể xác và cảm thấy ấm lòng hơn.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV ngày 3-11-2020, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu trong bài phát biểu của mình đã trích dẫn câu nói của giáo sư nổi tiếng Richard Feynman: “Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung và rộng lượng”. Rõ ràng, những giá trị xuất phát từ trái tim và lòng nhân hậu của con người sẽ tạo được dấu ấn rõ nét nhất trong mọi hoạt động xã hội nói chung và công tác thiện nguyện nói riêng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
ĐỖ LAN HƯƠNG