Châu Á chờ vắc-xin Covid-19

.

Anh, Mỹ, Canada đã bắt đầu tiêm những mũi vắc-xin ngừa Covid-19 do hai hãng Pfizer và BioNTech phát triển. Chương trình tiêm chủng đại trà đang được triển khai ở các nước phương Tây, nhưng nhiều quốc gia, trong đó có các nước châu Á, sẽ phải chờ thêm nhiều tháng nữa.

Một nhân viên đang kiểm tra chất lượng tại cơ sở đóng gói vắc-xin của hãng Sinovac  ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một nhân viên đang kiểm tra chất lượng tại cơ sở đóng gói vắc-xin của hãng Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Quá trình thẩm định và cấp phép cho vắc-xin của mỗi nước không giống nhau và mất một khoảng thời gian nhất định, không thể chóng vánh hay đi tắt.

Không phải mọi vắc-xin đều phù hợp, an toàn

Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, hãng Pfizer tiến hành thử vắc-xin của họ trên 44.000 người tại 6 quốc gia. Tuy nhiên, chỉ 5% trong số đó là người gốc Á. Bởi vậy, hẳn nhiều quốc gia châu Á đồng tình với Cơ quan Quản lý Thuốc và Thiết bị y khoa Nhật Bản (PMDA) rằng, mặc dù họ cân nhắc tới các kết quả thử nghiệm toàn cầu của vắc-xin, nhưng vẫn sẽ tiến hành những thử nghiệm độc lập với một số nhóm tình nguyện viên là người trong nước để biết đích xác hiệu quả cũng như mức độ an toàn của nó.

Theo báo Nikkei Review Asia, hãng Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm quy mô nhỏ với vắc-xin ngừa Covid-19 của họ tại Nhật Bản. Pfizer hy vọng các kết quả thử nghiệm đủ thuyết phục để có thể nộp đơn xin cấp phép ở xứ sở hoa anh đào.

Quá trình thẩm định một đơn xin cấp phép như vậy thường mất một năm, nhưng nay sẽ được rút ngắn do tính chất cấp thiết của đại dịch. Nhật Bản cũng muốn tiêm vắc-xin cho người dân trước khi đăng cai Thế vận hội mùa hè bắt đầu từ ngày 23-7-2021.

Giống Nhật Bản, tại Singapore, Bộ Y tế của đảo quốc sư tử đã thành lập tổ chuyên gia nhằm đánh giá hiệu quả và sự phù hợp của vắc-xin ngừa Covid-19 với các nhóm dân số khác nhau. “Có nhiều nhân tố cần xem xét vì không phải mọi vắc-xin đều phù hợp, an toàn và hiệu quả với mọi thành phần dân số”, ông Benjamin Ong, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia, cũng là Cố vấn cao cấp cho Giám đốc phụ trách các dịch vụ y khoa của Bộ Y tế Singapore nói. “Ủy ban chuyên gia sẽ cần nghiên cứu về độ an toàn và dữ liệu lâm sàng, đồng thời cân nhắc tới bối cảnh cụ thể của địa phương. Từ đó, chúng tôi có thể đánh giá và khuyến nghị một chiến lược tiêm chủng vắc-xin phù hợp triển khai tới người dân Singapore”, ông Ong phân tích.

Các cấp ưu tiên của nhà cung cấp

Nhiều nước châu Á đã ký hợp đồng đặt mua vắc-xin với các hãng sản xuất. Theo dữ liệu của công ty phân tích và thông tin khoa học Airfinity, Ấn Độ đã đặt mua 600 triệu liều vắc-xin, chủ yếu của hãng AstraZeneca. Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đều đã ký những thỏa thuận đặt mua hàng triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 với hãng dược châu Âu này. Malaysia gần đây ký hợp đồng mua vắc-xin của Pfizer.

Đài Loan (Trung Quốc) đã đàm phán trực tiếp với một hãng dược và đặt mua 10 triệu liều vắc-xin với giá thành giảm. Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho biết, dự kiến trong quý 2-2021 sẽ tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho người dân ở vùng lãnh thổ này. Ngoài đàm phán mua trực tiếp, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã mua hơn 4 triệu liều trong số các ứng cử viên vắc-xin tiềm năng thông qua chương trình COVAX - sáng kiến toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối để bảo đảm việc mua và phân phối hợp lý vắc-xin ngừa Covid-19.

Nguồn cung vắc-xin  còn lại của năm 2020 dự kiến ít vì các hãng dược sẽ tăng cường sản xuất trong nửa đầu năm sau. Điều này cũng có nghĩa các hãng dược chắc chắn sẽ ưu tiên phục vụ thị trường nội địa và các thị trường hàng đầu như Mỹ, Anh, kế đó là Liên minh châu Âu (EU), sau nữa mới là các nước còn lại trên thế giới, trong đó có châu Á.

Truyền thông Nhật ước tính nước này sẽ có vắc-xin ngừa Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5-2021. Tuy nhiên, GS. Satoshi Hori chuyên về kiểm soát bệnh nhiễm tại Đại học Juntendo ở thủ đô Tokyo ước tính, đến mùa hè năm sau, hầu hết người dân Nhật mới có thể tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19.

Các địa phương đã sẵn sàng?

Vắc-xin của Pfizer cần được giữ ở nhiệt độ -70 độ C. Các bệnh viện lớn đều có những tủ đông có mức nhiệt giảm sâu như vậy để sử dụng ngay, nhưng các bệnh viện nhỏ và trung tâm y tế thì không.

Trong khi đó, vắc-xin của hãng AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, như các vắc-xin cúm thông thường. Do đặc tính này, vắc-xin của Pfizer có thể được dùng cho các nhân viên y tế tại những bệnh viện lớn, trong khi vắc-xin của AstraZeneca có thể dùng tại các bệnh viện và trung tâm y tế nhỏ. Ngoài ra, các bệnh viện cũng phải chuẩn bị đủ số lượng bơm kim tiêm để bảo đảm cung ứng đủ cho hai lượt tiêm cách nhau một khoảng thời gian nhất định.

Tại nhiều nước châu Á, nhân lực y tế đang khan hiếm. Lực lượng này ở một số nước hiện cũng quá tải vì phải ứng phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng. Đó là chưa kể việc tiêm vắc-xin cũng đòi hỏi các nhân viên y tế học cách bảo quản và tiêm vắc-xin, kiểm tra thời hạn sử dụng của vắc-xin, tất cả những điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho lực lượng đang ở tuyến đầu.

Ngoài ra, một thách thức không nhỏ khác là chuỗi cung cấp vắc-xin tại địa phương liệu đủ sẵn sàng để tham gia công việc này hay chưa. Chẳng hạn, hãng AstraZeneca sẽ sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 tại Nhật Bản và cả ở nước ngoài. Tuy nhiên, hãng dược JCR Pharmaceuticals cho biết, họ chưa từng sản xuất vắc xin. Với hãng Pfizer, họ sản xuất vắc-xin tại Mỹ và Bỉ, rồi chuyển hàng từ đó tới châu Á, công tác kho vận trong tình huống này là một thách thức rất lớn.

Trung Quốc cam kết chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 với các nước láng giềng

Trung Quốc dự kiến cấp phép sản xuất hàng loạt cho các ứng cử viên vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa phát triển vào cuối tháng 12. Nước này cũng cam kết chia sẻ vắc-xin với các nước láng giềng và Campuchia sẽ được hưởng lợi.

TRẦN ĐẮC LUÂN
(theo Nikkei Asia Review, Bloomberg)

;
;
.
.
.
.
.