Cuốn sổ tay bé tí, quăn góc, những dòng chữ khi tròn đều, khi nguệch ngoạc nhưng con vẫn nhận ra nét chữ của mẹ.
Những trang đầu được ghi từng dòng nắn nót - những cột mốc về thời gian mẹ muốn lưu lại: ngày con gái lấy chồng trong Nam; ngày con gái về thăm mẹ, ngày con gái mua cho mẹ chiếc điện thoại có cài sẵn ảnh con gái ở màn hình, ngày gieo luống hoa đợi con gái về ngắm… Ở những dòng kế tiếp, mẹ ghi số của người lạ, kèm theo dòng chữ: Khi tôi mất, hãy gọi số này để… Rồi những mối quan hệ liên quan công việc mà mẹ chưa kịp giải quyết: này là số điện thoại báo cắt mạng Internet để con gái không phải tốn tiền đóng cho mẹ mỗi tháng; này là số để ngắt thuê bao trả sau mà con gái cứ nằng nặc đăng ký, nói mẹ cứ xài thoải mái, hằng tháng có con lo; này là số để lo thủ tục mai táng…
Dòng cuối cùng mẹ viết cho con gái, không còn ra chữ mà là nét vẽ nguệch ngoạc của những ngón tay không còn làm chủ được nữa: Mẹ mãi yêu con!
Ai cũng nói với con rằng, con đã chu toàn bổn phận một người con hiếu thảo. Họ an ủi con đừng buồn, thử hỏi cả làng quê này, có nhà nào con gái đi lấy chồng mà được nhờ như nhà này.
Mẹ đã có tất cả, chỉ thiếu hơi ấm của con. Khi bàn tay con chạm phải tay mẹ, tay mẹ đã lạnh lẽo từ đêm qua. Chuyến bay sớm nhất con về, vẫn chẳng níu kéo chút hơi ấm của mẹ. Đến cả ánh nhìn cuối cùng của mẹ cũng không có bóng hình con. Con quặn lòng, mẹ đã đợi con từng ngày, từng giờ… Sao đến cuối đời vẫn bắt mẹ phải đợi?
Sự dằn vặt là điều không tránh khỏi, như một hình phạt vô hình cho những đứa con vĩnh viễn mất cha mẹ. Có người tiếc nuối không kịp đưa mẹ đi bất cứ chuyến đi nào, trong khi bản thân chu du khắp nơi; có người lỡ nói lời nặng với cha mẹ; rồi những giận dỗi, hờn mát chuyện vặt vãnh; những lời hứa chưa kịp thực hiện; những thái độ vô tâm… Khi cha mẹ còn mạnh khỏe, đâu ai nghĩ đến một ngày đấng sinh thành rời xa mình vĩnh viễn...
Mà dòng đời vẫn quá nhiều lo toan, áp lực vây bủa. Chúng ta càng trưởng thành lại càng tham lam, chạy theo guồng công việc với mong muốn vươn tới một ngày mai tươi sáng hơn. Chúng ta nhủ lòng ráng năm nay nữa thôi, trả cho hết nợ căn nhà. Rồi có miếng đất kế bên giá “hời”, chúng ta không bỏ lỡ cơ hội mua tiếp, và lại nỗ lực làm việc để trả nợ, và lại ru lòng mình về một ngày mai tươi đẹp nào đó ở xa lắc… Chúng ta cố gắng để lên một vị trí cao hơn trong công việc, với ý nghĩ thiện lành rằng, có điều kiện hơn sẽ phụng dưỡng cha mẹ tốt hơn… Có ngờ đâu, chỉ cách làn hơi mỏng manh, người ta yêu thương nhất đã không còn chờ ta ở ngày mai.
Hồi còn nhỏ, niềm vui đơn giản lắm, chỉ là vài ba món quà người thân đi xa về mua cho. Vậy thôi đã thấy mình đủ đầy, giàu có lắm rồi. Chỉ khi trưởng thành, mọi thứ mới phức tạp. Đó là khi chúng ta nghĩ cho ngày mai quá nhiều. Chúng ta chưa một lần đứng lại để sống như chỉ còn một ngày để sống. Để rồi được gì? Chúng ta có gia đình riêng, con cái, nhà cửa, xe cộ, tài khoản ngân hàng… Nhưng nhìn lại so với quãng đời còn khó khăn của 10 năm trước, chúng ta thấy mình mất mát nhiều hơn.
Có phải bất cứ ai cũng sẽ chịu trừng phạt của cuộc đời, đó là sự dằn vặt khi người thân mất đi? Chúng ta đánh đổi cả thanh xuân để vươn tới một tương lai tốt đẹp có gì là sai? Cuộc đời không phải là một quan tòa sòng phẳng hay nguyên tắc đến độ lạnh lùng như thế. Cuộc đời chỉ nhắc nhở chúng ta biết trân trọng từng phút giây còn bên nhau, ở cõi đời này. Cuộc đời nói với ta rằng: Tiền bạc không thể thay thế hơi ấm vòng tay.
Sau nỗi đau đớn mất mẹ, con nhận ra thứ tài sản còn tồn tại vĩnh viễn đó chính là sự ấm áp trong trái tim mà ta nhận, là tình yêu thương mà chúng ta dành cho nhau, đến cuối cuộc đời này.
Cuộc đời chỉ nhắc nhở chúng ta biết trân trọng từng phút giây còn bên nhau, ở cõi đời này. Cuộc đời nói với ta rằng: Tiền bạc không thể thay thế hơi ấm vòng tay. |
ÁNH HƯỜNG