Quán sấn, quán sen

.

* Bài báo “Trận tập kích ở Nam Chơn qua một bài vè” trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 6-12 có đoạn: “Loang loáng dưới ánh trăng mờ/ Nhắm Sứng chèo riết kịp giờ tấn công/ Trên dương dưới biển đồng lòng/ Ngậm tăm áp Sứng, Tây không biết gì”. Xin cho hỏi Sứng ở đây có phải là Sấn trong câu ca dao “Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ/ Lênh đênh quán Sấn, dật dờ quán Sen”?

Vịnh Sứng ngoài thực địa (ảnh trên) và trong “Sơ đồ hành chánh Hòa Vang  trước năm 1945”. (Nguồn: “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang 1928-1954”)  Ảnh: V.T.L
Vịnh Sứng ngoài thực địa (ảnh trên) và trong “Sơ đồ hành chánh Hòa Vang trước năm 1945”. (Nguồn: “Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang 1928-1954”) Ảnh: V.T.L

- Sứng là cách đọc trại của từ Sấn trong câu ca dao đang xét. Địa danh Sứng đã được ghi nhận trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của xuất bản tại Sài Gòn năm 1895 (trang 319). Sứng: Làng sứng (ở tỉnh Quảng-nam)” (cách viết tỉnh Quảng Nam trong nguyên văn).

Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn), phần tỉnh Quảng Nam, mục Nhà trạm có chép: “Trạm Nam Châm ở xã Chân Sảng, huyện Hòa Vang, phía bắc đến trạm Thừa Phúc phủ Thừa Thiên 19 dặm linh 83 trượng, phía nam đến trạm Nam Ổ 11 dặm linh 115 trượng, nguyên trước tên là trạm Chân Sảng, năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên hiện nay”.

Mục Núi sông, sách đã dẫn, có viết khi nói về núi Hải Vân: “Phía nam chân núi (Hải Vân - ĐNCT) là núi Thông Sơn, tục gọi hòn Hành (…), phía tây có núi Sen, núi Sảng là chỗ đường trạm đi qua, năm thứ 7 đều đổi tên làm Thạch Lĩnh, đường núi gập ghềnh, cây đá lẫn lộn; chân núi phía nam kề liền vụng biển, có ghềnh đá đứng sững ở bờ biển, cao thấp lô nhô như hình non bộ, sóng biển đập vào, nước phun như mưa”.

Con đường trạm vượt qua Hải Vân dài 39 dặm, đi bộ phải mất ba ngày. Dưới thời vua Thành Thái, người Pháp đục xuyên núi nầy nhiều hầm để đặt đường xe lửa, trong đó nổi tiếng là Hầm Sen dài nhất đến 562 mét.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương (đã mất) trong bài viết “Hải Vân kỳ vĩ” của mình, Sấn là cách gọi khác của từ Sảng. Trong mạch núi Hải Vân có núi Liên (còn gọi là núi Sen) và núi Sảng hay núi Sấn. Trước đây, dưới thời chúa Nguyễn, con đường thiên lý từ trạm Chân Sảng giáp Phú Lộc đến trạm Nam Ô trên đất Hòa Vang phải đi qua núi Liên, núi Sảng. Ở đây, người ta dựng lên các lều trọ, quán cơm cho lữ khách bộ hành dừng chân ăn uống hay nghỉ đêm hoặc làm nơi gặp gỡ trong buôn bán, trong hẹn hò tình duyên. Vì vậy, có những câu ca dao còn lưu lại đến tận bây giờ: Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ/ Lênh đênh quán Sấn, dật dờ quán Sen. Lâu nay có một số tài liệu dẫn câu ca dao này nhưng không viết hoa hai từ “sấn” và “sen”.

Địa danh Sứng được ghi nhận tại “Sơ đồ hành chánh Hòa Vang trước năm 1945” đính kèm trong cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang 1928-1954 (NXB Đà Nẵng, 1985, Ban Sưu tầm lịch sử Đảng - Đảng bộ huyện Hòa Vang biên soạn). Sứng là tên một vịnh biển ở làng Hòa Vân nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.