Tha thiết với từng khoảnh khắc

.

Nhà chồng tôi gần ga, đêm đêm lẫn nghe trong gió là tiếng còi tàu tu tu, tiếng bánh tàu nghiến vào đường ray xình xịch xình xịch, lòng tôi lại vọng về bao kỷ niệm và mong ước nôn nao.

Đừng tưởng chỉ đi xa mới đi tàu, cách một tỉnh thôi cũng lục cục mua vé, tay xách nách mang tiễn biệt như thường. Tôi đang nói đến những chuyến tàu chợ tuyến Đồng Hới - Huế từng đưa đón hàng ngàn, chục ngàn sinh viên thuộc nhiều thế hệ từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vào Huế nhập học. Tôi ở Quảng Trị,  chặng đường 70 cây số qua 10 sân ga, thời gian di chuyển ngót nửa ngày đủ để bồi đắp, chất đầy ngăn ký ức những mến thương, buồn vui ngày cũ.

Một khi bước lên tàu đồng nghĩa với việc xê xích, dịch chuyển. Qua ô cửa sổ bập bình nắng chiếu, những sinh viên nhà nghèo lần đầu từ quê ra phố chăm chú, không giấu nổi sự háo hức. Từng lớp lang màu sắc và hình khối cứ lùi dần như một cuốn phim bị tua ngược. Nào màu xanh của ruộng lúa nối màu vàng nhạt của từng vuông tôm, rồi nhấp nhô ngói đỏ của xóm làng được nối tiếp bất ngờ với màu trắng ngà của một trảng cát dài hiền hòa, trên đó phất phơ vài đám cỏ may đang dịu dàng đùa chơi trong nắng,… Cứ thế, làng nối làng, xã nối xã, con tàu dần đưa chúng tôi rời quê lên phố.

Một khi bước lên tàu đồng nghĩa với việc xê xích, dịch chuyển. Trong ảnh: Tàu vào Ga Đà Nẵng. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Một khi bước lên tàu đồng nghĩa với việc xê xích, dịch chuyển. TRONG ẢNH: Tàu vào Ga Đà Nẵng. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Chúng tôi, những thanh - thiếu niên tỉnh lẻ từng nghe qua dải đất mình đang sống là khúc ruột miền Trung, mỗi năm đều phải vật lộn với thiên tai, mất mùa, đói nghèo và lam lũ, nhưng bây giờ, lướt qua mắt là những dáng nét uốn lượn, những trập trùng thiên nhiên của vùng miền nhiệt đới. Chúng tôi nào có thể vẽ cho mình một bức tranh quê hương đủ đầy về màu sắc và dồi dào nhựa sống, nếu không một lần chịu bước chân ra ngoài để tận hưởng những khoảnh khắc?

Gọi tàu chợ vì chuyến tàu đúng chuẩn như một cái chợ, chuyên chở, gắn kết đủ loại khách hàng từ sang đến hèn, giàu đến nghèo. Tàu cứ đủng đỉnh chạy rồi dừng ở tất cả các ga xép cho khách trên tàu và người dưới bến cùng hò hẹn, trao đổi bán buôn. Rồi đâu chỉ rập rình bởi đủ thứ tiếng rao bên ngoài như cơm nào, xôi gà nào, bánh lọc nào… Trên chính mỗi toa, trên mỗi băng ghế dài cũng luôn đầy ắp tiếng nói, tiếng cười, nhộn nhạo bởi đủ loại mùi hương và đồ đạc. Những khách hàng ở phố, hoặc từ vùng đồng bằng hay một làng quê nghèo miền biển. Họ đang theo tàu đi chợ, hoặc từ chợ trở về nhà. Đa phần đều là phụ nữ, ngồi vắt chân lên ghế ăn bánh, uống nước chè, rồi chuyện trò rôm rả về những buổi chợ, về lời lãi hôm qua hôm nay; rồi bày hàng, lục lọi sản phẩm mang ra giới thiệu, chào khách. Nào hoa quả, rau trái, cá khô, tép khô, nước mắm, ruốc biển… Họ lấy hàng từ nơi này mang ra kiếm lời ở nơi kia. Họ không phải là khách tháng, mà là khách năm, đã nhẵn mặt với nhân viên kiểm vé. Ngồi với họ, người trẻ sẽ được mở mang, người già lại thấy mình rộn ràng bao nhiêu chuyện nhà, chuyện chợ. Những hành trình bị ngắt quãng bởi những lần tránh tàu đúng ra phải rất dài và mỏi mệt, ấy thế mà bỗng dưng sống động hẳn.

Thời gian trôi qua, với lý do kinh doanh kém hiệu quả, năm 2014, cùng với 4 đôi tàu khác gồm: Long Biên - Quán Triều (QT91/92), Gia Lâm - Đồng Đăng (ĐĐ3/4), Yên Viên - Hạ Long (R157/158), Vinh - Đồng Hới (VĐ31/32), tuyến tàu chợ Đồng Hới - Huế (ĐH41/42) dừng hoạt động. Cô phát thanh viên ngày nào từng theo tàu đi cung đường từ Quảng Bình đến Huế không còn cơ hội để xướng trên loa những cái tên như: Ga Sa Lung, Diên Sanh, Mỹ Chánh, Phò Trạch, Văn Xá, An Hòa, Hiền Sĩ… Những khách đi tàu về sau được ung dung ngồi trên những chuyến tàu nhanh được lắp tivi, máy lạnh và xuyên suốt hầu hết cuộc hành trình. Hiếm ai trong số họ biết ngoài kia đã từng có những ga xép là chốn dừng chân để bao phận đời mưu sinh cùng những bán mua; đã từng có những quãng nghĩ dào dạt, say mê bởi những quan sát và câu chuyện duyên dáng đời thường.

Bây giờ, có đôi lần trong nhịp sống cuồng quay với nhịp thời gian nhàn nhạt, tôi nghĩ mình sẽ mua vé, bước lên một chuyến tàu rồi cứ thế trôi đi mà không màng ga đến. Chỉ một hành trình đổi gió ngắn hạn, rồi lại ngược chuyến trở về. Biết đâu, từ ô cửa bập bình đầy nắng, lần nữa tôi lại được soi chiếu và nhận ra, cuộc sống sẽ luôn là một hành trình đầy đặn, nếu con tim biết tha thiết ngay cả với những khoảnh khắc - đang - trôi - đi…

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.