BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Phát huy năng lực cộng đồng

.

Phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Các địa phương của Đà Nẵng những năm qua thực hiện nhiều mô hình, dự án phân loại rác tại nguồn, nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.

Phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: Đ.H.L
Phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Ảnh: Đ.H.L

Rác được phân loại vẫn chưa nhiều

Khu phố 12, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) sau hơn 1 năm rưỡi thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, dù sáng sớm nhưng không có bất kỳ bao rác nào để ở đầu ngõ hay cổng nhà. Bà Nguyễn Thị Hường, Tổ trưởng Tổ dân phố 12 cho biết, từ khi triển khai mô hình này, người dân trong khu phố đã ý thức hơn về phân loại rác.

Mỗi hộ được phát một chiếc túi to để bỏ các vật liệu như giấy, kim loại, chai nhựa. Thứ Tư và Chủ nhật hằng tuần sẽ có xe thu gom rác của đội môi trường đến thu gom. Hễ nghe tiếng kẻng thì người dân tự giác đem rác đã phân loại bỏ vào các ngăn. Xe gom rác cũng được bố trí thêm một ngăn dành cho rác nguy hiểm, độc hại như pin, đèn huỳnh quang…

Hai phường Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam của quận Hải Châu được thành phố chọn thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn từ giữa năm 2019 theo Kế hoạch số 4356/KH-UBND ngày 1-7-2019 của UBND thành phố Đà Nẵng. Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 chia sẻ, để thực hiện tốt chủ trương này, UBND phường phối hợp với chi ủy chi bộ, Ban công tác Mặt trận, các hội, đoàn thể ở 33 tổ dân phố phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân nắm rõ chủ trương và mô hình.

Bên cạnh đó, phường phối hợp chặt chẽ với Đội môi trường số 2, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu thu gom rác vào các ngày cố định thứ Tư và Chủ nhật. Phường còn tổ chức lồng ghép các hoạt động vào các ngày hội lớn như “Đổi rác lấy đồ gia dụng”, “Nói không với rác thải nhựa”… Nhờ đó, mô hình nhanh chóng được người dân hưởng ứng tích cực và thành phố tiếp tục triển khai sau khi đánh giá tính hiệu quả vào cuối năm 2019.

Mỗi năm, phường tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng để hỗ trợ công tác an sinh xã hội của địa phương. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng Covid-19, các hoạt động có phần chững lại, một số chi bộ khu dân cư (KDC) vẫn chỉ đạo tiếp tục thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, rác phân loại tại nguồn không nhiều.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay là do phường Hải Châu 1 nằm ngay giữa trung tâm thành phố nên không có nơi lưu trữ rác dài hạn, dễ gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị. Một số kiệt, hẻm nằm quá sâu, người dân vừa đem rác ra thì xe đã đi rồi.

Đặc biệt, xe thu gom rác thải tại nguồn cần nâng cấp, thiết kế chuyên dụng, đẹp mắt hơn để người dân bỏ rác được thuận lợi hơn sau khi đã phân loại. Năm 2021, phường sẽ làm việc với đơn vị thu gom để đánh giá tính hiệu quả trong việc phân loại rác thải tại nguồn, đồng thời đưa việc thực hiện mô hình này vào bình xét thi đua cuối năm của các tổ dân phố”, ông Võ Trường Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại phường Hòa Cường Nam, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng chưa đạt hiệu quả cao. Lượng rác được phân loại chưa nhiều, thậm chí có phần chững lại sau đợt Covid-19. Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam cho biết, nguyên nhân lượng rác phân loại tại nguồn chưa nhiều như mong muốn do một số KDC vẫn duy trì các mô hình thu gom rác tái chế để bán phế liệu gây quỹ. Một số hộ dân khác thu gom hằng ngày rồi cho công nhân môi trường để khỏi ứ đọng trong nhà.

Phường cũng đã vận động một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn phân loại rác tại nguồn để thực hiện theo mô hình này nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều tự gom bán phế liệu gây quỹ để hỗ trợ cho nhân viên mình. “Do lượng rác phân loại tại nguồn còn quá ít nên số tiền trích lại cho địa phương không bao nhiêu. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân đã nâng cao ý thức hơn trong việc phân loại rác. Mong muốn của người dân là việc thu gom rác phân loại tại nguồn được thực hiện hằng ngày để không phải lưu giữ rác lâu ngày trong nhà gây ô nhiễm”, bà Thanh Thủy đề xuất.

Tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn

Cuối năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang được Hội LHPN thành phố chọn thực hiện dự án “Xây dựng thí điểm quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn” trên địa bàn hai địa phương này. Bà Nguyễn Thị Dưỡng, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn cho biết, dự án được khởi động từ tháng 11-2020 tại 3 phường Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải.

Hiện nay, Hội LHPN và UBND các phường tổ chức xây dựng mô hình 3 tổ nòng cốt tại 3 KDC: Đa Mặn 9 (phường Khuê Mỹ), tổ 8 KDC Sơn Thủy 2B (phường Hòa Hải), tổ 1 KDC An Thượng 1 (phường Mỹ An). 3 tổ xây dựng được 55 tình nguyện viên - lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, Hội LHPN quận còn thành lập CLB ve chai với 25 người thu lượm ve chai. Các tổ nòng cốt sẽ có nhiệm vụ liên hệ với thành viên CLB để bán rác phân loại tại nguồn.

Lý giải về việc chọn tổ 1 KDC An Thượng 1 để xây dựng mô hình tổ nòng cốt, chị Đoàn Thị Diễm Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Mỹ An cho biết, tổ 1 thuộc Chi hội phụ nữ An Thượng với 57 hội viên. Tổ này là mô hình điển hình tích cực trong việc tham gia thu gom phân loại rác thải nhựa, bán ve chai gây quỹ giúp đỡ các chị em phụ nữ khó khăn.

“Hội LHPN phường chọn tổ 1 KDC An Thượng 1 làm thí điểm thực hiện dự án với 20 thành viên là người dân tại đây. Tổ này có nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn hằng ngày và vận động người dân trong tổ tích cực tham gia. Hằng tuần, tổ ra quân dọn vệ sinh KDC và tuyến đường Nguyễn Văn Thoại vào thứ Bảy và Chủ Nhật. Đến nay, việc thực hiện dự án được triển khai rất tốt”, chị Diễm Hương chia sẻ thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Dưỡng, việc triển khai dự án “Xây dựng thí điểm quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn” trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn rất thuận lợi nhờ trước đó Hội LHPN quận đã triển khai mô hình “Phân loại rác thải - thùng rác môi trường”. Mỗi hộ dân trên địa bàn quận đóng góp 1 thùng sơn rỗng, Hội LHPN quận triển khai việc sơn đồng bộ một màu xanh. Đặc biệt, vào tháng 6-2020, hưởng ứng Tháng hành động môi trường, Hội LHPN quận phát động phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn 4 phường, ban đầu thí điểm tại phường Mỹ An với 474 thùng được sơn, sau đó nhân rộng ra toàn quận.

Cũng từ mô hình này, phường Hòa Quý đã triển khai mô hình trồng chuối lấy lá ở Chi hội phụ nữ Hải An để thay thế việc sử dụng túi nilon. Kết quả của mô hình “Phân loại rác thải - thùng rác môi trường” trên địa bàn quận trong thời gian qua là cơ sở nền tảng cho việc triển khai dự án của Hội LHPN thành phố thành công và đạt hiệu quả; qua đó hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực quản lý rác thải tổng hợp trong cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang” được Hội LHPN thành phố Đà Nẵng chủ trì phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) với tổng kinh phí gần 3,4 tỷ đồng, do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) tài trợ. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 5-2020 đến tháng 9-2022.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.