Thời gian qua, Thành Đoàn Đà Nẵng tạo ra nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), khơi dậy khả năng sáng tạo trong các bạn trẻ để biến những ý tưởng thành những sản phẩm thiết thực, có giá trị trong cuộc sống.
Học sinh THPT tham quan mô hình không gian nghiên cứu khoa học, công nghệ trong Chuyến xe hành trình “Đổi mới tư duy”. Ảnh: Đ.H.L |
Cung cấp góc nhìn mới về khởi nghiệp
Với chủ đề “Tuổi trẻ Đà Nẵng tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, trong năm 2020, Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ Đoàn, ĐVTN về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), về lợi ích và hiệu quả của việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học vào sản xuất và đời sống - một trong những kiến thức nền tảng cho hoạt động khởi nghiệp.
Đặc biệt, “Festival Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (tháng 11-2020) với các hoạt động như phát động cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố năm 2021; triển lãm các sản phẩm sáng tạo, các đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải cao trong các cuộc thi, hội thi, thu hút 500 ĐVTN, học sinh, sinh viên tham gia. Điểm nhấn của festival này là tổ chức Chuyến xe hành trình “Đổi mới tư duy” dành cho 100 học sinh đến từ các trường THPT, giúp các em có cơ hội tham quan các mô hình không gian nghiên cứu khoa học, công nghệ của các trường ĐH, các trung tâm khởi nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng.
“Các bạn trẻ rất thích thú và hào hứng khi được tham quan, bởi điều này giúp cho các bạn bước đầu nhận thức rõ hơn về khởi nghiệp và tiếp cận với môi trường nghiên cứu khoa học ở bậc cao hơn, từ đó tạo nền tảng ban đầu để các bạn có thể tự tin khởi khiệp khi bước vào năm nhất ĐH”, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn cho biết.
Cũng tại festival này, Thành Đoàn tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, có 15/100 ý tưởng suất sắc cùng nhau tranh tài ở vòng chung kết trước sự chứng kiến của các doanh nhân là thành viên Hội Doanh nhân trẻ thành phố. Các ý tưởng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
Qua các cuộc thi cho thấy, ĐVTN và học sinh, sinh viên đã quan tâm nhiều hơn đến khởi nghiệp và có nhận thức, tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều ý tưởng đã được hiện thực hóa thành sản phẩm như: trà hoa nấm của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cặp chống gù của Trường ĐH Duy Tân. Thành Đoàn cũng hỗ trợ 6 dự án đoạt giải tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mỗi dự án 10 triệu đồng.
Trước đó, cuối năm 2019, Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội Sinh viên thành phố đã phối hợp cùng Đại học (ĐH) Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, đây là một trong chuỗi các hoạt động bổ ích về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành riêng cho sinh viên. Chị Nguyễn Thị Anh Thảo cho biết: “Diễn đàn đã mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh, đào tạo trên thế giới và Việt Nam như diễn giả Selena Le - nhà sáng lập kiêm Giám đốc Tổ chức khí hậu môi trường No Waste Vietnam và diễn giả Lê Diệp Kiều Trang - nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster. Qua đó, các bạn trẻ được cung cấp những góc nhìn mới về việc khởi nghiệp và cả những yếu tố đồng hành với các bạn trên chặng đường khởi nghiệp”.
Biến ý tưởng thành sản phẩm
Chia sẻ về sự ra đời ý tưởng Dự án Balo giảm sốc tái tạo năng lượng (Green Light - Weight Backpack - GLB), Trưởng nhóm dự án Phùng Thị Hồng Nga (Trường ĐH Duy Tân) cho biết: Nhóm em thực hiện dự án này khi nghĩ đến chuyện đi cắm trại, dã ngoại thì thường mang ba lô nặng trong một quãng đường dài và khi đến nơi thì ai cũng rất mệt và đau vai. Thêm vào đó, khi tới nơi thường vào buổi tối nên thiếu năng lượng điện, chẳng hạn như hết pin điện thoại hoặc mất ba lô sau một đêm ngủ dậy. Vì vậy, chúng em quyết định lên ý tưởng về một chiếc ba lô có chức năng giảm trọng lượng khi di chuyển, có thể tái tạo năng lượng phòng những trường hợp khẩn cấp và có thể định vị ba lô chống thất lạc.
“Ban đầu, chúng em rất băn khoăn về tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, sau khi xem xét thống kê số liệu, nhận thấy lượng người đi du lịch thám hiểm gần đây rất cao, những người chơi thể thao ngoài trời và bộ đội hành quân đều mang ba lô nặng. Từ đó, chúng em nghĩ ba lô GLB sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ sức khỏe người dùng, tránh trẹo lưng, vai. Ngoài ra, bộ giảm sốc còn có khả năng tạo ra dòng điện xanh, thân thiện môi trường, tích trữ điện cho các trường hợp nguy cấp trong khi hoạt động ngoài trời. Chúng em còn mong muốn nguồn năng lượng xanh này sẽ được phát triển để gánh vác phần nào nhu cầu về điện hiện nay”, Phùng Thị Hồng Nga lý giải thêm.
Dự án balo GLB vẫn đang được nhóm của Nga tiếp tục phát triển ý tưởng và hoàn thiện hơn để chuẩn bị cho các cuộc thi khác trong tương lai. Đặc biệt, nhóm cũng đang cố gắng thiết kế và làm sản phẩm mẫu. Tuy nhiên, theo Hồng Nga, các bạn gặp khó khăn về kinh phí. “Như mọi người biết, ở các cuộc thi, các đội thi có sản phẩm demo (bản giới thiệu/ thử nghiệm) sẽ nắm nhiều phần thắng hơn. Vì vậy, nhóm chúng em rất muốn có được khoản tài trợ để thực hiện sản phẩm demo của mình, qua đó đoạt được nhiều giải thưởng hơn, hoàn thiện sản phẩm để đưa đến tay người dùng”, Hồng Nga trăn trở.
Trong khi đó, Trưởng nhóm dự án Chế phẩm Bio-Pro xử lý phụ phẩm công nghiệp sản xuất tôm Nguyễn Châu Giang (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Từ thực trạng ô nhiễm môi trường do phân chim cút, cùng với Nghị định số 491/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh về quản lý tổng hợp chất thải rắn, nhu cầu sử dụng các nông sản hữu cơ ngày càng tăng sẽ dẫn đến nhu cầu cung cấp phân vi sinh sẽ tăng đáng kể. Từ đó, chúng em tận dụng nguồn phân, tạo ra chế phẩm sinh học BIO-MS, giúp xử lý phân, tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho các trang trại trồng trọt”.
Dự án sẽ mang lại những kết quả tích cực như: Thứ nhất, BIO-MS là chế phẩm sinh học đặc hiệu duy nhất xử lý triệt để mùi hôi, các vi sinh vật gây hại và biến phân chim cút thành phân hữu cơ vi sinh hiệu quả, thành phần nguyên liệu chứa chủng vi sinh vật hoàn toàn mới. Thứ hai, BIO-MS1 là phân hữu cơ vi sinh chứa chủng vi sinh vật hoàn toàn mới trên thị trường, chịu được phổ nhiệt độ cao, pH rộng; hàm lượng chất hữu cơ đạt tiêu chuẩn, tạo độ phì nhiêu, góp phần làm tơi xốp, cải tạo đất. So với các loại phân hóa học trên thị trường hiện nay, phân hữu cơ vi sinh BIO-MS1 có thể xử lý đất trồng bị ô nhiễm.
Nếu muốn sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ bền vững thì phân hữu cơ vi sinh là sự lựa chọn duy nhất.
Hiện tại, nhóm của Châu Giang đã cho thử nghiệm chế phẩm sinh học BIO-MS tại trại nuôi chim cút 30.000 con của gia đình ông Lê Trọng và tại trại nuôi chim cút 10.000 con của gia đình ông Rạng ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; và tại trại nuôi chim cút với hơn 7.000 con của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Kiều ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. “Đối với phân hữu cơ vi sinh BIO-MS1, nhóm đã tiến hành khảo sát và được sự đồng ý dùng thử phân hữu cơ vi sinh của một số hộ dân ở 3 xã Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và cũng được đưa vào thử nghiệm trồng tỏi ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vì sản phẩm còn mới nên khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp là thuyết phục người dân tin tưởng và sử dụng sản phẩm”, Châu Giang chia sẻ.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Chủ đề năm 2021 là Thanh niên với khởi nghiệp và lập nghiệp nhằm trang bị cho ĐVTN nhận thức về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận các nhà khoa học, các doanh nghiệp để được tư vấn về chuyên môn, hỗ trợ nguồn vốn…; đồng thời hướng đến công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và việc thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn thành phố. Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng |