Cuối năm, tôi siêng gọi về cho mẹ hỏi tình hình sức khỏe và làm ăn. Mẹ bảo trời mưa rét nhưng vẫn khỏe đều vì chỉ chơi thôi, đồng áng sau ba bốn trận lũ giờ bùn ngập nửa mét, văng ve vắng vẻ, chẳng thể gieo cấy được gì. Chợt thấy thương cánh đồng, nhớ cánh đồng…
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG |
Có những mùa đông trời rất lạnh nhưng ít mưa, không khí hanh khô làm tay mẹ nứt toác, má con thì nẻ chín màu cà chua. Ấy thế mà có ngại gì đâu, để chuẩn bị cho vụ đông xuân, ai vào việc nấy, nhà nhà người người cấp tập cày cuốc ra đồng. Càng cận Tết, không khí lao động càng khẩn trương, cánh đồng lúc ấy vào mùa đông nhưng rộn ràng không kém gì ngày nắng. Có khác thì chỉ đẹp hơn, vì cánh đồng mùa đông thường bảng lảng, nên thơ hơn nhờ khói.
Những sợi khói nhẩn nha bay lên từ những đống rấm được người nông dân đốt quanh các chân ruộng và vệ đường. Đó là những chân rạ, ụn rơm, những đống cỏ khô còn sót lại từ mùa trước. Cha vun lại, cần thì tấp ít lá tươi lên trên rồi châm lửa đốt. Vừa ấm áp, đuổi sâu bọ mà lại có tro phân rải ruộng chờ nuôi hạt mùa sau.
Xuống vụ, ruộng sâu sẽ được làm trước, ruộng cạn canh tác sau. Cha sẽ vẽ lên mặt ruộng những đường cày thẳng tắp, rồi đợi thủy lợi tháo nước về. Nước về lặng lẽ, chảy từ gò cao xuống ruộng thấp, thỉnh thoảng lọt xuống những kẻ nứt tạo ra âm thanh ộc ộc nghe khá vui tai, những chân rạ cũ được mẹ bạt ra hôm trước bỗng trôi nổi dập dềnh. Mênh mông không ngừng trải rộng.
Trên cánh đồng mùa đông, lũ trẻ mục đồng sẽ thích thú với đủ trò vui. Tuy nhiên, nếu ngày nắng là vi vu mỗi đứa mỗi góc với các trò như thả diều, hái hoa, bắt bướm, thì những ngày rét lạnh, cả tụi cùng nhau tụ lại bên một gốc cây to hoặc nép bên một gò đất cao, bắt đầu nổi lửa. Thường thì bọn con gái phụ trách phần nhóm bếp, bọn con trai góp đồ ăn. Bọn đó tài lắm.
Ngoài khoai sắn củ quả, lắm lúc chúng còn mang về “cống nạp” đủ loại chim cò, ốc tôm, trứng gà trứng vịt, tạo nên những bữa tiệc hấp dẫn, lem luốc nhưng thơm lừng. Có những ngày không chơi trò nấu nướng nữa, cả tụi sẽ tìm một hố bom nào đó thật sâu rồi nhảy tót xuống dưới, cùng ngồi chơi. Nghe có vẻ tẻ nhạt, nhưng thực sự là trên cao gió thổi dưới thấp yên bình, hố bom là nơi tránh buốt tốt nhất. Cả bọn sẽ không thấy rét nữa mà nhăng cuội thách đố nhau đủ điều.
Thời gian càng trôi về cuối, cha kéo cày lên cơi xới ruộng màu, mẹ chở từng bao phân bón, hạt giống ra đồng thì lũ trẻ cũng lục tục mang theo đủ loại rổ rá sẵn sàng cho ngày gieo hạt. Men theo những đường rảnh thẳng tắp, những đôi tay thoăn thoắt rắc xuống nào đậu lạc, nào đỗ đen, bắp nếp… Có đứa tiến lên, có đứa rắc hạt theo kiểu giật lùi, thi thố vừa rắc vừa chạy, í ới râm ran. Ra Tết, toàn bộ cánh đồng được khoác lên chiếc áo mới. Bắp đậu lên xanh, hoa dại ven đê chúm chím, ong bướm chim chóc cũng bắt đầu trẫy hội hút mật.
Thương cánh đồng, nhớ cánh đồng, cánh đồng là nơi ra quân xuống giống của phụ huynh, là nơi tụ tập, hẹn hò của lũ trẻ, là nơi chấm phá và khơi gợi bởi những vị khách đặc biệt không mời. Cứ tầm tháng 11 âm lịch trở đi, khi cần thúc béo đàn vịt kịp cho vụ Tết, ông lão mấy chục năm theo nghề nuôi vịt chạy đồng ở làng bên lại lùa đàn càn qua những cánh đồng ngập nước. Lũ vịt cắm mỏ xuống bùn sục sạo ốc tép sâu bọ, cây sào của chủ quét tới đâu thì chúng lại nhao lên ồn ào cạc cạc đến đó.
Bằng đôi chân trần không chỉ trong những ngày đông lạnh, lão chăn vịt bước qua bên kia con dốc cuộc đời với một vẻ vô tư, hồn hậu. Gặp ai lão cũng cười, lão vẫn thường dí lửa hút thuốc cùng cha. Họ thả khói, nhìn xa xăm... Tôi lùng bùng nghe tiếng cha thở dài về chuyện cánh đồng ngày càng chết. Thế rồi năm nay, ba bốn trận lũ liên tục mang theo về hàng trăm ngàn tấn phù sa, tưới tắm đắp bồi cho màu đất đang dần bạc.
Vì bùn quá dày nên vụ mùa năm nay chắc chắn sẽ đến chậm hơn nhưng mẹ bảo người nông dân đợi được, đằng nào thì cánh đồng vẫn luôn là nơi gieo hạt, mà đã làm người gieo hạt thì phải biết đợi chờ.
DIỆU THÔNG