Chia ruộng đất ở làng thời xưa

.

Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu gắn bó máu thịt với người nông dân, việc chia ruộng đất từ thời xưa là vấn đề vô cùng quan trọng. Ông Hà Tung (93 tuổi), một nhân sĩ của làng Phong Ngũ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn) đã từng nhiều năm tham gia trong ban chia ruộng kể lại câu chuyện dưới đây.

Từ thời Minh Mạng, nhà vua thi hành phép “quân điền” để chia ruộng đất mỗi làng cho dân canh tác. Làng lập ra Ban quân cấp (có nơi còn gọi là Ban quân điền) để tiến hành chia ruộng. Việc chia ruộng thường triển khai trong thời gian khá dài (2-3 tháng) nên dân gian gọi là “ăn ruộng”. Câu tục ngữ: “Lâu như ăn ruộng” ra đời từ đó. Quân cấp được tổ chức 3 năm một lần, nhưng cứ 2 năm được điều chỉnh lại gọi là tiểu quân cấp nhằm thu hồi đất của những người đã mất và cấp bổ sung cho những người mới nhập về làng. 

Trước năm 1945, đối tượng được chia ruộng là dân đinh (nam giới từ 18-60 tuổi). Thông thường con trai khi đủ 18 tuổi được công nhận dân đinh gọi là trục đinh. Tuy nhiên, có khi đã đủ hoặc hơn 18 tuổi nhưng vẫn chưa được trục vì lý trưởng không muốn làng phải nộp thêm thuế thân. Làng quy định muốn được trục đinh thì trong chi, phái, tộc họ phải có một người lên lão hoặc chết. Người mới được trục chỉ là thay thế, nên số thuế thân của làng không tăng thêm.

Thuế thân thời kỳ Pháp thuộc, mỗi người mỗi năm là 3 đồng 6 (tiền Đông Dương) tương đương 216kg lúa (giá lúa thời đó khoảng 0,1 đồng/ang). Thuế thân quá cao, đó là một đóng góp quá sức của người dân. Do vậy mới có câu ca: “… Ba đồng sáu giác thiếp nộp công ngân cho chàng/ Nộp rồi trong dạ mới an/ Tai nghe mõ đánh ngoài làng kêu xâu/ Tài chi ai không thảm không sầu/ Công ngân mới nộp đã kêu xâu rần rần…”.

Ngoài ra, cũng có những người không được chia ruộng bao gồm: dân ở ngụ (ngụ cư); những người đã ra lão (trên 60 tuổi) và những người dưới 18 tuổi. Phụ nữ góa chỉ nhận được phần đất trong vườn và được miễn thuế vườn.

Trước khi chia ruộng, làng phải trích lập số ruộng để cấp cho một số đối tượng như: Cấp cho thầy giáo gọi là ruộng Ngân hướng. Cấp cho người giữ bộ trong làng gọi là ruộng Thủ bộ. Cấp cho nhà chùa gọi là ruộng Tân quan. Cấp cho người viết liễn của làng gọi là ruộng Viết liễn. Cấp cho các vị nào có khoa bảng trong làng gọi là ruộng Văn chỉ… Số ruộng trích lập công ích của làng thường không quá 2% tổng số ruộng đem cấp. Ruộng chia theo thứ tự ưu tiên từ trước đến sau theo phẩm hàm; thất phẩm ăn trước, rồi đến bát phẩm, cửu phẩm. Hoặc theo bằng cấp: Người đỗ cử nhân ăn trước người đỗ tú tài… Những người có chức sắc trong làng gồm lý trưởng và ngũ hương (hương  dịch, hương  mục, hương kiểm, hương bổn và hương bộ) ăn trước dân thường. Tráng dân thì ai trục (vào dân đinh) trước thì ăn trước. Người trục sau thì ăn sau.

Một góc ruộng đất làng Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.S
Một góc ruộng đất làng Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.S

Ruộng chia hai cấp: cấp nhất (ruộng ngoài đồng) và cấp nhì (ruộng trong vườn). Thường thì Ban quân cấp hướng dẫn bà con trước hết ăn chân ruộng của mình đang canh tác, vườn mình đang ở, sau đó mới ăn ra ngoài. Cũng trong thời gian này hình thành tự phát một số ruộng gọi là ruộng Liễm phân. Liễm phân là số ruộng mà làng đứng ra xin của người được chia ruộng, mỗi người một ít, có thể bằng 1% số ruộng mà họ được chia nhưng cả làng cộng dồn lại cũng được gần vài mẫu. Số ruộng này đem đấu giá để tạo nguồn thu chi tiêu cho các việc công ích, tế tự trong làng như xuân kỳ, thu tế…

Sau năm 1945, việc quân cấp tiến bộ hơn, đối tượng chia ruộng được mở rộng; công dân từ 18 tuổi trở lên không kể nam hay nữ, cả dân ngụ cư và người trên 60 tuổi đều được chia ruộng. Cô nhi cũng được chia ruộng nhưng định suất chỉ bằng 60% suất chính. Ruộng được phân chia đều bằng cách bốc thăm. Mỗi người dân được bốc một thăm ngẫu nhiên theo hai cấp: cấp nhất và cấp nhì. Cấp nhất thì xăm số 1 ăn trước, rồi tuần tự ăn đến xăm cuối cùng. Đến cấp nhì thì ngược lại. Ai ăn xăm số một cấp một thì ăn cuối cùng cấp nhì. Thời kỳ này bắt buộc phải ăn vườn ở cấp nhất, sau đó mới ăn ngoài đồng.

Sau năm 1954, việc quân cấp có tiến bộ, hợp lý hơn, đối tượng chia ruộng vẫn không có nhiều thay đổi, nhưng cách chia ruộng hoàn toàn khác. Ruộng cũng chia theo cách bốc thăm nhưng tất cả số ruộng chia được giá trị hóa (quy bằng tiền) theo 3 hạng mức: nhất, nhì, ba. Mỗi hạng chia 3 cấp: nhất có nhất A, nhất B, nhất C; nhì có nhì A, nhì B và nhì C; hạng ba cũng vậy. Vườn được xếp đồng hạng nhưng giá trị quy đổi thấp hơn nhiều so với ruộng cấy. Theo số liệu quân cấp năm 1962 mà ông Hà Tung còn lưu trữ, vườn lúc bấy giờ được định giá là 20 đồng/sào. Trong khi đó, ruộng hạng nhất được định giá 135 đồng/sào, hạng nhì 120 đồng/sào và hạng ba 105 đồng/sào. Mỗi hạng chênh lệch nhau khoảng 10%.

Câu chuyện phân chia ruộng đất ở làng thời xưa cũng là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm, phản ánh thực thể đời sống xã hội; đồng thời cho thấy tầm quan trọng của đất đai đối với người nông dân và vai trò các giai tầng xã hội lúc bấy giờ.

HÀ SÁU

;
;
.
.
.
.
.