NĂM HỌC ĐẶC BIỆT

Tươi vui 'trên sóng'

.

ĐNO - Không còn chuyện bỡ ngỡ của thầy và trò như năm đầu tiên làm quen cách dạy - học trực tuyến (online) vì tình cảnh dịch bệnh bất ngờ, việc tổ chức dạy online năm học mới này tiến tới nhu cầu làm thế nào để hay và hiệu quả hơn.

Muốn đạt mục tiêu đó, các giáo viên, giảng viên các cấp học ở Đà Nẵng đang âm thầm chuẩn bị ngày “lên sóng” thật hấp dẫn và “tung bí kíp” đúng lúc (theo lời các thầy, cô) để học sinh thích thú vào lớp.

Mỗi ngày “vào lớp” là một ngày vui. Học là chính, vui cũng không hề phụ. Học online bây giờ có khác!

Không “ép” vẫn tranh nhau phát biểu

Các phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến sinh động, tươi vui. Đồ họa: MAI ANH
Các phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến sinh động, tươi vui. Đồ họa: MAI ANH

Ngày 23-8 này, cô Nguyễn Ngọc Tuyền, Trưởng bộ môn Tiếng Hàn, khoa Tiếng Nhật - Hàn - Thái, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) bắt đầu trở lại những giờ dạy online sau nghỉ hè.

Cô Ngọc Tuyền vẫn nhớ cụ thể từng mốc thời gian của năm ngoái dạy… chập chờn do dịch bệnh khó lường. Học trực tuyến chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ việc học trực tiếp bị gián đoạn trong thời điểm đó, nên khó đòi hỏi tính chuyên nghiệp và sự cải thiện liên tục về phương pháp giảng dạy.

Năm học mới 2021-2022, cô Ngọc Tuyền xác định việc học trực tuyến phải sinh động, hiệu quả tương đương cô trò đang ngồi trên giảng đường. Để thực hiện kế hoạch này, cô áp dụng các phương pháp thử nghiệm qua một số lớp gần đây.

“Tôi không điểm danh nhưng sinh viên (SV) vẫn phải lên lớp và phát biểu tích cực nhất có thể. Nếu giảng viên nói một mình, nội dung quan trọng đến đâu, người nghe cũng dễ ngủ gật nên ở một số môn, tôi phân chia chương trình cho từng nhóm chuẩn bị, giảng viên đóng vai trò hỗ trợ, góp ý. Việc phát biểu chiếm 20% tổng điểm đánh giá học phần, không tham gia chịu điểm 0 bài tập. Mỗi lần các em trả lời, dù sai hay đúng đều được cô tặng một... dấu gạch. Người có tổng số gạch nhiều nhất quy ra điểm 10 và hạ dần xuống người thấp nhất. SV rất muốn và cũng dễ kiếm điểm bằng cách này”, cô Ngọc Tuyền cho hay.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng SV sôi nổi trả lời sớm để… yên tâm lơ đãng làm việc riêng suốt thời gian còn lại, cô Ngọc Tuyền phân bổ nhiều kiến thức trong một buổi học.

“Các môn thực hành như Thông dịch, mỗi buổi tôi rèn các kỹ thuật dịch khác nhau, 3 tiết tổng cộng 5 kỹ thuật. Nếu SV học mỗi tiết đầu thì tự bản thân em đó thiệt thòi vì mất các kỹ thuật dịch khác trong khi bài nào cũng quan trọng. Đối với môn nặng lý thuyết như Lý thuyết dịch, SV được yêu cầu thuyết trình theo nhóm. Tâm lý các em đều không muốn phát biểu “vào hư vô” nên sẽ cố gắng “lôi kéo” các bạn bằng nội dung thuyết phục và tổ chức giao lưu sau phần trình bày của mình. Mà để có kiến thức đối đáp giao lưu, các nhóm không còn cách nào khác là phải nghe chăm chú hết buổi. Tất nhiên, không bao giờ đạt lý tưởng 100% SV học nghiêm túc, bởi trên lớp bình thường, nếu muốn các bạn vẫn có thể… nhìn vu vơ ra cửa sổ”, cô Ngọc Tuyền chia sẻ.

Lê Doãn Thống, SV năm 4 lớp 17CNH02, Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết: “Tụi em hào hứng tranh nhau trả lời các câu hỏi trong giờ online của cô Ngọc Tuyền chứ không phải đối phó. Bạn nào rụt rè hoặc có thái độ học chưa tích cực, cô càng gọi nhiều hơn, nên tốt nhất mình cứ chủ động tham gia. Hơn nữa, SV có nhiều cơ hội thể hiện bản thân và được ghi nhận từ cô trước tập thể như: “Chính xác! Đúng rồi!” khiến tụi em rất thích”.

Với Thống, học trực tuyến có một số điểm thú vị hơn so với học trực tiếp. Thống kể: “Trong một buổi thuyết trình, bạn em xung phong dịch bài nhưng bị tâm lý nên nói: “Ôi, sao tự dưng em run ghê ri cô?”.

Lúc đó, cô Tuyền bằng giọng hài hước đáp lại: “Các bạn không nói gì, cô cũng không nói gì, do tự em run chứ!”, thế là cả lớp cười ồ và câu này về sau trở thành lời mào đầu của tất cả các bạn trước khi phát biểu để được cô động viên. Chỉ có lớp online mới vậy chứ trên giảng đường nhìn thầy cô trực tiếp tụi em không mấy khi dám đùa”.

Tương tác xóa nhòa khoảng cách

Các giáo viên nâng cao kỹ năng dạy online trước khi bước vào năm học mới 2021-2022. (Ảnh do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hòa Vang cung cấp)
Các giáo viên nâng cao kỹ năng dạy online trước khi bước vào năm học mới 2021-2022. (Ảnh do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hòa Vang cung cấp)

Dạy online ở mỗi cấp học có những thách thức khác nhau. Đối với học sinh (HS) còn nhỏ, việc tập trung trước màn hình hết tiết 45 phút không hề dễ nếu buổi học khô khan, buồn tẻ.

Tự nhận giờ dạy online của mình chỉ ở mức “không quá nhàm chán”, nhưng đếm sơ, số phần mềm cô Lâm Hương Giang, giáo viên Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) ứng dụng trong môn học của mình cũng lên gần chục.

Trực tiếp hay trực tuyến đều chừng đấy HS, nhiều gấp 3-4 lần một lớp học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, nên để các em nâng cao kỹ năng theo yêu cầu của bộ môn này trong điều kiện lớp đông, cô Hương Giang thiết kế nhiều hoạt động, trong đó sử dụng tối đa các phần mềm hỗ trợ giúp tiết dạy luôn mới mẻ.

Trong năm học 2021-2022, chương trình tiếng Anh lớp 6 yêu cầu đặt yếu tố giao tiếp, kỹ năng nói lên hàng đầu; việc phát triển năng lực của từng HS cũng được nhắc đến nhiều. Do đó, cô Hương Giang dự định hướng dẫn các em dùng Flipgrid, một nền tảng thảo luận bằng video để HS tự quay bài nói cá nhân và gửi lên nhóm cho cô cùng các bạn chấm điểm; hay một số sản phẩm học tập có thể phát huy tối đa năng lực HS như làm bộ thẻ nhớ Flashcard, làm phim đơn giản.

Cô Hương Giang chia sẻ: “Ở mỗi buổi học online, đầu giờ, tôi cho các em xem những video vui nhộn phù hợp chủ đề bài học. Giáo viên điểm danh với sự trợ giúp của các phần mềm Mentimeter và MS Forms, vừa tạo không khí vui vẻ, vừa có khoảng thời gian chờ HS vào lớp đông đủ, kết hợp thu thập phần bài học các em chưa hiểu. Buổi học chính thức bắt đầu bằng việc khởi động “làm nóng” qua trò chơi (nội dung kiểm tra việc chuẩn bị bài tại nhà) trên Quizizz, Nearpod”.

Bài tập HS có thể gửi trực tiếp qua Zalo, nhưng cô Giang hay dùng Padlet - một ứng dụng tăng sự tương tác, chia sẻ vì HS rất thích sử dụng công nghệ. Để kiểm tra việc hiểu bài của HS, cô thường ra bài tập sau khi tiết học kết thúc bằng cách sử dụng phần mềm MS Forms, Socrative… Điểm thưởng từ trò chơi cũng như điểm bài tập đều được dùng đánh giá việc học của HS theo đúng tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để học xa mà gần, xóa khoảng cách mỗi người một nơi, việc tăng sự tương tác tối đa như trên đang được nhiều trường và các giáo viên chuẩn bị ứng dụng. Học là chính, vui… không hề phụ nên các phần mềm được chọn giảng dạy đều nắm bắt xu hướng, sinh động, tiện ích, phù hợp giáo dục hiện đại.

Theo thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu), năm học mới sắp đến, nhà trường tập huấn cho giáo viên sử dụng thêm các công cụ tương tác như Kahoot, Wordwall... Đây là những ứng dụng học mà chơi, chơi mà học. Giáo viên dễ thiết kế trò chơi, kiến thức được lồng ghép ngay trong câu đố, HS có thể thao tác đơn giản. Tính cạnh tranh thể hiện qua vị trí xếp hạng của người chơi nên HS sẽ hứng thú “trả bài” để trở thành người đứng đầu cuộc đua.

Nhiệm vụ “thổi” không khí mới, tươi vui vào chương trình học trực tuyến được Trường THCS Tây Sơn giao cho một nhóm giáo viên trẻ giỏi công nghệ thông tin. Những thầy, cô này còn giúp giáo viên khác sử dụng thành thạo công cụ giảng dạy để chất lượng các buổi học đồng đều.

Nhà trường đầu tư phòng Tin học, phương tiện dạy online và phần mềm có bản quyền trong dạy học lẫn trình chiếu. Các bài giảng được lưu lại để HS không có điều kiện tham gia trực tuyến hoặc gặp sự cố khi học có thể dễ dàng theo dõi trên kênh YouTube của nhà trường.

Trong khi đó, tăng tương tác đối với lứa tuổi HS THPT lại không chỉ qua các trò chơi ngộ nghĩnh. Với cô H.V, giáo viên môn Văn, Trường THPT Phan Châu Trinh, sự “tiếp xúc” giữa cô - trò là những giờ phút cùng nhau trao đổi các vấn đề chưa rõ.

“Lên lớp là giờ giáo viên và HS làm sáng tỏ những thắc mắc. Việc soạn bài và tài liệu được giao trước đó. Bài về nhà HS nộp dưới dạng word hoặc file ảnh và “trên sóng” cô sẽ sửa chung, sau đó nêu nhận xét, lưu ý điểm tốt, mặt hạn chế... Khâu chấm bài, sửa bài kiểu này rất vất vả nhưng hiệu quả là cô và trò đều cùng bận rộn làm việc, rôm rả thảo luận, không có cảnh cô cặm cụi chấm, trò lặng lẽ ngồi”, cô H.V bộc bạch.

Và theo chia sẻ của cô H.V cũng như các giáo viên khác, thực tế cho thấy, cùng trên một số nền tảng dạy trực tuyến cơ bản như nhau đang được áp dụng tại các trường, nhưng buổi học có hay và hiệu quả, nói cách khác là “có hồn” hay không lại phụ thuộc nhiều vào cảm xúc chân thành của người đứng lớp mà máy móc không thể thay thế.

Tương tác qua phần mềm, phần cứng nào cũng khó mang lại sự gần gũi thật sự nếu thiếu “hiệu ứng” tình cảm. Các em sẽ thích học nếu thầy, cô không tiếc lời yêu thương khen tặng dù mộc mạc: “Bài này em làm tốt nè! Em đã cố gắng khắc phục lỗi ở bài trước. Em tiến bộ rất nhiều, cố gắng lên!”; hay “có cánh” hơn là: “Thầy/cô rất vui… Thầy/cô cảm thấy bất ngờ trước sự chuẩn bị của các em. Lớp mình giỏi quá…”.

Ngôn ngữ cảm xúc là “đường truyền” tốt nhất để gắn kết thầy trò dù khoảng cách địa lý bao xa và yêu thương buộc phải gửi qua một phương tiện trung gian nào đó.

THU HOA

* Cô Huỳnh Vũ Hoàng Dung, Tổ trưởng chuyên môn Tổ 1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hải Châu:

Lên kế hoạch sẵn sàng dạy trực tuyến

Là giáo viên đầu cấp tiểu học, tranh thủ những tháng hè, chúng tôi lên kế hoạch và xây dựng kỹ phương án dạy học trực tuyến cho học sinh bám sát kế hoạch của nhà trường; đồng thời cập nhật các phần mềm dạy học trực tuyến và các phương pháp dạy tối ưu để hướng dẫn học sinh làm quen, bước vào năm học mới với tâm thế sẵn sàng, không bị động.

Song song đó, từ đầu tháng 6-2021, nhà trường giới thiệu bộ sách giáo khoa năm học 2021-2022 đến phụ huynh trên trang web của trường. Ngoài ra, toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn bổ sung về chương trình sách giáo khoa và các mảng liên quan phương pháp dạy học mới để đáp ứng kịp thời việc dạy học sinh đầu cấp.

Trong những tuần đầu sau khai giảng, chúng tôi sẽ tập trung giới thiệu về sách, dụng cụ học tập, tạo không khí vui vẻ, thoải mái để các em tiếp cận môi trường mới. Dự kiến chia lớp thành 2 khung giờ để giáo viên dễ quan sát và hướng dẫn kỹ các em về kiến thức, kỹ năng cơ bản trong học tập.

Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để có sự phối hợp nhịp nhàng cũng như chuẩn bị chu đáo bảo đảm chất lượng dạy - học và sức khỏe cho học sinh khi các em còn quá nhỏ. Thời gian đầu sẽ tổ chức 2 buổi học online/tuần để giải đáp những thắc mắc, cho các em làm quen với nhau. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đến trường trở lại, chúng tôi sẽ bổ sung kiến thức của tất cả các môn học để học sinh nắm bắt nhanh, hiệu quả chương trình học.

* Chị Trần Thị Hoài Nam, phụ huynh học sinh Lê Đắc Đăng Quang, lớp 6, Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, quận Thanh Khê:

Đồng hành, sát cánh cùng con

Chúng tôi không khỏi lo lắng bởi thêm một năm nữa các con phải học online. Mới vào lớp 6, các con chưa ý thức hết nhiệm vụ học tập, vẫn còn ham chơi nên phụ huynh phải đồng hành, sát cánh cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tôi cùng con lên thời khóa biểu cụ thể nhằm rèn cho con tính tự giác, chủ động với việc học. Cùng với đó, tôi mong muốn khi dạy online, giáo viên tạo được sự hứng thú cho học sinh. Mới đầu nên cho học sinh làm quen với môi trường mới, bạn mới, lớp mới hơn là tạo áp lực học tập bằng việc giao bài tập về nhà.

Hơn nữa, việc dạy và học nên thực hiện theo hình thức vừa kỷ luật, vừa động viên, khuyến khích. Giáo viên cũng cần trao đổi chặt chẽ với từng phụ huynh để họ nắm được mức độ tham gia cũng như năng lực học tập của con, từ đó có sự phối hợp bảo đảm việc dạy tốt, học tốt.

* Cô Hoàng Châu Âu, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Hòa Vang:

Học sinh cần mạnh dạn bày tỏ ý kiến

Mọi năm, trước khi vào năm học mới, tôi chủ yếu chuẩn bị giáo án nhưng 2 năm nay thì phải tìm hiểu các phần mềm dạy học trực tuyến để tương tác tốt với học sinh, tạo bài giảng điện tử, video, hình ảnh minh họa để học sinh dễ hình dung, dễ hiểu bài hơn.

Ngoài công tác chuyên môn, tôi còn là giáo viên chủ nhiệm nên phải tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, tính cách, sở thích của học sinh bằng cách tạo các câu hỏi để các em trả lời qua ứng dụng Google Form...

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 10 nhiều năm, tôi nhận thấy đa phần học sinh đều có tâm lý lo lắng rằng bạn bè trong lớp có vui vẻ, hòa đồng với mình không; thầy cô có quan tâm, gần gũi như ở bậc THCS không; kiến thức ở bậc THPT sẽ nhiều và khó hơn không.

Để đạt kết quả học tập tốt ở bậc THPT, các em nên học bài bằng cách tìm từ khóa, học từ khóa rồi tự diễn đạt theo ý của mình cho đúng với nội dung cần học. Các em nên tập thói quen tổng kết 1 bài, 1 chương, 1 chủ đề... bằng sơ đồ tư duy thì sẽ có cái nhìn bao quát về bài học và cũng sẽ dễ nhớ hơn. Làm bài tập nhiều cũng là cách để nhớ và biết cách vận dụng công thức.

Để có thể nhanh chóng hòa nhập với thầy cô, bạn bè ở ngôi trường mới, các em cần mạnh dạn tham gia và bày tỏ ý kiến trong các giờ sinh hoạt lớp, hoạt động nhóm, phát biểu trong giờ học.

* Em Hồ Sỹ Toàn, học sinh lớp 10A1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:

Mong được đến trường gặp gỡ bạn bè, thầy cô mới

Năm nay, em lên lớp 10. Lần chuyển cấp này cũng giống như lần chuyển từ cấp 1 lên cấp 2, em cảm thấy rất buồn khi phải chia tay bạn bè, thầy cô, mái trường.

Trước ảnh hưởng của Covid-19, nhà trường sẽ tổ chức khai giảng trực tuyến và dạy học trực tuyến. Trước đó, em khá tò mò về ngôi trường mới nên đã hỏi thăm các anh chị khóa trên về những thầy cô ở trường, hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ; tìm hiểu và hỏi các thầy cô về những phương pháp học hiệu quả, phù hợp với lượng kiến thức ở cấp 3.

Em đã chuẩn bị đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập và các thiết bị hỗ trợ việc học trực tuyến; đồng thời mong muốn thành phố nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để em được đến trường, gặp gỡ bạn bè, thầy cô thay vì nhìn mọi người qua màn hình máy tính.

* Chị Phạm Thị Thu Hà, phụ huynh học sinh Hoàng Trường Khả, lớp 1/8, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên, quận Liên Chiểu:

Tự tin cùng con bước vào lớp 1

Năm nay, con tôi bước vào lớp 1. Tôi rất mong con có một ngày khai giảng và những buổi học trực tiếp cùng thầy cô, bạn bè. Cảm giác được nắm tay con đến trường trong ngày khai giảng sẽ rất đặc biệt. Vì vậy, tôi có chút hụt hẫng khi con sẽ dự khai giảng và học online, nhưng đó là tình hình chung do ảnh hưởng dịch bệnh.

Khi con học online, tôi lo lắng làm sao sắp xếp thời gian vừa làm việc, vừa cùng con học hiệu quả cũng như hướng dẫn, giúp con hoàn thành các bài tập được giao (nếu có).

Tôi hy vọng việc học online chỉ kéo dài 1-2 tuần, nếu kéo dài quá sẽ khó bảo đảm chất lượng học của học sinh khi bố mẹ bận rộn với công việc, các con mới 6 tuổi thì vẫn còn ham chơi, chưa hình thành nền nếp học tập.

* Em Trần Quang Phúc, sinh viên năm 1, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh:

Nỗ lực, quyết tâm đạt kết quả tốt

Vừa rời ghế Trường THPT chất lượng cao Sky-Line Đà Nẵng, em rất vui mừng khi nhận thông báo trúng tuyển Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Theo kế hoạch, đầu tháng 9 em sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh nhập học, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp nên em phải học trực tuyến. Dẫu vậy, em đã chuẩn bị tâm lý thật tốt để thích nghi với môi trường mới.

Những ngày này, em dành thời gian tìm kiếm tài liệu liên quan đến các môn học, tranh thủ thời gian Đà Nẵng tạm ngừng mọi hoạt động trong 10 ngày để tập nấu ăn, nâng cao kỹ năng sống... Em cũng đã lên thời gian biểu, phân bổ thời gian hợp lý, cân bằng giữa việc học online, tập thể dục, nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh cũng như nghiên cứu, đọc sách và làm các bài tập được giảng viên giao.

Điều em lo lắng nhất khi học online là sinh viên ít có cơ hội thực hành. Song, em đã sẵn sàng tâm lý tự học, tự lập, nên dù học online hay trực tiếp thì em luôn nỗ lực, quyết tâm đạt kết quả tốt.

THANH TÌNH - MAI HIỀN thực hiện

 

;
;
.
.
.
.
.