Góc bếp thơm hương

.

Mỗi ngôi nhà ở phố thường chỉ có một góc bếp để đỏ lửa. Thế nhưng, nhà mẹ tôi ở quê lại có đến vài góc bếp để vun vén hằng ngày.

Mẹ có 3 góc bếp với những mục đích và cách sử dụng khác nhau. Cái bếp thứ nhất gồm hai viên gạch xếp song song, đặt dưới gốc cây đào là để nấu nước. Mỗi sớm thức dậy, mẹ đỏ lửa ở đây trước tiên. Vật liệu đun thì mùa nào thức nấy. Mùa xuân mẹ dùng củi; mùa hè mẹ dùng lá tre, rơm rạ; sang mùa thu mẹ lại dùng lá chuối khô do ba trảy được từ vườn nhà. Từng tàu lá chuối được chụm đỏ phừng phừng, phả vào không gian mùi thơm ấm áp…

Cái bếp thứ hai là một chiếc kiềng bằng sắt, được thiết kế theo hình chữ nhật dài hơn 1m. Chiếc bếp này bao gồm 3 bếp nhỏ gộp lại, được đặt mé vườn sau, nó được dùng vào những dịp gia đình có kỵ giỗ, hoặc lúc con cháu quây quần đông đúc. Chiếc bếp cuối cùng ở gian nhà dưới, xếp cùng dãy với chiếc chạn gỗ, giá để bát chén xoong nồi và một chiếc bàn nhôm chi chít những lọ chai.
Tóm lại, khu bếp của mẹ khá cồng kềnh và bất tiện khiến chị em tôi mỗi lần ghé nhà lại rủ rỉ chuyện cải tạo và trùng tu.

Chúng tôi muốn đặt tiêu chí “tiện ích” lên hàng đầu thông qua việc mua sắm các vật dụng nhỏ gọn, đa năng. Phần hạ tầng cũng sẽ được đập đi xây lại toàn bộ. Mọi ngóc ngách sẽ được xóa bỏ, khu bếp sẽ liên hoàn với  khu nhà chung cho tiện việc đi lại khi mẹ tuổi về già.
Dự định là thế, vậy mà lần nào mẹ cũng gạt đi. Mẹ bảo: “Mấy đứa lớn rồi, đều theo chồng cả, nhà cửa bếp núc giờ là của hai kẻ già này. Mẹ vẫn khỏe, vẫn tự lượng được sức mình. Bếp to hay nhỏ, xa hay gần không quan trọng. Để tạo ra một món ăn ngon, chỉ cần 2 điều quan trọng. Đầu tiên là cảm giác thoải mái của người nấu nướng, sau nữa là tinh thần chăm chút, tôn trọng sở thích của người cùng mâm cơm”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ nói đi đôi với làm. Hôm ghé nhà, thấy cái nồi cơm điện vẫn được xếp kín trong hộp, tôi hỏi mẹ sao không lấy mà nấu cơm cho tiện. Mẹ bảo: “Ba chỉ thích ăn cơm nồi gang. Nấu nồi gang, hạt gạo không bị ngâm nên hạt cơm khi chín sẽ ráo nước, dậy lên mùi ngọt thơm của gạo ruộng mùa mới, ba mày muốn ăn miếng cháy giòn rụm chấm nước cá kho cũng có luôn”.

Nhìn qua bếp núc là biết luôn phong vị gia đình. Mấy chị em tôi lớn lên chưa bao giờ biết đến món thịt kho tàu, cánh gà rô ti hay cá tẩm bột chiên xù. Những món mẹ nấu bao giờ cũng đơn giản. Nếu nấu canh tôm, canh cá, mẹ chỉ cần ướp qua muối mắm, chờ nước sôi là mẹ thả vào kèm rau, kèm măng chua, hay bí, dứa… Mẹ bảo làm thế vừa ngọt nước, các nguyên liệu lại giữ được vị tươi, ít dầu mỡ nên ăn không bị ngấy. Nếu kho cá, mẹ cũng chỉ cần thắng ít đường đen, cho lửa riu riu rồi rắc thêm ít tiêu hạt, thế mà đến bữa cơm sôi cũng đủ rệu rạo cả người…

Nếu góc bếp gia đình mẹ chăm chút những món lành vị thì ở góc bếp dành cho việc hiếu hỉ có đông họ hàng, mẹ luôn đặt xếp kỹ lưỡng, chỉn chu, bài bản. Mỗi lần có kỵ, mẹ phụ trách nồi xáo bún to đùng, kiêm luôn việc kiểm kê, lên mâm để các món không chỉ vừa miệng mà còn được bày biện khéo léo, thẩm mỹ. Mẹ bảo, mâm mặn cúng ông bà, ngoài thịt phay, cá kho thì cần phải có một đĩa nem chả, một đĩa đồ xào. Nếu chả thẻ thì xếp dài, chả đòn thì phải chia lát hình tam giác theo tỷ lệ cân đối, chả trứng thì bỏ hết lòng trắng, chỉ lấy lòng đỏ. Đĩa đồ xào gồm su hào và cà rốt cũng được xắt thành những lát mỏng vừa phải, rửa nước muối cho sạch rồi xào với lòng gà lòng vịt, rắc lên mặt ít ngò thơm, cắt khúc đều đặn đẹp mắt.

Mẹ là vậy, có rất nhiều góc bếp khác nhau, góc nào mẹ cũng tự tay sắp đặt và vun vén. Qua năm tháng, chẳng bao giờ tôi thấy mẹ buồn chán hay đau đầu vì chuyện không biết hôm nay ăn gì nấu gì. Có thể vì mẹ đã có được bí kíp cốt lõi nhất của những bữa ăn đó là ăn sạch, ăn nóng, và ăn bằng tất cả tình yêu thương.

Mỗi người phụ nữ, có lẽ một trong những bản năng và tài nghệ bẩm sinh của họ là việc đứng bếp. Họ nấu, nướng, ninh, hầm để thắp nên những sợi khói, tạo nên những mùi hương giúp kết nối các thành viên, níu gần các thế hệ, lưu giữ miền ấu thơ, lưu giữ ẩm thực quê hương.

Trong rất nhiều tập của gameshow “Vua đầu bếp” từng phát sóng trên truyền hình, tôi chứng kiến nhiều vị giám khảo không chỉ chấm điểm cao những món ăn dân dã mang đậm tính vùng miền, mà họ còn nhắm mắt, lặng người khi vừa mới chạm vào một làn hương. Họ bảo, chính mùi vị quen thuộc đó đã đánh thức ký ức, khiến họ nhớ lại những món ăn của bà, của mẹ. Đó là những món ăn thời bé thơ rất đặc biệt. Chúng được nấu bằng tất cả tình yêu thương, được nâng niu và thưởng thức thật chậm rãi trong không khí đầm ấm, sum vầy.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích