Xây dựng 'phông văn hóa' trên không gian mạng

.

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để đưa thông tin sai lệch hoặc lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của các cá nhân hoặc tổ chức. Nguy hiểm hơn, những thông tin này lại thu hút số lượng đông người theo dõi.

Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng đang rà soát thông tin trên mạng.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng đang rà soát thông tin trên mạng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những “anh hùng bàn phím”, từ người đưa tin, đăng đàn đến những người hóng chuyện, like (dùng nút thích trên mạng xã hội), share (chia sẻ) không chỉ có giới trẻ mà “phủ sóng” đến cả người già lẫn trẻ em.

Trước thực trạng đó, chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương đã liên tục ban hành những quy định, quy tắc nhằm chấn chỉnh việc sử dụng mạng xã hội. Nổi bật là Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (ban hành tháng 6-2021 theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); Công văn số 2765/BTTTT-TTTH&TTĐT ngày 23-7-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ về phòng, chống Covid-19 và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh trên không gian mạng...

Thành phố Đà Nẵng cũng có những quy định về vấn đề này. Trong tháng 5-2021, Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 1088/STTTT-TTBCXB gửi các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố; các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện về sử dụng mạng xã hội bảo đảm quy định pháp luật... Có thể nói, quy định, quy tắc không thiếu, tuy nhiên sự thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội cũng không hề giảm; đặc biệt, khi Covid-19 bùng phát, những thông tin sai lệch càng lan rộng. Chia sẻ với Báo Đà Nẵng về thực trạng này, Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng, văn bản pháp luật là căn cứ quan trọng, nhưng điều căn bản hơn cả vẫn là “phông văn hóa” của mỗi người trong vấn đề sử dụng và ứng xử với mạng xã hội.

* Xin ông cho biết tình hình xử lý những trường hợp đưa tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội tại thành phố Đà Nẵng thời gian gần đây như thế nào, và vì sao những sự vụ tương tự vẫn liên tiếp diễn ra dù cơ quan chức năng đã xử lý kiên quyết?

- Từ tháng 5-2021 đến nay, Công an thành phố phát hiện 48 vụ, 50 đối tượng đăng tải nội dung sai phạm liên quan đến Covid-19. Lực lượng chức năng đã mời làm việc và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 đối tượng, tổng mức phạt 135 triệu đồng; răn đe, nhắc nhở 26 trường hợp; chuyển Công an địa phương khác xử lý 2 đối tượng và đang tiếp tục xác minh, xử lý 11 đối tượng.

Một số nguyên nhân của tình trạng đưa tin giả, không đúng sự thật là: Thứ nhất, để thỏa mãn “cái tôi” của mình, mong muốn mình là người “thạo tin” nhất, đưa tin nhanh nhất, độc nhất để người khác ngưỡng mộ. Thứ hai, để câu view nhằm tăng tương tác, mục đích là bán hàng trực tuyến. Thứ ba, một số đối tượng do bất mãn trong cuộc sống, công việc, bất mãn với một vài chính sách của chính quyền... nên đăng tin giả, sai sự thật nhằm bôi nhọ chính quyền, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức, người thi hành công vụ. Thứ tư, các tổ chức, cá nhân thù địch, chống phá Nhà nước Việt Nam thường xuyên đăng các tin giả, sai sự thật một cách tinh vi nhằm hạ uy tín chính quyền, cá nhân lãnh đạo; từ đó kích động người dân giảm lòng tin vào chính quyền, mục tiêu cuối cùng là kích động người dân lật đổ chính quyền.

Ngoài những nhóm đối tượng trên, còn có những người vì mục tiêu tốt, muốn lan truyền thông tin cho người khác xem, nghiên cứu nhưng lại không thẩm định kỹ nguồn tin trước khi chia sẻ, không có kỹ năng phân biệt tin giả - thật nên vô tình đưa tin giả.

* Như ông chia sẻ, quy định pháp luật là cơ sở cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn là văn hóa trong hành vi sử dụng mạng xã hội của mỗi người. Vậy văn hóa trong cuộc sống thực tế và trên không gian mạng có khác biệt nhau không?

- Chúng ta đã có nhiều quy định pháp luật, quy tắc ứng xử trên không gian mạng, nhưng vấn đề cơ bản là mỗi người dùng mạng xã hội phải có “phông văn hóa” như trong đời thực. Muốn được như vậy, cần có lộ trình và khoảng thời gian dài chứ không thể ngày một ngày hai. Khi nào người dùng internet biết xấu hổ bởi hành vi của họ, biết lên án sai phạm của người khác và biết sợ sự trừng phạt của pháp luật, sự dằn vặt, phán xét của đạo đức thì khi đó chắc chắn sẽ giảm thiểu các vi phạm trên không gian mạng nói chung, vấn nạn tin giả nói riêng.

Để giảm thiểu vấn nạn tin giả, rất mong mọi người tự mình xây dựng “phông văn hóa” khi ứng xử trên không gian mạng; phải luôn trang bị và đầu tư cho “bộ lọc thông tin” của mình để biết cân nhắc trước thông tin, lựa chọn, phân biệt tin tốt - xấu, đúng - sai, từ đó dung nạp những tin tức hữu ích làm giàu kiến thức cho mình, loại bỏ tin độc hại để không gây “ô nhiễm” kiến thức. Và điều quan trọng nữa là người dùng mạng cần có thái độ lên án đối với các hành vi sai phạm trên không gian mạng, hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật.

* Những thách thức của lực lượng Công an trong phòng, chống các hành vi vi phạm trên không gian mạng hiện nay là gì?

- Khó khăn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm là hệ thống pháp luật có nhưng chưa đủ, do đó một số vụ việc lực lượng chức năng không thể xử lý rốt ráo. Thứ hai, các đối tượng có hành vi vi phạm ngày càng áp dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin trong hoạt động, che giấu dấu vết, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xử lý. Thứ ba, trang thiết bị của lực lượng chức năng chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển công nghệ thông tin, gây khó khăn trong công tác điều tra.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

THU HOA  thực hiện

;
;
.
.
.
.
.