Nhớ cơm trộn nồi của má

.

Mikage trong tác phẩm Kitchen của Banana Yoshimoto đã không thể sống thiếu căn bếp. Tôi đọc thì chỉ hiểu lớt phớt thế, cho đến khi mua được mớ tôm biển tươi và tự tay làm món tôm rang miền Trung cho bữa cơm tối xa nhà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Buổi chiều đi làm về mua được mớ tôm biển ở cửa hàng thực phẩm sạch quen thuộc, tôi mới nhớ ra, kể từ khi xa nhà để học đại học rồi đi làm, lấy chồng xa quê, cũng hơn chục năm không được ăn món tôm biển rang của má. Giữa Sài Gòn mà tìm được tôm biển còn tươi không dễ. Nếu có, cũng phải kỹ càng lựa chọn nguồn gốc thực phẩm đáng tin tưởng mới dám mua.

Má dặn qua điện thoại rằng phải để nguyên đầu tôm, chỉ cắt bớt một ít chân và râu thì tôm biển mới giữ được cái vị đặc trưng ngầy ngậy. Tôi vừa cười, vừa bảo má ơi, ở đây có ba lạng tôm ướp đá khá tươi bị cắt mất đầu đã là may, chứ không được như quê mình mươi ngàn đồng đã có nguyên một nồi tươi roi rói đưa cơm cho cả nhà.

Nghe lời chỉ dẫn của má, tôi làm món tôm rang đầu tay của mình. Tôi đợi dầu thật nóng, cho ít đường và khuấy đều tay cho đường chảy và đổi màu caramen. Tôm đã ráo nước cho vào chảo và đảo đều bằng đũa. Mùi tôm thơm kiểu ngọt lành, con tôm dần co tròn và bắt đầu rực màu hơn một chút. Má nói đợi tôm giòn vỏ thì cho một chút mắm. Thêm chút xíu bột ngọt và đừng quên tiêu. Tôm ngấm gia vị thơm dậy và bắt đầu đổi màu vàng sệt. Làm sao tôi biết đến một ngày lại có thứ mùi và màu kéo mình sống lại bao nhiêu cảm xúc như thế.

Tôi cho món tôm rang ra đĩa (thực ra ăn tôm biển rang phải nói “cho ra dĩa” mới đúng điệu miền Trung) và giờ mới đến đoạn hấp dẫn: Tôi bới một chén cơm nóng hổi rồi cho luôn vào cái chảo vừa rang tôm, đảo cơm trắng quyện đều với chút sốt sệt sệt còn sót lại trong nồi. Làm tới đây, tôi nhớ dáng má đứng nơi góc bếp trộn cơm trong cái nồi rang tôm bám đầy lọ nghẹ bên ngoài.

Một tay giữ quai nồi, một tay má dùng muỗng đảo thật đều cơm nóng. Sao cho khi đổ ra chén, cơm vẫn nghi ngút khói và ươm một màu vàng như tôm rang. Còn cái nồi phải sạch không còn chút gì, dù là miếng đường cháy bám thành nồi. Đúng là cái mùi này rồi! Cái mùi mà chị em tôi ngóng chờ quẩn quanh chân má mỗi lúc má rang tôm. Mùi hăng nhẹ của tiêu, mùi ngọt ngào của mắm đường dẻo kẹo, vị đằm đằm không mặn gắt nhờ chút bột ngọt vừa ăn, cả một chút khen khét của vị đường cháy nơi thành nồi lẫn vào cơm.

Bữa cơm nào được trộn nồi thì hai chị em tôi ăn ngon lành. Chén cơm gọn lỏn chỉ ăn trong vài phút thay vì kéo dài cả tiếng như mọi ngày. Bữa nào má làm nồi nhiều tôm thì cả hai chị em được trộn hẳn mỗi đứa một chén. Bữa nào có chút tôm nhạt thì lần này em được trộn, chị đợi lần sau đến lượt mình được ăn chén cơm trộn thần thánh.

Tôi đổ cơm trộn ra chén, mang ra bàn ăn cho chồng, nói anh ăn thử xem có ngon không. Chỉ nói tới đó thôi, tôi đã thấy rưng rưng. Sao mà tôi thương cái dáng má đứng trộn cơm trong bếp khi xưa. Thương cái háo hức của chị em tôi thuở bé. Thương món cơm quê không chừa lấy một chút gì trong nồi. Thương cái cảm giác mình nhớ món này da diết - nhất là khi nó đang trong mâm cơm gia đình nhỏ xa má, xa quê, và mình thấy háo hức làm sao khi đưa cái chén cơm nhớ má cho người mà mình cũng đang rất thương yêu.

Thực ra, tôi ngại bếp núc. Có lẽ vì thế nên tôi khó có thể hiểu được vì sao Mikage lại yêu bếp như thế. Cô có thể ngủ trong bếp, co tròn trong bếp, trong tiếng ro ro đều đều của tủ lạnh. Có phải như tôi yêu căn bếp và món cơm trộn đáy nồi thơm mùi tôm rang của má, yêu cả căn bếp nhỏ trong gia đình mới của vợ chồng tôi, vì bếp tỏa hơi ấm từ những trái tim ấm áp của những bà má sưởi ấm con tim của tôi.

NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.