Khi cuộc sống phố xá ồn ào và náo nhiệt thì vùng quê dần trở thành mảnh đất mơ ước của nhiều người nhờ vẻ bình yên, dân dã. Có người lên núi với giấc mơ khởi nghiệp nhưng cũng có người chỉ muốn thỏa mãn đam mê làm nông, gắn bó ruộng vườn, cây cỏ như một thú vui tao nhã. Để có được điều đó là cả quá trình dày công gầy dựng của chủ vườn để tạo cảnh quan hấp dẫn du khách.
Nhà sàn Nam Yên homestay nằm trong khuôn viên vườn có khung cảnh bình yên và dân dã. Ảnh: Đ.H.L |
1. Từ khi chuyển về quê sinh sống sau nhiều năm bôn ba ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Yến Phụng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nghĩ đến việc thực hiện ước mơ làm nông từ nhỏ. Chị quyết định đầu tư mua một khu đất vườn đồi ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) để làm nhà vườn có tên Yến’ House vừa phục vụ gia đình nghỉ ngơi, vừa phục vụ khách tham quan.
Mảnh đất này trước đây đã được chủ vườn trồng một số loại cây ăn trái đến kỳ thu hoạch như sầu riêng, chanh, mít, măng cụt... Tuy nhiên, đến mùa mưa bão, các loại cây này thường xuyên bị gãy đổ và thiệt hại đáng kể nên chỉ đáp ứng nhu cầu ăn rau trái sạch của gia đình, bạn bè và người thân. Đến mùa thu hoạch chanh, tiền bán chanh chỉ từ 12.000 - 15.000 đồng/kg không đủ chi phí cho công hái và xăng xe chở về thành phố. Từ đó, chị Phụng bắt đầu cải tạo vùng đất sỏi đá này thành một khu vườn yên tĩnh cho những vị khách ở phố lên chơi và nghỉ ngơi vào cuối tuần.
Ngoài việc cải tạo vườn cây đã có từ trước, chị Phụng biến một sườn đồi nhỏ trong vườn thành một công viên nhỏ xinh xắn có những lối đi ngập đầy hoa để du khách có thể ngồi chơi và ngắm cảnh núi đồi khi bình minh lên vào buổi sáng hay hoàng hôn lặn vào buổi chiều.
Chị Phụng cho biết, điều chị thích nhất là được hòa mình vào thiên nhiên cùng gia đình trong những ngày cuối tuần. Sau một tuần học tập căng thẳng, các con của chị được ra khỏi thành phố để trải nghiệm cuộc sống yên bình ở ngoại ô. Đặc biệt, trong những đợt Covid-19 bùng phát, khu vườn Yến’ House là nơi lý tưởng cho các con vui chơi.
“Mỗi lần lên đây, đi ra đi vô những lối mòn nhỏ khắp vườn nhà không biết bao nhiêu lần. Khi thì đi đến góc vườn này, khi thì đi đến góc vườn kia thăm nom cây cối xem chúng ra hoa tạo quả. Đến lúc về lại thành phố vẫn cứ cảm thấy còn nhiều thứ vẫn chưa làm được để rồi vương vấn, ấp ủ bao dự định cho kế hoạch sắp tới đối với khu vườn của mình”, chị Yến Phụng chia sẻ.
2. Đối diện Yến’ House của chị Phụng là khu nông trang của anh Trần Phước Quốc có tên Family Farm. Từ thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), anh Quốc mua mảnh đất này cách đây vài năm với mong muốn tạo thành một khu nhà vườn trồng các loại rau củ quả và nhiều hoa hồng để khách dưới phố lên tham quan, nghỉ ngơi và trải nghiệm làm nông vào những ngày cuối tuần.
Hiện anh Quốc đã xây dựng một ngôi nhà nghỉ khá khang trang (gần giống Home Stay) để du khách có thể thuê ở lại vào cuối tuần cùng chủ nhà. Điểm ấn tượng nhất trong khu vườn Family Farm là có nhiều bông hồng cổ thụ rất to và đủ màu sắc được anh Quốc sưu tầm từ các chuyến đi du lịch các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, anh còn trồng nhiều loại hoa khác như: hoa bướm, nguyệt quế, thiên điểu, hoàng anh... Anh còn đưa cả hoa tam giác mạch từ Tây Bắc về trồng trong vườn. Mỗi loài hoa đều được anh chăm sóc cẩn thận và tỉ mẩn trong khuôn viên vườn hoặc dọc theo lối đi rất đẹp, khiến du khách cảm giác như đang lạc vào một khu vườn hoa ở Đà Lạt. Xen kẽ những bồn hoa là những mảnh vườn rau củ xanh mướt do chính tay anh tự trồng như: tần ô, bắp cải, xà lách, rau muống, hành lá, ớt, mướp đắng, mướp ngọt...
“Family Farm thích hợp cho những gia đình có con nhỏ. Khi lên đây, các bé có thể trải nghiệm cùng bố mẹ làm nông như chăm sóc, tưới cây, hái rau, nhổ cỏ trong vườn. Ngoài ra, khu vườn còn có một chòi lá thoáng đãng và rộng mát dành cho khách tổ chức ăn uống, ca hát tập thể. Từ đây, mọi người có thể cùng nhau ăn uống, hát hò hoặc thưởng trà khi bình minh mọc hay hoàng hôn lặn, hoặc ngắm trăng lên trên đỉnh núi và sương chiều bảng lảng”, anh Quốc giới thiệu.
3. Khác với chị Yến Phụng và anh Phước Quốc, chị Đỗ Thị Huyền Trâm (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) là người dân địa phương nên có lợi thế trong việc nắm rõ những tiềm năng và thế mạnh văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu để phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, chị còn tham gia điều hành dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa, bảo tồn và phát huy tri thức truyền thống, văn hóa dân tộc Cơ tu, phát triển du lịch sinh thái thành phố Đà Nẵng do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ.
Chị Đỗ Thị Huyền Trâm (trái) trao đổi về kế hoạch kinh doanh của mình tại nhà sàn Nam Yên homestay. Ảnh: Đ.H.L |
Sau khi từ bỏ công việc hành chính, chị Huyền Trâm quyết định đầu tư xây dựng mô hình du lịch Home Stay từ việc cải tạo khu vườn nơi chị sinh sống. Với thiết kế nhà gỗ mang đậm kiến trúc của đồng bào dân tộc Cơ tu, homestay Nam Yên trở thành điểm nhấn ấn tượng cho những ai đến Hòa Bắc. Nơi đây du khách có thể nghỉ ngơi tại phòng với đầy đủ tiện nghi trong không gian thoáng đãng và mát mẻ của núi rừng Hòa Bắc. Gian nhà lớn là nơi sinh hoạt tập thể cho các du khách đi theo đoàn hoặc nhóm. Mọi người có thể sử dụng bếp chung.
Khu vườn còn được chị Huyền Trâm trồng nhiều loại cây thôn dã như cau, mít, ổi, bưởi, bầu, bí, cà, dưa và các loại hoa thôn quê, tạo nên cảnh quan đầy hương sắc núi rừng. Đây còn là điểm kết nối nông sản của người dân trong vùng để hỗ trợ người dân địa phương tiêu thụ nông sản khi du khách đến nghỉ dưỡng như: chè dây, gạo hữu cơ, chuối, rau dớn, mật ong rừng, dầu mè…
“Để tạo sản phẩm du lịch cộng đồng, tôi nắm tình hình những đặc sản và tiềm năng du lịch của địa phương để đẩy mạnh kết nối du khách với các hộ dân trong xã. Sau khi khảo sát xem nhà nào còn duy trì hát múa, cồng chiêng, dệt thổ cẩm và ẩm thực Cơ tu, thì liên hệ để du khách đến thăm và trải nghiệm văn hóa cùng người dân địa phương. Điều này góp phần giúp người dân tham gia chuỗi dịch vụ cung ứng sản phẩm du lịch cộng đồng của địa phương”, chị Huyền Trâm chia sẻ.
Mô hình kinh doanh kết hợp nghỉ dưỡng cho du khách lẫn chủ nhà đang được giới trẻ yêu thích. Mô hình này không chỉ giúp họ tận hưởng cuộc sống yên bình, dân dã nơi thôn quê mà còn gần gũi hơn với môi trường thiên nhiên, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu nói riêng và của người dân địa phương nói chung.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG