Rẽ phải từ Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) theo đường bê-tông dọc kênh thủy lợi tầm 500m là đến nhà thờ tộc Trần Phước làng Viêm Tây. Đây là ngôi nhà thờ không chỉ nguyên vẹn nét kiến trúc xưa uy nghi, cổ kính, mà còn là nơi lưu giữ bao dấu tích lịch sử - văn hóa một vùng đất.
Nhà thờ tộc Trần Phước làng Viêm Tây. Ảnh: H.S |
Theo Phủ biên Tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 (NXB Văn hóa - Thông tin, 2007, tr.105-106), làng Viêm Tây xưa có tên là “Viêm Minh Tây Giáp” thuộc tổng Hà Khúc của huyện Hòa Vang, xứ Quảng Nam; đến thời Nhà Nguyễn đổi thành làng Viêm Minh Tây, tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Dưới thời Pháp thuộc từ năm 1920 đến tháng 8-1945, làng Viêm Tây là xã Viêm Tây, thuộc tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn (Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, NXB Khoa học xã hội, 2010, tr.147).
Tiền nhân, nhà thờ tộc và tấm bia cổ 150 tuổi
Cụ Trần Phước Thuận (97 tuổi), hậu duệ đời thứ 16, phái Nhì, chi Nhất, tộc Trần Phước, làng Viêm Tây, dẫn lời người xưa kể lại: Ngài tiền hiền Trần Công Bình sinh hạ tại xã Long Đức, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, gia nhập đội thân quân của vua Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành năm 1471. Sau khi dẹp giặc vỗ yên bờ cõi, ông Trần Công Bình đưa quân về đóng tại làng Viêm Minh Tây (nay là thôn Viêm Tây 1), cùng với tiền hiền tộc Lê chiêu dân lập ấp khai phá nơi đây thành vùng đất trù phú.
Văn tế gia tộc có đoạn nói về Tiền hiền Trần Phước: “Nhất thế tổ khai quốc công thần Trần Công Quận Đại Lang chi thần, sắc phong Khâm mông bản thổ, Chánh tiền hiền khai canh hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng phong vị Dực bảo Trung hưng tôn thần, gia tặng tiết mông ban cấp chi tôn thần…” (nghĩa là: “Nhất thế tổ là vị công thần khai quốc Trần đại lang, được sắc phong ban cấp đất riêng, là thần tiền hiền có công khai canh, giúp nước đỡ dân vô cùng linh ứng, được sắc phong thần Dực bảo Trung hưng, ban tặng thêm các dịp lễ tiết”).
Ghi nhận công lao to lớn của Tiền hiền Trần Công Bình, các vị kế khai đã dựng ngôi nhà thờ trên xứ đất Thanh Luy (làng Viêm Minh Tây), nơi dừng chân lập nghiệp để thờ phụng và lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu của gia tộc, được các đời sau nối tiếp trùng tu tôn tạo.
Theo nội dung tấm bia cổ được lập vào ngày 3 tháng 12 năm Tự Đức thứ 25 (Nhâm Thân - 1872) hiện còn được lưu giữ tại nhà thờ, đầu mùa hạ năm Tự Đức thứ 18 (Ất Sửu - 1865), phái Nhì, tộc Trần Phước giáp Tây, xã Viêm Minh (bấy giờ thuộc tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn) cùng kiến tạo nhà thờ; đến mùa đông năm Nhâm Thân lập bia ghi lại công đức con cháu trong phái hiến cúng tiền bạc, văn từ, đồ sứ... xây dựng nhà thờ.
Nhà thờ được xây dựng với diện tích 115m2 theo kết cấu truyền thống ba gian hai chái, tường gạch, mái lợp ngói âm dương, chạm trổ hoa văn cổ kính. Các hàng cột bằng gỗ mít được đứng trên những viên đá vuông tròn (biểu tượng cho trời đất). Nhà thờ quay về hướng Bắc, gian giữa thờ Tiền hiền, hai bên thờ Hậu hiền. Tường phía đông, bên cạnh bàn thờ Thổ công có tấm bia cổ khắc chữ Hán như đã nói trên.
Trải qua thời gian, chiến tranh, lũ lụt, nhà thờ tộc Trần Phước nhiều lần bị hư hỏng nặng nhưng còn nguyên nền móng, thân tường và mái ngói, các gian thờ tự vẫn được gìn giữ. Năm 1976, nhà thờ được trùng tu và năm 1989 đại trùng tu khang trang như ngày nay, lưu dấu tích của gia tộc có niên đại gần 200 năm.
Tấm bia cổ có niên đại 150 năm. Ảnh: H.S |
Lịch sử, truyền thống
Con cháu tộc Trần Phước làng Viêm Tây đã phát huy truyền thống gia tộc, đóng góp cho đất nước nhiều anh tài, danh nhân, chí sĩ, góp công lao to lớn trong quá trình mở cõi lập làng và giữ nước. Dưới thời phong kiến, trong họ tộc có nhiều người đỗ đạt làm quan; tiêu biểu như Chánh suất đội trưởng Trần Phước Toản làm quan dưới triều Quang Trung, lập nhiều công trạng và được nhà vua ban thưởng về làng, ông đứng ra huy động đóng góp công sức xây dựng đình Viêm Tây và đình La Qua.
Nhà thờ còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử về quá trình hình thành và phát triển cộng đồng làng, xã của các bậc tiền nhân. Trong các cuộc kháng chiến, đây là nơi ẩn nấp hoạt động, hội họp, tập trung nhân dân mít-tinh để tuyên truyền chống giặc ngoại xâm.
Tại đây, năm 1955, ông Ngô Dinh, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn đã chủ trì các cuộc họp với cán bộ được bố trí ở lại và cơ sở cách mạng bàn việc chống “trưng cầu dân ý” của chính quyền Ngô Đình Diệm, đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử.
Năm 1961, theo yêu cầu của cán bộ cách mạng, ông Trần Bích (thủ từ nhà thờ) đào một hầm bí mật dưới gian giữa nhà thờ, biến nơi đây thành địa điểm bí mật, an toàn, nuôi giấu cán bộ. Hai năm sau, một nhóm người từ làng Bồ Mưng đến thuê bàn hương án để đưa tang, bất đồ phát hiện ra hầm bí mật. Quân địch đến bao vây, lục soát, phát hiện miệng hầm và đánh phá dữ dội. Ba cán bộ - một người tộc Lê, hai người tộc Trần Phước - đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có 78 liệt sĩ là con cháu tộc Trần Phước đã anh dũng hy sinh. Liệt sĩ Trần Kỳ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, lúc sinh thời là Xã đội trưởng đã chỉ huy trận đánh đồn Ngũ Giáp (nay thuộc xã Điện Thắng Nam) bằng xe bò giữa ban ngày vang danh cả nước.
Nhà thờ tộc Trần Phước làng Viêm Tây lưu dấu các chứng tích đã đi vào lịch sử của dân tộc.
HÀ SÁU