Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết trong năm 2022, Đà Nẵng kỳ vọng nối lại 31 đường bay quốc tế, khôi phục các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tàu biển, “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè”… nhằm phục hồi, phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.
Dịch vụ du lịch biển Đà Nẵng ngày càng phong phú. Ảnh: T.Y |
Trong đó, tập trung khai thác tiềm năng du lịch biển, nhất là trong thời điểm mùa hè - mùa du lịch biển đang cận kề.
Tập trung khai thác lợi thế
Bờ biển đẹp, trải dài, Đà Nẵng được xem là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển. Với lợi thế này, ngành du lịch thành phố chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút nguồn khách, đồng thời bổ sung các chính sách thúc đẩy, như triển khai các đề án liên quan đến du lịch biển: “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái”; “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”; “Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020”, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và tổng hợp Làng Vân, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thiện quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…
Đơn cử, theo đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang- Mân Thái”, Đà Nẵng sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch như dịch vụ cà phê, bar, massage truyền thống, ẩm thực bãi biển, hàng lưu niệm; dịch vụ thử làm ngư dân; chụp ảnh check-in; khu vực tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng; dịch vụ thể thao giải trí biển, lặn ngắm san hô. Bên cạnh đó, đề án “Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành” hướng tới việc hình thành nhóm dịch vụ trải nghiệm bình minh, hoàng hôn vịnh Nam Ô trên thuyền thúng, tắm biển, chụp ảnh và đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô…
Thành phố bổ sung nhiều dịch vụ mới, chất lượng, nâng tầm các sự kiện “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè”, mùa du lịch biển, thiết kế các điểm check-in phục vụ du khách. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban quản lý báo đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng xem “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” là chương trình quảng bá quan trọng về du lịch biển, tập trung thu hút khách bằng loạt hoạt động như bắn pháo hoa trên biển, điêu khắc cát, trải nghiệm bay dù lượn, đua thuyền kayak, vẽ - trưng bày tranh, tổ chức các chương trình sắp đặt nghệ thuật, tạo điểm check-in dọc bãi biển, tăng quy mô các lễ hội cầu ngư - xem đây là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh của thành phố.
Tiếp tục thu hút nguồn khách, ngành du lịch Đà Nẵng triển khai chiến lược truyền thông năm 2022 là: “Enjoy Da Nang - Tận hưởng Đà Nẵng” với slogan “Đà Nẵng rộn ràng - muôn vàn ưu đãi”. Theo đó, từ ngày 1-4 đến 15-8, du khách đến Đà Nẵng có cơ hội trải nghiệm các gói sản phẩm ưu đãi, như gói “Nghỉ dưỡng nâng cao sức khỏe”, “Free and Easy từ 1,99 triệu đồng”; “Tận hưởng thiên nhiên”… Ông Nguyễn Xuân Bình đánh giá, có nhiều lý do để du khách đến Đà Nẵng dịp này, trong đó môi trường biển rất phù hợp cho khách nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. “Hiện nay, các hoạt động du lịch tại thành phố được tổ chức khá quy mô, trên tinh thần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển, trong đó có du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lưu trú ven biển…”, ông Bình nói.
Thêm các sản phẩm đặc thù
Sự kiện Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho phép Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) khai thác tuyến vận tải hành khách đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn từ ngày 29-3 và đưa tàu Trưng Trắc vào hoạt động đón, phục vụ khách từ ngày 9-4-2022 được kỳ vọng tạo cơ hội cho du lịch biển Đà Nẵng phát triển.
Tàu Trưng Trắc có chiều dài 44,7m, sức chở 612 người (trong đó hành khách 598 người), theo lộ trình từ cảng Sông Hàn đến cảng Lý Sơn, thời gian hành trình 3 giờ và được khai thác với tần suất 4 chuyến/tuần (các ngày thứ Ba và thứ Bảy khởi hành tại Đà Nẵng, thứ Tư và Chủ nhật khởi hành tại Lý Sơn). Sau thời gian chạy thử nghiệm, Phú Quốc Express sẽ khai thác với tần suất 2 chuyến đi và về trong ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định việc đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng - Lý Sơn góp phần thu hút du khách đáp chuyến bay đến Đà Nẵng trải nghiệm, trước khi thực hiện tiếp lịch trình du lịch biển Đà Nẵng - Lý Sơn.
Để khai thác tốt tiềm năng du lịch biển, UBND thành phố cũng vừa giao Sở Giao thông vận tải triển khai tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa đi hòn Sụp - bãi Nam - bãi Đa, với chiều dài tuyến 11km. Theo lộ trình, tàu sẽ xuất phát từ bến thủy nội địa CT15 đi hòn Sụp, bãi Nam, bãi Đa và quay về điểm xuất phát trong khoảng thời gian từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30 cùng ngày.
Ông Nguyễn Đức Vũ cho biết, tại các bãi biển du lịch thuộc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành hiện phục vụ các loại hình dịch vụ giải khát, thể thao, check-in bãi biển, giữ xe, tắm nước ngọt, quầy ẩm thực, hàng lưu niệm… Để đa dạng sản phẩm, đơn vị đang tổ chức thí điểm các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại biển Mỹ An, như dịch vụ massage trị liệu, xe lưu động thức ăn nhanh, nước giải khát, các hạng mục trang trí check-in, điện chiếu sáng.
“Tháng 4 năm nay chúng tôi sẽ phục vụ chiếu phim trên bãi biển, biểu diễn sân khấu nghệ thuật; đồng thời duy trì chuỗi hoạt động triển lãm hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà, giải cờ tướng ba miền, cuộc thi đắp tượng cát, chương trình âm nhạc nghệ thuật, tuyên truyền bảo vệ môi trường, quảng bá du lịch tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng trong thời gian diễn ra chương trình “Khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2022” (từ 28-4 đến 3-5) tại Công viên Biển Đông, các bãi biển du lịch và bán đảo Sơn Trà.
Du khách trải nghiệm dịch vụ chèo sup tại biển Đà Nẵng. Ảnh: T.Y |
Cũng theo ông Vũ, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang tiếp tục khảo sát, đánh giá lợi thế, tiềm năng du lịch sinh thái tại các bãi quanh bán đảo Sơn Trà. “Quanh bán đảo Sơn Trà có loạt bãi đẹp, tiếp nối nhau, như bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, bãi Bang, bãi Miếu, bãi Sũng Am, Đá Đứng-Hồn Lố, Mom Trọc, Đá Lan, Hòn Sú, Sũng Kè, Đá Chồng, Mom Giữa, Bờ Tre... Muốn tiếp cận, chỉ có cách đi bằng đường biển, đây cũng là cơ hội cho các tuyến du lịch đường biển phát triển trong tương lai”, ông Vũ đánh giá.
Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội khách sạn cho rằng, Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng Đà Nẵng có đầy đủ lợi thế về du lịch biển, tuy nhiên, để phát triển bền vững, tạo được thương hiệu, Đà Nẵng cần tiếp tục xây dựng các chính sách, cơ chế liên kết phát triển du lịch vùng, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, thúc đẩy ngành du lịch tàu biển, ưu tiên phát triển ngành du lịch biển đảo. Chuyên nghiệp các loại hình du lịch mạo hiểm như lướt sóng, dù lượn, thi jetski, bóng chuyền bãi biển… Ông Quỳnh cũng khẳng định, năm 2022 là năm quan trọng của ngành du lịch Đà Nẵng, khởi đầu cho sự phục hồi kinh tế sau Covid-19.
Có thể nói, với tiềm năng du lịch biển, hướng đi của Đà Nẵng thời gian tới là đa dạng loại hình dịch vụ, bổ sung các điểm đón - trả khách, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và tiện nghi.
TIỂU YẾN