Nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn (tổ 3, thôn Bắc An Sơn, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) hiện lưu giữ 3 bản sao sắc phong vua Duy Tân và vua Khải Định ban cho hai cha con ông Nguyễn Công Liêu - vị tiền hiền của ngôi làng có lịch sử hình thành cách đây trên dưới 250 năm...
Nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn. Ảnh: A.T |
Theo gia phả của các tộc họ làng An Sơn, vào năm Cảnh Trị thứ 5 (1666) thời vua Lê Huyền Tông, thực hiện chủ trương di dân của triều đình, ông Nguyễn Công Khanh nguyên gốc ở làng An Dong, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An, đã cùng với người anh trai của mình đưa gia quyến và những người trong họ tộc vào khẩn hoang, khai hóa định cư tại làng Quá Giáng (nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Về sau, khi đã tạm an cư, lạc nghiệp tại làng Quá Giáng, ông Nguyễn Công Khanh cùng với con trai mình là Nguyễn Công Chức để lại một số gia quyến và họ hàng, ra đi tìm vùng đất mới. Vùng đất được chọn để khẩn hoang, lập ấp, dựng làng thuộc xã Thắng Sơn, tổng Thuận An, huyện Duy Xuyên (nay thuộc huyện Quế Sơn). Định cư tại đây một thời gian thì ông Nguyễn Công Khanh mất ở tuổi thất thập và được con cháu an táng tại làng. Ông Chức và con cháu các đời sau nối tiếp sự nghiệp cha ông, tiếp tục khẩn hoang, khai phá lập nên làng xóm đông đúc, trù phú tại vùng đất Thắng Sơn.
Vào giữa thế kỷ XVIII, cháu nội của ông Nguyễn Công Chức là Nguyễn Công Liêu cùng với người con trai Nguyễn Công Tào rời vùng đất Thắng Sơn tiếp tục đi về hướng tây bắc khẩn hoang, khai phá. Khi đến một vùng đất phì nhiêu bằng phẳng, khí hậu mát mẻ, hài hòa, lại có đồi núi thấp thoai thoải bao quanh rất thuận lợi trong việc tránh tác động của thiên tai, bão, lụt nên quyết định dừng chân lập nghiệp và đặt tên là An Sơn, với ý niệm đây là vùng đất an lành, bình yên có thể chở che, bao bọc cho dân làng.
Bấy giờ An Sơn vẫn còn là chốn hoang vu, thưa vắng người. Để tạo dựng cơ nghiệp lâu dài, ông Nguyễn Công Liêu đã chiêu mộ người dân các tộc Mai, Cao, Lê... cùng người di cư khác hợp sức khẩn canh, khai cơ, lập nghiệp, biến nơi hoang vu, hẻo lánh này thành một vùng đất trù phú, phì nhiêu. Thời gian tiếp nối thời gian, hết đời này đến đời khác, con cháu, dân cư ngày càng đông đúc và quần cư bên nhau, nơi vùng đất mới An Sơn.
Ông Nguyễn Công Liêu mất, được dân làng an táng tại xứ Già Móc, làng An Sơn. Kế tục sự nghiệp người cha để lại, ông Nguyễn Công Tào tiếp tục chiêu mộ nhân dân, khẩn hoang, khai hóa, biến vùng đất hoang thành điền thổ cày cấy mưu sinh, ổn định cuộc sống. Theo tư liệu kê biên từ các tộc phổ trên vùng đất xã Sơn Hòa (tên gọi trước đây của xã Quế Thọ) thì trong giai đoạn đầu tạo dựng cơ nghiệp, các vị tiền hiền làng An Sơn đã hợp sức khai khẩn đất hoang lập nên 9 xứ, ruộng đất điền thổ hơn 50 mẫu, dân số 37 người được khai thành bộ dinh điền, lập thành ấp hiệu có tên là ấp Xuân Sơn.
Nhờ công lao to lớn, ông Nguyễn Công Liêu được dân làng suy tôn là Tiền hiền của làng và cả hai cha con ông đều được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong, phong danh hiệu là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù. Điều đặc biệt là cả 2 sắc phong đều được vua Duy Tân ban vào cùng một ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (năm 1914) và nội dung bản sắc phong giống nhau hoàn toàn, chỉ khác tên người được ban sắc là Nguyễn Công Liêu và Nguyễn Công Tào.
Mười năm sau, 1924, ông Nguyễn Công Tào lại được vua Khải Định ban sắc phong phong danh hiệu Đoan Túc Tôn Thần và chuẩn y cho dân làng An Sơn thờ tự ông theo các điển lễ của triều đình đề ra.
Tỏ lòng biết ơn tiên tổ, vào những năm cuối thế kỷ XIX, con cháu các tộc họ trong làng An Sơn đã góp công, góp của dựng nên nhà thờ để thờ tự nhất vị Tiền hiền khai khẩn, thập nhị chư vị Hậu hiền khai cơ của 12 chư tộc họ. Hằng năm tổ chức lễ giỗ tổ Tiền hiền vào ngày mồng 10 tháng 4 âm lịch.
Trải qua những năm chiến tranh ác liệt, nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn sụp đổ. Sau năm 1975, bà con chung tay, góp sức dựng lại nhà thờ bằng tranh tre, gỗ nứa nhưng không tồn tại lâu do tác động của thời tiết. Năm 1982, nhà thờ được xây bằng gạch ngói rộng 18m2. Năm 2019, sau thời gian dài xuống cấp, chính quyền địa phương và bà con dân làng chung tay xây dựng nhà thờ kiên cố, khang trang, ngay vị trí nhà thờ cũ.
Theo lời ông Mai Văn Cưu, người đang quản lý và hương khói tại nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn, khi nhà thờ xây dựng xong, các chư tộc họ trong làng đã cử người ra Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin sao chụp các sắc phong từ bản gốc mà các vua Duy Tân và Khải Định ban cho làng. Các bản sắc phong sao chụp hiện nay được treo trang trọng tại nhà thờ để con cháu các tộc họ biết về lịch sử của làng cũng như công đức của các vị Tiền hiền, Hậu hiền...
Trải qua bao thăng trầm, người dân An Sơn vẫn đồng thuận, một lòng nhớ về tổ tiên, về nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày nay, nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn trở thành nơi hội tụ con cháu gần xa, mang lại cho họ niềm tin về tình đoàn kết, tương trợ, chung tay xây dựng xóm làng giàu đẹp, văn minh.
AN TRƯỜNG