Tháng Bảy mưa ngâu

.

* Các truyền thuyết nào được nhắc đến trong câu ca dao “Tục truyền tháng Bảy mưa ngâu/ Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền”? (Trương Văn Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)

Những cơn mưa ngâu không liên tục, cứ thoắt mưa, thoắt tạnh. Ảnh: V.T.L
Những cơn mưa ngâu không liên tục, cứ thoắt mưa, thoắt tạnh. Ảnh: V.T.L

- Ở Việt Nam, vào đầu tháng Bảy âm lịch hằng năm xuất hiện những cơn mưa có tên gọi là mưa ngâu. Các cơn mưa này thường không liên tục, rả rích, được các tao nhân mặc khách dùng cụm từ “trời mưa sụt sùi” để mô tả như là lệ nhỏ từ trời nửa mừng nửa tủi cho cuộc hội ngộ của hai người yêu nhau trong truyền thuyết xưa.

Chuyện kể rằng, xưa có nàng Chức Nữ là con gái yêu của Trời suốt ngày chăm chỉ dệt vải, được Trời se duyên với một chàng trai tên là Ngưu Lang. Chàng được người được nết, lo chăm sóc đàn trâu của nhà Trời. Họ sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng vì quấn quýt nhau suốt ngày nên đã dần chểnh mảng công việc Trời giao. Trời phiền lòng, đành cho cả hai xuống sông Ngân, nhưng bắt mỗi người phải ở một bên bờ. Mỗi năm Trời chỉ cho hai người gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, gọi là Thất tịch. Vào ngày ấy, bao giờ cũng mưa dầm dề, dân gian cho đó đó là nước mắt của cả Ngưu Lang lẫn Chức Nữ và gọi đó là mưa ngâu.

Theo Tầm nguyên từ điển của học giả Lê Văn Hòe, chữ “ngâu” trong mưa ngâu là do đọc chệch từ chữ “ngưu” mà thành. Trong thiên văn học của người Hán cổ, “ngưu” đại diện cho trâu. Đây là một trong 28 chòm sao (nhị thập bát tú), cũng là nơi trú ngụ của cặp sao Ngưu Lang và Chức Nữ.

Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, các nhà thiên văn học đã xác định sao Ngưu Lang là Altair (thuộc chòm Thiên Ưng 天鷹, còn gọi là Đại Bàng), còn sao Chức Nữ là Vega (thuộc chòm Thiên Cầm 天琴, còn gọi là Đàn Trời). Đây cũng là 2 trong số các sao sáng nhất khi quan sát từ Trái Đất, cùng với sao Deneb (tên Hán Việt là sao Thiên Tân 天津 - nghĩa là “Bến nước nhà Trời”) tạo thành “Tam giác mùa hè” - 3 ngôi sao ở vị trí cao nhất, dễ thấy nhất vào mùa hè.

Có lẽ người xưa đã dựa vào hình ảnh trên bầu trời, mượn dải sáng lấm tấm như hào quang của Ngân Hà và những cơn mưa rào tháng Bảy mà dệt thành cầu Ô Thước và chuyện tình buồn của Ngưu Lang - Chức Nữ. Khi gặp nhau, họ mừng mừng tủi tủi, nước mắt rơi xuống trần gian hóa thành mưa ngâu tháng Bảy. Do vậy, người ta còn gọi họ là ông Ngâu, bà Ngâu. Dân gian còn cho rằng, cứ sau khi hàn huyên tâm sự, họ lại sụt sùi nhỏ lệ nên những cơn mưa ngâu mới không liên tục, cứ thoắt mưa, thoắt tạnh.

Cũng vì chuyện “gặp nhau năm một” đầy ngăn trở nên ở Việt Nam, người ta không tổ chức đám cưới vào tháng Bảy âm lịch (còn gọi là “Tháng mưa ngâu”) vì hai lẽ: (a) mưa dầm suốt tháng có khi gặp gió bão; (b) cuộc sống đôi tân hôn về sau có thể bị chia ly, chỉ gặp nhau mỗi năm một lần như vợ chồng Ngâu.

Có thể thấy điều này phản ánh trong văn học dân gian Việt Nam qua các câu ca như:

- Tục truyền tháng Bảy mưa ngâu/ Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.

- Tháng Sáu lo chửa kịp tiền/ Bước sang tháng Bảy lại liền mưa ngâu/ Tháng Bảy là tháng mưa ngâu/ Bước sang tháng Tám lại đầu trăng thu...

- Tháng Năm tháng Sáu mưa dài/ Bước sang tháng Bảy tiết trời mưa Ngâu/ Nhớ ai như vợ chồng Ngâu/ Một năm mới gặp mặt nhau một lần…

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.