Nhớ thương mùa sắn

.

Sáng nay, lúc đi chợ, tôi bắt gặp gánh hàng của bà cụ chắc gần 80 tuổi có vài mớ rau, mấy quả mướp và một mẹt sắn tươi. Bà cụ ngồi ăn sáng trong góc chợ, thấy tôi dừng lại thì ngẩng lên mời: “Mua sắn đi cô”. Những củ sắn nhỏ nhắn như ngón chân cái được xếp chồng lên nhau gọn gàng, vừa nhìn đã biết ngon. Tôi mua về luộc một nồi nhỏ, lúc chín sắn bở tơi. Ăn miếng sắn bở mà biết bao kỷ niệm chợt ùa về.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Quê tôi miền trung du đất cằn đá sỏi từng có thời không biết trồng gì ngoài sắn. Những đồi sắn nối đuôi nhau trải dài, chống chọi với cái nắng gay gắt của ngày hè. Sắn có hai loại: sắn lá tre và sắn lá xanh. Sắn lá tre thường chỉ để chăn nuôi, sắn lá xanh để người ăn. Ngày đó, những mùa hạn kéo dài khiến mùa màng thất thu, nồi cơm nhà nào cũng độn thêm khoai sắn. Ăn sắn từ bữa này sang bữa khác nhưng lũ trẻ chúng tôi không thấy ngán, cũng bởi vì sắn có thể làm nhiều món hay ho.

Mùa đông lạnh, nhà không cửa gió lùa vào mang theo cái buốt giá của sương. Bố thường để dưới gầm giường một chậu than hồng, vùi vào đó vài ba củ sắn. Than liu riu ấm, sắn chín thơm lừng. Có khi nằm đợi sắn chín mà ngủ quên mùi thơm ấy quện vào cả giấc mơ bé nhỏ. Bố tôi thích ăn nhất sắn ngâm mang luộc hoặc chặt khúc hấp cơm. Sắn nhổ về bóc vỏ, rửa sạch, ngâm vài ngày có mùi hơi thum thủm. Còn bữa sáng của mấy anh em tôi là cơm độn sắn mang rang rồi nắm lại. Mỗi đứa ăn vài nắm là đủ ấm bụng để cắp sách tới trường. Có khi vừa đi, vừa cầm nắm cơm sắn ăn nhồm nhoàm. Vì hay chạy nhảy nô đùa nên ngồi nửa buổi học là bụng đã đói meo, cồn cào, nhấp nhổm.

Nhiều nhà lại thích ăn bánh sắn. Sắn ngâm xong mang đi xay bột về nặn bánh. Nhân bánh nhà giàu có mộc nhĩ, thịt lợn xay nhỏ, chút ít hành băm. Nhân bánh nhà nghèo có khi chỉ là ít lạc giã nhỏ bỏ thêm vài hạt muối. Bánh cuộn lá chuối mang đi hấp đến khi nào bột bánh trong veo thì chín. Cái mùi sắn hăng hăng cũng chẳng làm giảm đi sự háo hức của nhiều đứa nhỏ.

Nếu ai đã từng trải qua mùa đói những năm tháng ấy chắc chẳng thể nào quên món bánh sắn rán nhà nghèo. Gọi là bánh nhà nghèo bởi bánh mang rán mà không cần đến mỡ. Chỉ cần cắt một mảnh lá chuối đặt lên lòng chảo, đổ một lớp bột sắn đã ngào, lật qua lật lại cho đến khi bánh chín, thơm mùi lá chuối. Quê tôi còn nổi tiếng với món canh rau sắn ngâm chua. Khi cây sắn lớn, người ta hái phần ngọn non về vò nát ngâm chua, mang nấu với xương, cá hoặc với tép đồng ăn không biết chán. Rồi mùa đói đi qua, đất quê tôi cũng ít nhà trồng sắn. Bởi trồng sắn thật ra vất lắm, giá rẻ bán cũng chẳng được bao nhiêu nên người dân chuyển đổi sang trồng cây lấy gỗ. Nhìn những rừng bạch đàn, tràm lớn nhanh tươi tốt, bạt ngàn xanh, chẳng ai nghĩ đất này từng một thời quắt quay cây sắn.

Có những ngày ở phố, tôi chợt thèm món xôi sắn mẹ làm, thèm đến mức như ngửi thấy đâu đây mùi xôi thơm lừng trong cánh mũi. Mẹ thường chọn loại sắn bở tơi, mang ruôi, trộn cùng gạo nếp ngon. Có người thích ăn xôi sắn với dừa sợi, riêng nhà tôi ai cũng thích rưới lên ít mỡ hành vừa béo, vừa thơm. Tưởng đơn giản thế thôi mà có khi muốn ăn cũng khó, bởi chỉ còn ít nhà dành lại một khoảng đất tốt, trồng vài hàng sắn lá xanh để ăn. Cả năm không được vặt ngọn thì củ sắn mới không bị đắng. Giờ đi đâu mẹ được ai biếu cho vài củ sắn là quý lắm, vội tính xem nên luộc hay nướng, làm bánh hay xôi.

Sắn cũng khiến tôi nhớ đến vài khuôn mặt người đã rời xa thế giới này. Họ là những người già trong xóm. Lúc còn nhỏ, tôi thường gặp họ lúc đang ngồi bên sắn, khi thì gù lưng ruôi sắn, khi thì ngồi bửa đôi củ sắn nướng quệt vào giữa ít mỡ lợn và cười bảo: “Ăn thế này ngon nhất”, khi thì dùng hết sức nhổ khóm sắn lên khỏi lớp đất cằn khô khốc. Giờ tôi đang ngồi trước đĩa sắn luộc còn bốc khói nghi ngút đặt ngay trước mặt. Mắt rưng rưng nhớ người xưa, chuyện cũ đến cồn cào…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.