Chuyện bà Bạch Thiên Kim

.

Từ đường Dũng Sĩ Điện Ngọc rẽ theo con đường làng rợp bóng tre xanh về phía đông chừng 500 mét là tới Lăng Bà. Đây là nơi thờ cúng người phụ nữ tài sắc, giỏi giang, có công khai phá lập làng Viêm Minh, được vua ban sắc phong nữ thần Bạch Thiên Kim.

Lăng Bà Bạch Thiên Kim, một địa điểm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của làng Viêm Minh từ thuở xa xưa. Ảnh: T.M
Lăng Bà Bạch Thiên Kim, một địa điểm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của làng Viêm Minh từ thuở xa xưa. Ảnh: T.M

Ở thôn Viêm Minh Đông (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), từ lâu đời có một lăng thờ Bà tọa lạc trên đồi cao cuối làng, người dân địa phương bao đời nay đều gọi Lăng Bà. Lăng được hình thành từ năm nào không ai rõ nhưng theo truyền thuyết thì sự tích về Lăng Bà xuất hiện cách đây trên 550 năm. Chuyện kể rằng, xứ đất Viêm Minh xưa hoang sơ, chang chang cát trắng. Những nổng cát do sóng gió biển khơi tạo thành và những bãi xương rồng gai góc san sát như chông đã làm cho vùng đất nơi đây thêm vắng lặng.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông dẫn một đoàn binh dân từ phía bắc tiến về phương nam để chinh phạt Chiêm Thành, mở cõi giang sơn cho Đại Việt. Đoàn người theo vua rất đông, được chia thành hai đội quân chủ lực gồm quân binh có nhiệm vụ tấn công quân Chiêm Thành dạt về phía nam; phần dân sự lo canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp lương thực, thực phẩm cho binh lính của triều đình nhà Lê đánh giặc, giữ đất. Trong đoàn người đông đúc gồng gánh theo vua năm ấy có một phụ nữ son trẻ, xinh đẹp, nết na, hiền thục nhưng lại có cá tính mạnh mẽ và đầy bản lĩnh nên được vua Lê Thánh Tông giao phụ trách vùng đất phía đông của đạo thừa tuyên Quảng Nam để mở đất.

Sau khi khảo sát, người phụ nữ này nhận thấy đây là vùng đất thuận hòa giữa thiên địa bởi lùi về phía đông là mênh mông biển cả, dọc bờ là những rừng cây rậm rì có điều kiện che chắn gió lùa, có thể dựng được nhà cửa đan xen trong những rừng cây ấy mà đánh bắt cá tôm từ biển để mưu sinh cuộc sống. Tiến về phía nam là vùng đất pha lẫn cát phẩn mịn màng, rồi tới những đầm lầy lội, rất thuận lợi cho việc trồng trọt hoa màu, cày cấy kiếm lúa gạo sinh sống và nuôi quân. Người phụ nữ này đã huy động đoàn người theo bà đốn cây, cắt tranh dựng nhà làm chỗ ở, mài rèn công cụ lao động bắt đầu khai hoang, vỡ hóa, gieo trồng lúa gạo, hoa màu để kiếm cái ăn trước mắt nhằm tái sản xuất cho các vụ mùa năm sau.

Trải qua thời gian, con cháu của các tộc họ ngày thêm đông đúc, về sau tên làng Viêm Minh được ra đời. Theo các cụ cao niên giỏi về Hán Nôm thì các bậc cổ nhân chọn cái tên làng Viêm Minh mang nhiều ý nghĩa, không chỉ toát lên vẻ đẹp mỹ miều của câu chữ mà còn ẩn chứa ở trong đó những nỗi niềm, khát vọng của dân làng trong cuộc sinh tồn lâu bền. Viêm ở đây sẽ gắn liền với Viêm Đế, tức Hỏa Đức Vương, một vị vua trong huyền thoại, đó chính là Thần Nông, vị thần luôn gắn bó, thủy chung với đời sống của bà con gieo trồng, cày cấy. Đây là vị thần được Ngọc Hoàng sai xuống hạ giới hướng dẫn, bày cách cho người dân biết làm nông. Còn chữ Minh có nghĩa trong vắt như ngọc, sáng suốt, rõ ràng. Viêm Minh là ngôi làng trù phú của xứ sở có đất đai, thổ nhưỡng tốt tươi.

Trở lại truyền thuyết Lăng Bà làng Viêm Minh. Do người phụ nữ có công lớn trong khai khẩn, lập làng nên sau khi chiến chinh dần ổn định, vua ban cho bà nhiều ruộng đất. Từ đó bà trở thành một chủ điền địa giàu có vào bậc nhất làng. Tuy bà đã trở thành một người giàu sang, phú quý, thóc lúa đầy bồ, trâu bò, của cải vô số, song tấm lòng của bà luôn rộng mở với dân nghèo. Trong làng hễ nhà nào thiếu đất cày bừa, bà đều lấy đất đai của mình chia bớt cho họ, nhà nào thiếu gạo giáp hạt, bà đều gọi đến nhà lấy mang về đắp đổi qua bữa, đợi ngày lúa chín. Lòng thương dân nghèo của bà đã chinh phục được tất cả mọi người làng Viêm Minh, họ vô cùng kính trọng người phụ nữ giàu có mà bình dị, luôn gần gũi với dân làng.

Rồi một đêm đông ràn rạt gió mùa lạnh cóng, bà lặng lẽ ra đi đột ngột, để lại muôn vàn tiếc thương cho bà con làng Viêm Minh. Dân làng Viêm Minh chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ ngàn thu yên nghỉ cho bà ngay trên cánh đồng mà bà đã có công khai phá từ thuở trước. Với công trạng mở đất, lập làng của bà, vua đã ban sắc phong bà là Bạch Thiên Kim nữ thần nhằm tiếp tục cai quản xứ đất Viêm Minh.

Để đền đáp công ơn của bà, dân làng Viêm Minh chọn khu đất cao ráo của xóm Nam Sơn thuộc xứ Bồ Bồ dựng lăng thờ cúng bà, lâu dần họ gọi Lăng Bà, một địa điểm ngày nay ở cuối thôn Viêm Minh Đông. Cùng với việc dựng lăng, dân chúng đã đào hồ vọng cảnh, thả sen trước Lăng Bà. Hồ sen ấy bây giờ được gọi Bàu Sen, cái tên luôn gắn kết và xuyên suốt theo chiều dài của việc ra đời Lăng Bà. Ngày trước, xã trưởng đã cắt một sào, mười thước đất công của làng Viêm Minh để canh tác lúa gạo lấy tiền giỗ bà vào ngày 20 tháng Bảy âm lịch. Hằng năm, làng cử luân phiên một gia đình chịu trách nhiệm cày cấy thửa ruộng này, đồng thời trông nom, chăm sóc, hương khói Lăng Bà. Vì vậy nên cánh đồng Viêm Minh nay có một thửa ruộng gọi là “Đám Ruộng Bà”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lăng Bà, Bàu Sen làng Viêm Minh là địa điểm hoạt động cách mạng nên đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trải dài theo thời gian, Lăng Bà được tu sửa nhiều lần, song cuối cùng cũng bị đổ nát do chiến tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, Lăng Bà được trùng  tu trên nền đất cũ nhưng tiếp tục bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề. Được một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hỗ trợ 8 tỷ đồng, Lăng Bà Bạch Thiên Kim đã được xây dựng lại mới hoàn toàn với lối kiến trúc mang dáng dấp lăng tẩm cổ kính xưa, khánh thành ngày 20-4-2021. Bên cạnh Lăng Bà, chếch về hướng nam còn xây dựng thêm một nhà để làm nơi sinh hoạt, hội họp của dân làng mỗi khi bàn chuyện lễ nghĩa.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.