Khi chim tu hú cất tiếng kêu cũng là khoảng thời gian cá chuồn xuất hiện nhiều ở các chợ Đà Nẵng, Quảng Nam. Để “lý giải” về mối lương duyên giữa hai loài chim và cá gặp nhau vào độ chớm hè này, từ lâu trong dân gian đã lưu truyền những câu chuyện đầy cảm động.
Cứ vào độ cuối tháng Ba âm lịch, nghe tiếng tu hú kêu, cá chuồn từ biển cả mênh mông cũng tức tốc ngược lên nguồn. Ảnh: S.T |
1. Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có chuyện “Sự tích chim tu hú” khá hấp dẫn, kể về hai chàng trai xuống tóc đi tu, đó là Năng Nhẫn và Bất Nhẫn.
Sau một thời gian khổ luyện tu hành, Năng Nhẫn thành chánh quả còn Bất Nhẫn chưa đạt được ý nguyện nên tìm đến tòa sen thưa hỏi Đức Phật vì sao thua kém Năng Nhẫn. Đức Phật bảo: “Ngươi tuy trong sạch nhưng tính khí như con trâu không thuần, chưa thể đắc đạo được. Muốn theo tiếp đường chân tu thì phải cố gắng nhẫn nhục trong ba năm nữa, ắt sẽ thành công”.
Nghe lời Phật dặn, Bất Nhẫn lên ngọn núi xa xôi, hẻo lánh, chọn một cây cổ thụ rồi ngồi xếp bằng dưới gốc như một pho tượng. Đêm ngày kiến, bọ bò khắp người, cắn rát da thịt nhưng Bất Nhẫn vẫn kiên trì nghiến răng chịu đựng, không động đậy. Đến khi gần kết thúc năm thứ ba, cũng là khoảng thời gian sắp hết giai đoạn thử thách cực kỳ gian khó thì có đôi vợ chồng chim chích đến làm tổ ngay trong vành tai của Bất Nhẫn đẻ trứng rồi thay nhau ấp và bầy chim non ra đời. Hằng ngày vợ chồng chim luân phiên đi kiếm mồi nuôi con. Có hôm cha mẹ về trễ, bầy chim non đói rả họng kêu nhức óc, song Bất Nhẫn vẫn cố chịu đựng.
Một hôm chim vợ bay đi tìm thức ăn tới tối mịt mới về, chim chồng tức tối chì chiết suốt đêm làm cho Bất Nhẫn quá bực bội liền đưa tay chộp cái tổ chim ném mạnh xuống đất, quát lớn: “Chỉ mỗi việc cỏn con như thế mà chúng mày làm điếc tai ông suốt cả đêm. Đúng là lũ ăn hại”. Biết sự giận dữ của mình đã trở thành công dã tràng gần ba năm qua, Bất Nhẫn lại tìm tới tòa sen giải bày nỗi hối hận với Đức Phật và hứa quyết tâm làm lại từ đầu.
Lần này chàng tìm tới một khúc sông rộng với ý nguyện chở người sang ngang trong suốt ba năm, không thu tiền. Thời gian thấm thoát trôi qua, chàng đã chở được 98 người qua sông và năm thứ ba sắp khép lại thì vào một chiều chớm hè có một phụ nữ dẫn theo đứa trẻ bước xuống đò. Khi Bất Nhẫn chèo đưa họ qua tới bờ bên kia thì người phụ nữ nói: “Tôi bỏ quên bên kia túi hành lý rồi. Ông chèo qua lấy mang lại đây giúp tôi được không”. Dẫu trong lòng rất bực bội nhưng Bất Nhẫn vẫn im lặng làm theo. Lúc đưa tay nhận túi hành lý từ Bất Nhẫn, người phụ nữ lại thốt lên: “Xin ông thông cảm, bên kia còn một đôi giày của thằng bé nữa, ông chịu khó giúp cho trót”. Người phụ nữ vừa dứt lời, Bất Nhẫn chỉ tay vào mặt, quát: “Cút đi. Tao sinh ra không phải để hầu hạ bọn mày đâu nhé”. Ngay lúc đó người phụ nữ bỗng biến mất mà trước mặt Bất Nhẫn là Đức Phật từ bi buông lời nhỏ nhẹ: “Ta thử mới thấu hiểu được lòng dạ nhà ngươi chưa thật sự thành tâm nhẫn nhục. Tu gì tu, có mà tu hú”. Từ đó Bất Nhẫn biến thành một loài chim nổi tiếng bội bạc, vô tình có tên tu hú.
2. Còn riêng ở xứ Quảng có truyền thuyết “Cá chuồn và chim tu hú” kể về câu chuyện tình khá lâm ly, bi thảm của đôi trai gái, do duyên phận không thành nên đã hóa ra cá chuồn và chim tu hú để hằng năm mới có dịp gặp nhau.
Chuyện rằng, ngày xưa có một chàng trai rất khôi ngô, tuấn tú ở miền biển làm nghề buôn cá. Hằng ngày chàng gánh đôi bầu cá từ Cửa Đại lên vùng núi bán đến khi nhọ mặt người mới quay về. Sau những ngày rong ruổi khắp làng quê ở miền tây đất Quảng bán hàng, chàng trai để mắt tới một nàng thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng. Chẳng bao lâu trái tim của đôi trai gái đã dành trọn cho nhau. Vì sợ cha mẹ biết nên mỗi lần nghe tiếng rao bán cá của chàng từ xa vọng tới là cô gái len lén tìm cách gặp chàng, bởi trước đó cha nàng biết chuyện đã ngăn cấm do nghề nghiệp trái nhau, lại xa xôi cách trở.
Giữa trưa một ngày đầu hạ vắng bóng người, chàng trai và cô gái ngồi dưới rặng tre râm mát của con đường làng ven sông Thu Bồn tâm sự cho thỏa lòng mong nhớ thì cha nàng vác cày từ ngoài đồng về bắt gặp. Tuy bị chiếc roi mây của cha quất tới tấp, nàng vẫn cố nắm chặt tay chàng như ngầm bảo rằng mối tình của họ không thể nào chia cắt được. Từ đó thấy cha cứ trầm ngâm bên thẩu rượu, người gầy yếu, tóc bạc thêm, lòng nàng càng buồn rười rượi. Nhiều đêm nàng trằn trọc, không sao chợp mắt được bởi mối tình của mình trong sáng như trăng rằm sắp vỡ vụn do thân phụ ngăn cấm.
Sự lựa chọn giữa bên tình, bên hiếu đối với nàng cực kỳ khó khăn, cuối cùng nàng đã chọn chữ hiếu, xuống tóc vào chùa trong ràn rụa nước mắt. Trong sân chùa hoang vắng, cứ mỗi lần nghe tiếng rao của chàng từ phía đường cái, lòng nàng càng đớn đau, quặn thắt. Biết không thể gặp được nàng, chàng trai về lại miền biển trong sầu thảm rồi đột ngột từ giã trần gian hóa thành con cá chuồn tung tăng bơi lội giữa trùng khơi. Còn nàng, dẫu ngồi cửa Phật nhưng hồn luôn gởi gắm cho người tình ở phương xa, thân xác héo hon từng ngày rồi hóa thành chim tu hú.
Sau khi hóa kiếp cá chuồn và chim tu tú, mối tình của họ lại được kết nối bằng sự gặp gỡ mỗi năm một lần vào độ chớm hè cho đến gần cuối thu mới chia tay nhau. Chính vì vậy nên cứ vào độ cuối tháng Ba âm lịch, bầu trời quang đãng, gió nồm đông bắt đầu hây hẩy thì chim tu hú cất tiếng kêu than não nuột ở khắp làng quê. Nghe tiếng tu hú kêu, cá chuồn từ biển cả mênh mông cũng tức tốc ngược lên nguồn.
Dịp cá chuồn lên không chỉ đúng độ chim tu hú cất tiếng gọi mà những trái mít sần sùi cũng bắt đầu có xơ, múi để kho với cá chuồn, món ngon nổi tiếng của xứ Quảng: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Chuyện tình xưa cũng để lại câu ca đầy ắp nỗi lòng cô đơn của những góa phụ: “Mãn mùa tu hú kêu thanh/ Cá chuồn đã hết sao anh chưa về?”.
THÁI MỸ