Năm 1885, Phó bảng Trần Viết Thọ người Quảng Trị được vua Hàm Nghi phong hàm Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ và tái bổ nhiệm làm Án sát sứ tỉnh Quảng Nam. Nhờ đó, quan Án đã xử một vụ án nổi tiếng kéo dài nhiều năm, được nhân dân xứ Quảng nhớ mãi không quên...
Toàn Khâm sứ Trung Kỳ - nơi từng diễn ra vụ tranh cãi liên quan đến vụ án sửa văn tự từ “cầm cố” thành “đoạn mại”. (Ảnh tư liệu) |
Trong thời gian giữ chức Án sát sứ tại Quảng Nam, Trần Viết Thọ đã công tâm đứng ra xử nhiều vụ án quan trọng, rất được lòng dân. Đặc biệt là vụ án bóc trần bộ mặt tham lam của một tên địa chủ khi lừa người dân sửa văn tự từ “cầm cố” thành “đoạn mại” để chiếm đoạn 5 mẫu ruộng vào tháng 5-1887. Chính vì vụ án này mà ông đã có trận tranh cãi nảy lửa với Khâm sứ Trung kỳ Louis Jean Baille tại Tòa Khâm sứ Huế và sau đó ông bị “chuyển công tác” từ Án sát sứ sang làm Đốc học tỉnh Quảng Nam.
Khi vào nhiệm vụ mới, nắm cán cân công lý ở một tỉnh lớn như Quảng Nam, Trần Viết Thọ mong bản thân mình sẽ đem hết sức, làm được những điều hữu ích cho người dân đang chịu đựng những điều bất công của hai tầng áp bức do quan lại và thực dân Pháp gây ra. Được tin có quan Án thanh liêm mới về tỉnh, những người dân bị oan sai ở xứ Quảng hết sức vui mừng. Quan Án Trần Viết Thọ cũng chia sẻ với dân chúng địa phương về trách nhiệm thay mặt triều đình ở địa phương và nhiều vụ án oan sai trước đó đã được ông xem xét và trả lại công bằng cho nhiều người.
Trong bài viết “Phó bảng Trần Viết Thọ - con người khẳng khái, thung dung” đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 (tháng 2-2010), tác giả Nguyễn Phước Tương cho biết: Tháng 5 năm Đồng Khánh thứ hai (1887), Trần Viết Thọ thụ lý một vụ án giữa một trung nông ở phủ Tam Kỳ và một phú hào cùng quê.
Vụ khiếu kiện đó đã xảy ra cách đấy mấy năm trước khi ông đến nhậm chức nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chuyện là, trong lúc gia đình gặp chuyện khó khăn đột xuất, người trung nông đem 5 mẫu ruộng nhà mình cầm cho một phú hào trong vùng, hạn sau thời gian năm năm thì sẽ chuộc lại ruộng. Đến hạn, người trung nông đem văn tự cầm ruộng đến nhà phú hào để xin chuộc lại ruộng. Phú hào liền giở văn tự ra đọc rồi bảo: “Ruộng của anh đã bán đứt (đoạn mại) cho tôi từ lâu, chứ đâu phải là cầm cố, sao bây giờ lại còn đòi chuộc lại là ra làm sao?”.
Người trung nông đem văn tự nhờ người có học trong làng mình đọc thì thấy đúng như vậy và biết mình đã bị tên phú hào lừa gạt vì mình kém chữ nghĩa. Quá oan ức, người trung nông làm đơn khiếu kiện lên quan Án, nhưng quan Án đã được tên phú hào đút lót nên y đã xét xử cho tên phú hào thắng kiện.
Người trung nông bị thua kiện, đau xót mà không biết kêu với ai. Đến khi nghe quan Án Trần Viết Thọ nổi tiếng thanh liêm về phủ, người trung nông viết đơn gửi lên quan Án mới với niềm hy vọng sẽ lấy lại được ruộng.
Sau nhiều lần xem xét hồ sơ vụ án, kiểm tra văn tự bán ruộng, quan Án mới đã phát hiện ra chỗ sửa chữa văn tự của tên phú hào. Ông cho trát về làng gọi tên phú hào lên phủ đường vạch rõ tội chữa văn tự cho y nghe và buộc y phải trả lại ruộng cho người nông dân, nhưng y giả vờ kêu oan, sau đó y ra Huế, xin gặp Khâm sứ Trung kỳ Louis Jean Baille để đút lót cầu cứu.
Mấy hôm sau, quan Án sát Trần Viết Thọ nhận được công văn triệu tập của Tòa Khâm sứ. Sẵn có mối bất bình trong lòng đối với thực dân Pháp, nên buổi làm việc giữa ông và quan Tây Khâm sứ Trung Kỳ diễn ra khá nặng nề. Nhất là khi quan Tây lên giọng nói rằng những địa chủ, phú nông mới là những người đóng góp chính để cho những người quan như ông mới có cơm ăn, áo mặc vì vậy sao không xử để họ thắng kiện.
Quan Án Trần Viết Thọ biết ngay những lời nói đó liên quan đến vụ kiện sửa văn tự từ “cầm cố” sang “đoạn mại” mà ông vừa xử gần đây ở Quảng Nam. Vốn là một người có bản lĩnh tiết tháo, quan Án hắng giọng rồi trả lời: “Án sát sứ là chức quan cầm cân nẩy mực, giữ gìn cán cân công lý, thanh trừng quan tham ô lại, chấn hưng kỷ cương, phép nước. Nếu chỉ vì miếng cơm manh áo của mình mà hạ quan đổi trắng thay đen thì triều đình làm sao giữ được nước, trị được dân?”.
Viên Khâm sứ không lường được phản ứng cương quyết và sắc bén của viên quan Nam Triều, nên giở thói hồ đồ. Hắn ta liền đứng dậy, đập tay xuống bàn thật mạnh rồi nói những điều chướng tai mà người thông ngôn không muốn phiên dịch lại. Bao nhiêu bực bội, phẫn uất dồn nén bấy lâu trong lòng quan Án sát đến nay được dịp phát ra không kiềm chế nổi. Quan Án cũng liền đứng lên, vung mạnh cây gậy đang cầm sẵn trong tay vào người quan Tây nhưng may nhờ viên thông ngôn kịp thời can ngăn...
Sau trận đấu khẩu này, Trần Viết Thọ không còn giữ chức Án sát sứ nữa mà triều đình đã “điều chuyển” ông sang chức vụ mới là Đốc học tỉnh Quảng Nam, làm việc ở Trường Đốc đặt tại Vĩnh Điện gần tỉnh thành La Qua. Với cương vị mới này, ông lại toàn tâm toàn ý lo việc đào tạo các nhà khoa bảng cho địa phương. Trong thời gian làm việc tại đây những năm 1887 cho đến 1889, ông đã đào tạo được 5 cử nhân (Hồ Sĩ Lâm, Huỳnh Tế, Trương Lâm, Nguyễn Chức và Nguyễn Đình) và một tiến sĩ (Nguyễn Khải). Đó là sự đóng góp đào tạo nhân tài đáng kể của ông cho vùng đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt” này.
Qua sự việc Án sát sứ Quảng Nam tranh cãi với Khâm sứ Trung Kỳ liên quan đến vụ xét xử, có thể xem đây là một biểu hiện chống đối, bất hợp tác của tầng lớp sĩ phu đối với nhà cầm quyền Pháp ở Trung Kỳ khi mà phong trào Cần Vương đang lan rộng. Đặc biệt là ở Quảng Nam lúc bấy giờ, Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Tiến sĩ Trần Văn Dư và Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo trong những năm 1885-1887 đang trong giai đoạn phát triển mạnh, tạo được nhiều tiếng vang lớn. Chính vì thế, viên Khâm sứ Trung kỳ không muốn “đổ thêm dầu vào lửa” và tỏ nên dè dặt, không muốn làm to chuyện này.
AN TRƯỜNG