Đi theo con hẻm bê-tông nhỏ ở số 16 đường Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) về phía đông nam hơn 1km là đến cánh đồng mênh mông, trắng xóa cánh cò. Nơi đây có một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là lăng mộ Quản cơ Hà Tân. Gọi là “lăng mộ” nhưng bất cứ ai đến đây cũng chỉ trông thấy “lăng” chứ không có phần “mộ”. Vậy tại sao lại có cách gọi này?
Lăng mộ (ảnh trái) và bảng ghi nội dung Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh mộ Quản cơ Hà Tân. Ảnh: Thái Mỹ |
Theo gia phả tộc Hà và sách Lịch sử xã Điện Thắng (cũ), ông Hà Tân có tên thật là Hà Đức Tân, sinh ngày 15-2-1860 trong một gia đình nho giáo tại làng Phong Ngũ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Thắng Nam).
Vốn tuấn tú, thông minh ngay từ tấm bé, lại được cha mẹ nuôi dưỡng ăn học đàng hoàng nhưng thấy cảnh đất nước đắm chìm trong bóng đêm bất công, nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, ông không tham gia thi cử mà quyết tâm luyện tập võ nghệ, thông thạo kiếm cung. Dù được triều đình nhà Nguyễn để ý chiêu mộ nhưng ông không màng.
Là một người được dân làng nể trọng bởi ông rất thấu hiểu nỗi nhục của một dân tộc bị mất nước, sống cảnh cá chậu, chim lồng và xót thương cho số phận của những người nông dân lam lũ sau lũy tre làng bị ngoại bang và tay sai đàn áp, bóc lột thậm tệ.
Ông nhanh chóng tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam kháng Pháp do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo theo chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Tháng 5-1886, ông được lãnh đạo Nghĩa hội từ Tân Tỉnh ở Trung Lộc (Quế Sơn) cử về quê nhà phát động phong trào, tập hợp lực lượng để đánh Pháp.
Sau nhiều ngày theo dõi, nắm tình hình quân giặc ở địa phương và nhân lúc chúng đang kéo đường dây điện thoại trên quốc lộ 1A (tại đoạn thôn Viêm Tây 1, xã Điện Thắng Bắc ngày nay), ông chỉ huy một tổ nghĩa binh được trang bị những chiếc dùi đục, lưỡi sắt làm vũ khí phục sẵn trong vườn cây rậm rạp bất ngờ xông ra tấn công. Do quân số ít, không đủ sức chống cự nên bọn giặc tháo chạy, ông hô hào binh sĩ đuổi theo bắt sống được 2 tên lính Pháp dẫn giải về căn cứ Tân Tỉnh để khai thác.
Qua chiến công này, lãnh đạo phong trào Nghĩa hội phong cho ông chức Quản cơ, tức là một chức quan võ triều Nguyễn, có khả năng chỉ huy đội quân từ 500 đến 600 binh lính, từ đó dân làng thường gọi ông là Quản cơ Hà Tân. Nhậm chức quan võ, ông nhanh chóng tìm kiếm, chiêu mộ nhiều trai tráng trong làng và các vùng lân cận gia nhập nghĩa binh đánh Pháp, cứu nước.
Để đội quân có kỹ năng chiến đấu, ông chọn một khu đất ở cánh đồng Thùy Dục làm thao trường, tập luyện võ thuật, rèn dũa binh khí rồi dẫn quân xuất kích nhiều trận tại Gò Phật, Viêm Minh Tây… làm cho cả quân Pháp lẫn quân Nam triều nhiều phen bạt vía, kinh hồn.
Tiêu biểu nhất là trận chặn đánh liên quân Nam triều và Pháp từ Thành tỉnh La Qua kéo lên Phong Thử do khâm sai Phan Liêm cầm đầu. Từ trận đánh này, tên tuổi Quản cơ Hà Tân lan rộng, bay xa, trở thành nỗi ám ảnh, kinh sợ của quân giặc. Chúng không chỉ mở các cuộc lùng sục, truy tìm nơi ẩn nấp mà còn treo giải thưởng cao những ai chỉ điểm cho chúng bắt được Quản cơ Hà Tân.
Thế rồi vào một ngày bọn mật thám phát hiện ông đang ở làng Thanh Quýt liền báo với quân Pháp bao vây. Khi phát hiện giặc ở cự ly gần, ông nhảy qua hàng rào để thoát nhưng chẳng may mái tóc rất dài của ông đang búi xổ tung ra, bị vướng lùng nhùng vào gai tre làm cho ông mắc lại hàng rào như cái bẫy và ông bị bắt giữ.
Trên đường bị dẫn giải về giam cầm ở ngục Thành tỉnh La Qua, Quản cơ Hà Tân vẫn không hề run sợ mà ngẩng cao đầu mắng nhiếc thậm tệ kẻ cướp nước và bọn tay sai. Khí phách dũng cảm đó của ông đã làm cho dân làng vô cùng cảm kích. Tại chốn lao tù, chúng dùng đủ mưu kế từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn cực kỳ tàn ác nhưng không thể nào chinh phục được ý chí sắt đá của ông, trước sau vẫn tuyệt đối trung thành với Nghĩa hội yêu nước.
Biết không thể khai thác được gì ở ông, sáng ngày 5-9 năm Bính Tuất (1886) chúng áp giải Quản cơ Hà Tân ra Bến Thuế, Vĩnh Điện để hành hình. Trước giờ phút lâm chung, ông dõng dạc những lời tố cáo tội ác của giặc Pháp và tay sai đã gây ra. Quá tức tối về những lời lẽ đanh thép của ông, tên chỉ huy cuộc hành quyết ra lệnh cho quân lính chém ngay lập tức.
Chúng đẩy thân xác ông xuống sông còn thủ cấp chúng bêu tại Bến Thuế để răn đe, nhằm đè bẹp ngọn lửa yêu nước của nhân dân quanh vùng.
Xót thương cho sự ra đi lẫm liệt của ông, đêm hôm đó, dân làng Phong Ngũ đã bí mật vào cung nghinh thủ cấp của ông rồi xuôi dòng Vĩnh Điện đưa về chôn cất tại khu đất ven cánh đồng cuối làng. Nấm mộ đất ấy qua nhiều năm bị lũ lụt bào mòn, không ai còn nhớ chính xác được vị trí của ngôi mộ nữa.
Thương cảm người sĩ phu ngã xuống vì nghĩa lớn, năm 1890, dân làng Phong Ngũ và bà con họ hàng đã ước định vị trí ngôi mộ cũ để xây dựng lăng mộ thờ cúng và từ đó trở đi, lăng mộ Quản cơ Hà Tân được tu sửa nhiều lần. Bất cứ ai đến đây cũng chỉ trông thấy “lăng” mà không thấy “mộ” là vì thế.
Hằng năm, đến ngày tuẫn nghĩa của Quản cơ Hà Tân, bà con tộc Hà cũng như dân làng Phong Ngũ đều sắm lễ vật đến viếng lăng mộ vị sĩ phu để tỏ lòng nhớ ơn sự hy sinh cao cả của ông đối với quê hương, đất nước. Ngày 5-9-1976, nhân kỷ niệm 90 năm ngày ông tuẫn nghĩa, người cháu họ 3 đời của ông là Hà Năng đã viết bài phụng kính lục, kính vọng có đoạn: “Nhớ linh xưa người anh hùng Phong Ngũ/ Dáng uy nghiêm tôn húy Hà Đức Tân/ Nơi lũy tre giữ trọn đạo quân thần/ Vì quốc hận quyết mài gươm giết giặc…”.
THÁI MỸ