Vùng đất Trường Xuân xưa kia thuộc vương quốc Chăm-pa. Những năm dưới thời nhà Hồ (1400-1407), bằng việc lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt quan An phủ sứ để cai quản vùng đất này, vùng đất Trường Xuân thuộc châu Hoa. Đến sau năm 1471, sau cuộc trường chinh phương Nam thắng lợi, vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, tổ chức chiêu mộ nhân dân các đạo từ Nghệ An, Thanh Hóa đưa vào khai khẩn đất đai lập làng xã mới, làng Trường Xuân mới chính thức được thành lập và gắn liền với vị Thủy tổ Lê Tấn Trung.
Theo gia phả tộc Lê ở phường Trường Xuân (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), ngài Thủy tổ Lê Tấn Trung là danh tướng thời Lê. Vào những năm 1470-1471, Lê Tấn Trung theo đoàn quân nam chinh bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông, phụ trách hải thuyền hợp cùng các cánh quân của nhà vua và tướng Nguyễn Đức Trung tiến đánh thành Đồ Bàn (Bình Định).
Hai tấm bia trên mộ Tiền hiền Lê Tấn Trung - bia bên trái dựng năm 1956 và bia bên phải dựng năm 1995. Ảnh: A.T |
Theo hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với mộ Lê Tấn Trung (tại trang 163 sách Di tích và Danh thắng Quảng Nam do Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam ấn hành năm 2006), sau khi đánh chiếm thành Đồ Bàn và bắt sống Trà Toàn, vua Lê Thánh Tông rút quân về Thăng Long, đặt tên cho vùng đất mới này là đạo Thừa tuyên Quảng Nam, Lê Tấn Trung được vua phong tước “Bình Chiêm Triệu Quốc Công” và được cắt cử cùng với một số tướng lĩnh, binh sĩ ở lại để cai quản và trấn thủ vùng đất này. Riêng Lê Tấn Trung được giao trấn thủ châu Lễ Dương (ngày nay là các huyện/thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam: Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên).
Chính trong giai đoạn lịch sử này, Lê Tấn Trung bắt đầu chiêu mộ dân bản quán và gia thuộc đến khai phá, sinh sống, lập nên làng xã. Theo cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Trường Xuân (1930-1975) (NXB Đà Nẵng, 2016), làng Trường Xuân được hình thành khoảng vào năm Ất Mão (1495), thuộc tổng Chiên Đàn Trung, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam. Sách này chép: “Thủy tổ Lê tộc, nguyên quán xã Lỗ Hiền, phủ Thiện Thiên, đạo Thừa tuyên Nghệ An, đến xứ Quảng Nam, phủ Thăng Hoa, tổng Chiên Đàn Trung khai khẩn, lập vườn ruộng, quy dân lập ấp thiết lập xã hiệu Trường Xuân. Niên hiệu Lê Thánh Tông, năm Ất Mão, hiệu Hồng Đức”.
Thời ấy, vùng đất Trường Xuân là nơi miền biên viễn của Đại Việt, là nơi đất dữ trải qua nhiều lần chiến tranh Chăm - Việt nên bị bỏ hoang hóa, từng được xem là chốn “Ô châu ác địa” (vùng đất châu Ô đầy hiểm ác - ĐNCT). Để tồn tại, những cư dân đầu tiên đến vùng đất này thường xuyên đối mặt với bao khắc nghiệt của thiên nhiên, thú dữ, loạn lạc và không ngừng đấu tranh.
Vốn là võ tướng xông pha trận mạc, bao phen vào sinh ra tử, lại được được thừa hưởng sự kiên cường và tài năng trí tuệ của các thế hệ cha ông đi trước, ông Lê Tấn Trung đã đứng ra tổ chức lãnh đạo nhân dân tích cực khai hoang, mở rộng điền thổ, xây dựng xóm làng. Với ý chí ra đi tìm vùng đất lành để an cư lạc nghiệp, những lưu dân Việt khi đến vùng đất mới này đã ra sức khai khẩn biến đất hoang hóa thành đất canh tác vừa trồng khoai sắn, lúa, đậu, thuốc lá..., vừa ra sức phát triển chăn nuôi, mở rộng các ngành nghề thủ công như mộc, rèn, đan lát, ép dầu. Vì vậy, tương truyền rằng đời sống của người dân Trường Xuân khấm khá hơn ở những nơi khác như câu ca dao một thời của các bậc tiền nhân xưa: “Trường Xuân có lúa sắn khoai/ Có đậu, có thuốc khỏi mang nợ nần”.
Hết đời này đến đời khác, con cháu, dân cư ngày một đông đúc và quần cư bên nhau, tảo tần khai phá, xây dựng cơ nghiệp, an cư nơi vùng đất mới và lập nên diện mạo làng xã ổn định, làm nơi đất lành cho con cháu muôn đời an cư lạc nghiệp. Chính nhờ những công lao to lớn trong việc chiêu mộ nhân dân, khai phá điền thổ, lập làng xã Trường Xuân nên ông Lê Tấn Trung đã được triều Nguyễn ban sắc phong “Tiền hiền khai khẩn Dực bảo trung hưng linh phò Tôn thần” và được dân làng thờ phụng tại đình làng Trường Xuân trước đây (nay chỉ còn dấu tích).
Từ lúc làng Trường Xuân được hình thành đến nay đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất, tên làng cũng có sự thay đổi, nhưng cuối cùng vùng đất Trường Xuân đã trở lại với cái tên thân thương Trường Xuân (nay là phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ), như tên gọi thuở ban đầu từ lúc mới hình thành và tồn tại suốt 5 thế kỷ qua. Ngày nay, người dân làng Trường Xuân vẫn xem ngài Lê Tấn Trung như vị Thủy tổ Tiền hiền có công khai hoang, khẩn hóa, lập ấp, lập làng; vẫn tự hào với tên gọi Trường Xuân như câu đối ở hậu tẩm đình Trường Xuân trước đây: “Trường tồn tôn tử thịnh/ Xuân lai quân dân hưng” (tạm dịch: Cháu con trường tồn thịnh vượng mãi/ Quân dân tiến bước lúc xuân về). Đặc biệt, trên một bia đá chưa rõ ở thời kỳ nào đã tạc lên 5 chữ: “Trường Xuân bất lão thiên” (tạm dịch: Đất Trường Xuân còn mãi với đất trời hoặc Xuân mãi với trời, xuân trẻ mãi)...
Hiện nay, khu lăng mộ của vị Tiền hiền làng Trường Xuân Lê Tấn Trung nằm trên một gò đất cao nhìn ra đồng ruộng và được che phủ bởi những tán cây cổ thụ (thuộc khối phố 4, phường Trường Xuân). Khu lăng mộ đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh và đã được trùng tu, tu sửa rất bề thế. Tại khu lăng mộ này có hai tấm bia do con cháu tộc Lê Trường Xuân dựng trong những lần trùng tu, một tấm bia bên trong khu mộ được dựng năm Ất Hợi 1995 và một tấm bia phía trước dựng năm Bính Thân 1956...
AN TRƯỜNG