Danh nhân Phạm Phú Thứ (1821-1882), hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên và Trúc Ẩn, là người xã Đông Bàn, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Dẫu làm quan đại thần nhà Nguyễn nhưng cụ luôn dành tình cảm chân thành và sâu sắc với quê xứ Quảng Nam.
Phạm Phú Thứ (ảnh trái) và xe đạp nước trên sông quê nhà do ông học được từ chuyến đi Tây năm 1863. (Ảnh tư liệu) |
Sinh thời, cụ Phạm lấy biệt hiệu Giá Viên (Vườn Mía) để luôn ghi nhớ mình là người xứ Quảng. Trong Giá Viên toàn tập, cụ có bài thơ Giao cư xuân vịnh (Vịnh xuân ở đồng quê) nhắc đến cây mía: Xuân khứ giá miêu trưởng/ Xuân lai giá đường thục/ Trá giá chử xuân phong/ Hoa hương mẫn lân ốc. Dịch thơ: Xuân đi chồi mía vươn/ Xuân lại mía chín đường/ Mật mía thơm trong gió/ Hương tràn khắp mọi phương. Bóng mía quê nhà cũng được cụ thảng thốt nhớ đến trong bài Vũ dư tình vọng (Ngắm trời tạnh mưa): Trì đường vị ái thiêm tân lục/ Giá ảnh bình phân trúc ảnh lương (Thích thú cỏ ao tăng sắc biếc/ Bóng mía ngang bằng bóng trúc lương).
Ngoài ra, cụ Phạm còn có bài thơ Tước giá ngẫu tác (Nhai mía ngẫu hứng làm thơ), đại ý là: đang ở dinh thự, việc quan nặng nề lại thêm “bệnh tiêu khát” phát sinh cùng “khí nóng tổn tinh thần”, cụ ao ước có được “ngon ngọt vị quê hương” để tẩy sạch ưu phiền. Và thế là hình ảnh vườn mía quê nhà phút chốc xuất hiện trong tâm tưởng. Cụ như thấy từ xa bờ tre bọc ngoài ruộng mía soi bóng xuống sông Ba. Mùa hoa mía nở, hương đường ngọt lừng phủ khắp xóm thôn. Đường quý như ngọc, thuyền buôn xứ Nam Dương (tức Indonesia - ĐNCT) phải đem của cải đến trao đổi.
Ký ức tuổi thơ cũng ùa về khi đã qua tuổi “tri thiên mệnh”, cụ nhớ thuở xưa cưỡi ngựa bằng tàu cau, bẻ mía làm gậy đánh nhau với chúng bạn. Cụ cho rằng, dẫu có nhiều giống cây mới nhưng làm sao sánh được với mía trong vườn nhà mình, cả năm ăn cả ngàn đốt: Hà đường giá viên lý/ Nhật tước thiên đỉnh xuân. Quả là, chỉ có con người nghĩa nặng tình sâu với quê xứ mới có ký ức đẹp đến như vậy!
Một lần, sau lụt, cụ Phạm về thăm quê. Cái mương nước ngày nào chỉ còn lại như cái khe chảy vòng quanh lũy tre. Vị trí chỗ mương nước nổi chỉ còn những núm đất, cỏ hoang lún phún mọc. Nhìn khe nước, cụ nhớ lại ngày còn bé, đi câu hơi xa làng, gặp một ông lão đang ngược đường về, chỉ mặt hỏi: “Mày là thằng Thứ ở vườn Tây phải không?”. Cụ chua xót tự vấn: Ừ, từ khi thành tài đi làm quan đến nay, mình thật ra chỉ là thằng Thứ ở vườn phía Tây chứ đã làm được lợi ích gì lớn lao cho quê xứ.
Với suy nghĩ ấy, dù việc quan nặng nề và ở xa quê hương nhưng cụ Phạm luôn suy nghĩ tìm mọi cách để giúp người dân quê mình có cuộc sống khấm khá hơn. Năm Tự Đức thứ 12 (1859), vì cải táng mộ cha, cụ xin về quê. Khi trở lại Kinh, cụ tâu xin ngay các việc đắp đê Cu Nhí, đào sông Ái Nghĩa, đồng thời xây dựng công sự bố phòng và luyện tập quân sự ở tỉnh nhà Quảng Nam.
17 năm sau, khi đương là Tổng đốc Hải An kiêm sung Tổng lý Thương chính đại thần, cụ tâu vua Tự Đức xin “khơi lại sông Ái Nghĩa ở bên tả thượng lưu sông Vĩnh Điện, khiến cho nguồn nước rót về Cẩm Lệ và gần nơi giao thủy ở xã Thượng Phước và xứ Bãi Thơm ở phía bên trên tả ngạn sông Cẩm Lậu đều xây mỏm đá để chia thế nước”. Cụ cho rằng, đó là “lợi lớn của nghề nông”.
Trong chuyến “Tây hành” đi Pháp và Tây Ban Nha để điều đình chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ, với sự ham học hỏi và lòng yêu dân, Phạm Phú Thứ đã học được kỹ thuật làm xe đạp nước của dân Ai Cập và khi về nước, ông truyền lại cho dân làng Đông Bàn quê mình. Từ khi có xe đạp nước, hơn 100 mẫu ruộng của làng trở thành đồng lúa nước, năng suất được cải thiện đáng kể. Từ mô hình mẫu ở làng Đông Bàn, nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã làm theo và xe đạp nước trở thành phương tiện phổ biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sách Đại Nam liệt truyện chính biên (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) ngợi ca một nghĩa cử vì quê xứ của cụ Phạm: “Khi ở Hải Đông, hạt Quảng Nam luôn năm đói kém, mà việc tuần phòng ở ngoài biển thì gạo cấm khá nghiêm, (ông) bèn thương lượng tạm bỏ điều cấm, hoặc quyền nghi cho thuyền chốn người Thanh, người Kinh đáp chở gạo Bắc về Quảng Nam phân phối phát mại. Ông còn bỏ liêm bổng (tiền cấp thêm cho các quan xưa để giữ lòng trong sạch, không phải ăn hối lộ - ĐNCT) ra mua 1.000 phương gạo gửi về chia ra phát chẩn dân đói ở huyện hạt, nhân đó cứu sống được nhiều người, đến nay người vẫn còn nhớ”.
Đúng vậy. Trong chuyến được nghỉ về quê, cụ Phạm được những người phu trạm đón với tiếng chào mừng rỡ: “Quan lớn ruổi xe tận ngoài Hải Dương về quê!”, rồi tranh nhau đưa đi quên cả đường dài. Trên đường đi, quan đại thần và những phu khiêng không ngớt hỏi han, chuyện trò theo cách thân mật những người cùng quê. Hỏi ra, chính nhờ cụ Phạm mở ra mua bán gạo mà những người phu khiêng này năm rồi mới về quê lãnh được gạo phát chẩn, có cái ăn qua ngày để tiếp tục công việc của mình.
Khi nghe tin có quan Tri phủ mới đến nhậm chức ở Điện Bàn, cụ Phạm có ngay thư, nội dung vừa hoan nghênh, vừa “thông tin” về dân tình sĩ khí để quan khuyên bảo, vỗ về dân chúng lo việc làm ăn: “Gần đây được nghe quý quan đài ra ngồi coi Điện Bàn, núi Hành, sông Sài như có khí sắc mới. Làng quê chất chứa nhiều thống khổ, nay được lưu tâm vỗ về, tựa như làm cái việc cắt cỏ chăn dân khiến cho bệnh tật được lành lặn vậy. Bổn chức (người) Đông Bàn biết phong tục của dân (ở đó) vốn thuần hậu, chất phác, gần đây dần dần không như trước, lúc rảnh rỗi hay đến huyện, hoặc xu phụ nha môn, nhân đó mà có lời dạy dỗ, ngăn cấm, khiến cho thay đổi thành thiện, tránh xa tội ác, hưởng thái bình. Xin suy ra mà mở rộng ơn cho một phương được hưởng ơn vậy”.
Thêm một nghĩa cử cao đẹp của cụ Phạm với quê xứ Quảng Nam. Năm 1858, khi binh thuyền thực dân Pháp và Tây Ban Nha khởi hấn ở Đà Nẵng, cụ không ngần ngại xin vua cho về quê với cậu là quan Tham tri Phạm Hữu Nghị để tổ chức đánh giặc. Không được vua chấp thuận, cụ không khỏi rơi lệ cho cuộc Nam chinh bất thành...
VÂN TRÌNH