Dinh Bà và miếu Bạch Hổ Sơn Quân làng Mỹ Sơn

.

Ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, một vài câu chuyện tương truyền xung quanh dinh Bà làng Mỹ Sơn làm nhiều người liên tưởng việc thờ cúng hằng năm Bà Mỹ Sơn, xã Duy Phú, cũng chính là thờ cúng… Bà Thu Bồn ở thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân. Tuy nhiên hai sự việc này hoàn toàn khác biệt.

Cổng vào dinh Bà làng Mỹ Sơn (ảnh trái) và miếu Bạch Hổ Sơn Quân ngay dưới gốc cây cốc. Ảnh: THÁI MỸ
Cổng vào dinh Bà làng Mỹ Sơn (ảnh trái) và miếu Bạch Hổ Sơn Quân ngay dưới gốc cây cốc. Ảnh: THÁI MỸ

1. Làng Mỹ Sơn luôn gắn với di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn ngàn năm rêu phong, bí ẩn. Cùng với những đền đài, tháp cổ ẩn mình dưới thung lũng Mỹ Sơn phủ đầy màu thời gian là làng cổ Mỹ Sơn với những câu chuyện xưa cũ đã trở thành huyền tích còn đọng mãi trong cuộc sống văn hóa tâm linh bao đời nay, đó là dinh Bà làng Mỹ Sơn. Dinh Bà tọa lạc trên một gò đất lún phún cỏ tranh sát con đường làng, bên cạnh cây cốc cổ thụ sum sê, cao vút. Bây giờ không ai rõ dinh Bà ra đời từ bao giờ, song câu chuyện dân gian về sự hình thành của dinh thì có nhiều người biết.

Chuyện truyền rằng: Ngày xưa xứ đất này chưa có tên làng là vùng đất cấm, có nhiều rừng cây nguyên sinh rậm rạp. Vua Chămpa đã ban lệnh lấy đất sét vùng này nung gạch để xây dựng thánh địa và làm nơi ăn nghỉ cho những người thợ xây tháp. Sau khi hoàn thành các đền đài dưới thung lũng Mỹ Sơn thì tên làng Bửu Sơn mới ra đời rồi đổi thành làng Mỹ Sơn. Các tộc họ xuất hiện sớm nhất tại xóm Thượng của làng Mỹ Sơn ngày ấy là Nguyễn, Trần, Phan và Đinh với 24 hộ gia đình.

Trải qua năm tháng, cộng đồng dân cư đông thêm rồi lớn lên thành xã. Vào khoảng thời gian từ mồng Một đến mồng Mười tháng Hai âm lịch, cứ từ giờ Hợi đến giờ Tý các đêm thì dân làng nhìn thấy một vệt trắng toát mềm mại như dải lụa trên đỉnh Hòn Đền của dãy Hòn Tàu sừng sững từ phía nam bay ra hạ xuống ngọn cây cốc rồi bay tiếp về phía bắc, nơi có lăng Bà Thu Bồn ở phía hữu ngạn của dòng sông cùng tên.

Một câu chuyện khác cũng không kém phần huyền bí. Vào những đêm trăng vằng vặc, bầu trời cao xanh, đầy sao nhấp nháy, người làng Mỹ Sơn thường thấy một cục lửa khá lớn từ Hòn Đền bay ra sà xuống ngọn cây cốc một lúc rồi bay tiếp tới lăng Bà Thu Bồn…

Từ hai mẫu chuyện truyền miệng này, người dân làng Mỹ Sơn cho rằng đó là những lúc “Bà về” nên dựng cái miếu nhỏ gần bên cây cốc thờ Bà.

Lại một câu chuyện khác nữa. Ngày xưa có một người đàn bà mù đến nằm ngủ ngay dưới gốc cây cốc. Dân làng Mỹ Sơn tới hỏi thì bà cho biết mình chính là nữ tướng của vua Mây bị hy sinh trong trận mạc, được vua ban tặng Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần. Bà hiển linh, trú ngụ tại gốc cây cốc này đã lâu mà không ai hay biết. Thế là dân làng xóm Thượng dựng ngay cái miếu nhỏ bên cạnh gốc cây cốc thờ cúng Bà. Từ đó, cứ vào ngày 20-2 âm lịch, bà con trong làng dâng lễ tại miếu cúng Bà, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, no đủ.

Trải qua thời gian, miếu được sửa chữa rất nhiều lần không ai nhớ hết. Đến năm 1926, miếu Bà được xây dựng bằng gạch cùng với ngôi đình làng ở bên cạnh, các trụ kèo được chạm trổ tứ linh tỉ mỉ, mái lợp ngói âm dương. Năm 1967, đình làng Mỹ Sơn và miếu Bà bị bom dội đổ nát hoàn toàn, chỉ riêng cây cốc già nua vẫn còn đứng thẳng nhưng thân mình hằn sâu chi chít vết tích của chiến tranh. Mãi đến năm 2009, miếu Bà được xây lại và lấy tên dinh Bà làng Mỹ Sơn nhưng cũng chỉ ở mức đơn sơ, năm 2017 có sự đóng góp chủ lực của một doanh nghiệp cùng với sự chung tay của dân làng, dinh Bà được nâng cấp với quy mô khá hơn, song đầu năm 2023 mới hoàn thành các hạng mục như cổng, đường vào dinh, tường rào xung quanh.

2. Ngoài dinh Bà làng Mỹ Sơn, ngay dưới gốc cây cốc cổ thụ đứng sát bên còn có cái miếu nhỏ. Theo các cụ cao niên bản địa thì miếu này thờ ngài Bạch Hổ Sơn Quân có từ đầu thế kỷ XIX. Chuyện lưu truyền lại là ngày trước, làng Mỹ Sơn thưa thớt người, lại rất gần với dãy Hòn Tàu, Hòn Đền nên thú dữ từ rừng rậm thường mò về làng rình rập để bắt gia súc, gia cầm. Bỗng ngày kia có một con cọp to lớn, thân trắng toát về làng quấy phá, cuộc sống của bà con bị náo loạn. Cọp trắng bắt vợ của người đàn ông tên Tơ làm mồi càng gây nỗi hoang mang lo sợ đối với dân làng.

Mỗi lần săn mồi no bụng, cọp trắng lại lên đồi cao nằm khò khè ngay dưới tán cây cốc râm mát mà không ai dám làm gì trước sức mạnh và sự hung bạo của cọp dữ. Nhiều cuộc hội ý của dân làng để bàn tính xua đuổi hoặc diệt trừ cọp, giữ gìn sự yên bình cho xóm thôn nhưng cuối cùng đều bất lực trước chúa tể rừng xanh. Tiếng gầm gừ của cọp trắng hằng đêm luôn làm cho mọi người phải thức tỉnh, tay lăm lăm dao rựa để sẵn sàng chống chọi với cọp bất cứ lúc nào.

Bẵng đi một thời gian, dân làng không còn trông thấy bóng dáng của cọp trắng nữa. Biết cọp trắng đã chết, ai nấy đều vui mừng, song tiếng kêu rú của cọp trắng luôn ám ảnh, chập chờn trong tâm trí không ít người. Họ sợ con cọp dữ tuy đã chết nhưng sự ác độc của nó luôn biến hóa khôn lường, khó bề biết trước. Để được yên ổn, dân làng xây ngay ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây cốc, nơi cọp trắng sau khi no nê nằm ngủ để thờ cúng “ông” với danh xưng là Bạch Hổ Sơn Quân, cầu xin “ông” phù hộ điều lành, tai qua, nạn khỏi để dân chúng yên bình cày cấy.

Từ đó, cùng với việc dâng lễ cúng Bà làng Mỹ Sơn hằng năm còn có một mâm lễ cúng Bạch Hổ Sơn Quân tại miếu với lễ vật chính là một cái thủ heo để sống nguyên lông, phủ lớp mỡ chài, thứ thức ăn mà loài hổ rất thích.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.