.

Nguyễn Viết Hân hay Nguyễn Viết Thứ?

.

* Bài viết Chuyện xưa chuyện nay trong chuyên đề “155 năm Đà Nẵng kháng Pháp” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 1-9-2013 vừa qua, có đoạn: “Riêng hai ngôi mộ của hai vị Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ Nguyễn Viết Thứ và Phó Quản cơ sung Tiền bảo Nhị vệ Hiệp quản Nguyễn Thượng Chất đã được chuyển về Nghĩa trủng Hòa Vang từ năm 2009”.

Thế nhưng, khi đến Nghĩa trủng Hòa Vang thì tôi thấy tấm bia dịch sang quốc ngữ nằm bên thành ngôi mộ của vị Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ này ghi là Nguyễn Viết Hân. Vậy, Nguyễn Viết Thứ hay Nguyễn Viết Hân là tên đúng của vị tướng chống Pháp này? (Nguyễn Viết Trung, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Tên của vị Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ này được ghi bằng chữ Hán trên tấm bia hiện dựng trước mộ là 阮曰佽, phiên âm quốc ngữ là Nguyễn Viết Thứ. Người dịch ra quốc ngữ cho tấm bia bên hông ngôi mộ của vị tướng này đã nhầm tự dạng của chữ 佽 (Thứ - nghĩa là giúp đỡ, bang trợ) với chữ 欣 (Hân – nghĩa là mừng, hớn hở) nên ghi là Nguyễn Viết Hân.

Tác giả các bài viết Chuyện chưa kể về lễ dâng hương ở Nghĩa trủng Phước Ninh đăng trên infonet.vn ngày Chủ nhật 1-9-2013, Những ngôi mộ bên cảng Tiên Sa đăng trên antg.cand.com.vn ngày 13-9-2008, Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị những di tích buổi đầu kháng Pháp (1858 - 1860) ở Đà Nẵng đăng trên Tạp chí Non Nước số 136 (tháng 8-2008) cũng đều ghi tên vị tướng này là Thứ. Tuy nhiên, rất tiếc, các bài viết này lại ghi nhầm tên đệm thành (Nguyễn) Việt (Thứ). Như đã nói ở trên chữ 曰 đọc là Viết chứ không thể là Việt được. Tra Hán Việt từ điển trích dẫn tại địa chỉ http://hanviet.org, sẽ thấy mấy từ Việt như sau:

樾 (danh từ): Bóng rợp của cây;

粵(trợ từ): Tiếng phát ngữ đầu câu hoặc giữa câu, không có nghĩa; (danh từ) Nước Việt, đất Việt. Tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nguyên trước là đất của Bách Việt 百粵, nên gọi hai tỉnh ấy là tỉnh Việt.
越 động từ có nghĩa là vượt qua, nhảy qua; danh từ có nghĩa nước Việt, đất Việt.

Trong quốc ngữ, chữ Viết và chữ Việt chỉ khác nhau dấu sắc và dấu nặng. Nhưng trong chữ Hán, tự dạng của những chữ Việt nói trên đều khác xa, nhiều nét hơn so với chữ Viết曰 (4 nét), vì thế khó có thể nhầm lẫn như thế được.

Nói thêm, ngay phía bên trái cổng vào của Nghĩa trủng Hòa Vang hiện có một tấm biển đá ghi sai nhiều lỗi chính tả. (ảnh)

Ngoài lỗi viết hoa các cấp hành chính (phường, quận, thành phố), còn một lỗi rất quan trọng, đó là chữ trủng trong Nghĩa trủng Hòa Vang đã viết sai thành trũng (dấu ~). Tác giả bài viết Chuyện xưa chuyện nay nói trên cũng đã đề cập: Trong Hán Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh đã giảng trủng là cái mồ xây cao (danh từ) và giải thích một số mục từ liên quan như Trủng trung khô cốt là xương khô trong mồ; Trủng lý tàng thư là cất sách trong mồ. Như thế, nghĩa trủng là ngôi mộ xây cao của nghĩa sĩ. Còn trũng là từ thuần Việt, có nghĩa là thấp (tính từ). Viết nghĩa trũng sẽ cho ra một từ vô nghĩa và không có trong tự điển”.

Trên tinh thần bảo vệ chân lý trong lịch sử, thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên nhanh chóng sửa chữa những sai sót không đáng có.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.