.

Thực hư bài thuốc "bó chân"

* Nghe nói có toa thuốc dùng bó chân một lần có thể chống được tai biến mạch máu não (TBMMN) suốt đời. Xin Đà Nẵng cuối tuần cho biết thực hư công dụng bài thuốc này? (Lê Thị L., Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Theo các tài liệu phát tán trên Internet thì toa thuốc đó gồm: Hạnh nhân 10g, Chi tử 10g, Đào nhân 10g, Tiêu 10 hạt, Gạo nếp 10 hạt. Cách làm: Tất cả đâm nhuyễn trộn đều, để tối trước khi đi ngủ trộn thêm lòng trắng trứng gà rồi đắp vào lòng bàn chân (nam chân trái, nữ chân phải; lấy vải bó lại hay đi tất cho khỏi rớt). Tài liệu chỉ dẫn: Đắp ngủ qua đêm, nếu ra màu xanh cửu long (xanh biển) là hết bị tai biến từ nay về sau. Chỉ đắp một lần trong đời. Người cao máu mới dùng được. Ngoài ra còn lưu ý rằng: Nếu bị tai biến giật méo miệng, lưỡi co rút không nói được, thì lấy kim châm hai dái tai (dưới lỗ tai) nặn máu ra liền, miệng sẽ trở lại bình thường; nếu bị tai biến xụi chân tay, thì lấy kim châm mười đầu ngón tay nặn máu ra liền, chân tay sẽ trở lại bình thường.

Đem chuyện này trao đổi với Lương y Phan Công Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Dược liệu Đà Nẵng thì được ông cho biết như sau:

Trong Đông y cổ truyền, ngoài các dạng thuốc uống trong (nội phục 內服), còn có cách dùng thuốc đắp ngoài (ngoại phu 外敷). Người ta lấy dược liệu giã nhuyễn hay tán bột trộn với một số dược chất kết dính như rượu, giấm, lòng trắng trứng để đắp lên chỗ đau hay một số huyệt vị quan trọng như Thần khuyết (giữa rốn), Dũng tuyền (lòng bàn chân)… thường có tác dụng giảm đau, tiêu viêm tại chỗ hoặc kích thích điều hòa khí huyết giúp bệnh mau hồi phục.

Tuy nhiên, với bài thuốc “bó chân” chỉ làm một lần mà cho tác dụng cả đời sẽ không bị TBMMN nêu ở trên đây thì không có cơ sở nào để tin được. Các chuyên gia y tế và thầy thuốc Đông y nói chung đều thống nhất khuyến cáo mọi người không nên tin dùng. Cái nguy hại bài thuốc “bó chân” này không phải do độc hại hay tốn kém (không đáng) mà là đem lại sự chủ quan cho người bệnh (nếu mê tín bài thuốc, ỷ y tin theo), từ đó dẫn đến hậu họa khôn lường.

Bởi lẽ, bệnh TBMMN có thể do tăng huyết áp kịch phát làm vỡ mạch máu não, cũng có thể do xơ vữa mạch máu gây thuyên tắc nhũn não đều có nguồn gốc sâu xa do các yếu tố tích tuổi (lão hóa) hoặc do ăn uống (ăn nhiều mỡ, đường, muối...), sinh hoạt sai lầm hàng chục năm (ít vận động, nhiều căng thẳng stress...), tích tụ lại làm xơ vữa mạch máu, suy tim, suy thận, tăng huyết áp... Do đó không có loại thuốc “thần” nào mà đắp một lần hết vĩnh viễn. Để phòng trị bệnh, cần  hiểu rõ cơ chế bệnh sinh, bên cạnh việc dùng thuốc thường xuyên còn phải thực hiện điều chỉnh lối sống lành mạnh, yêu đời, lạc quan, tập luyện điều độ kèm một chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường rau quả, ngũ cốc, hạn chế việc sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe. Có sử dụng liệu pháp tổng hợp như vậy mới mong “chung sống hòa bình” với căn bệnh cao huyết áp, phòng tránh TBMMN.  

Về các phương pháp chích lể, châm cứu để cấp cứu trong các trường hợp TBMMN (Đông y gọi là Trúng phong), như chích lể đỉnh vành tai hay dái tai, châm nặn máu 10 đầu ngón tay (Đông y gọi là huyệt Thập tuyên) có tác dụng hạ áp, tỉnh thần… Đó đều là những thủ thuật quen thuộc trong y học cổ truyền nhưng người thực hiện phải là các thầy thuốc lành nghề, xác định huyệt vị phải chính xác, châm kim nông sâu, nặn máu vừa chừng, mới mong cho hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, điều cần nhớ là sau khi thực hiện sơ cứu cấp cứu phải chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện hay các cơ sở y tế có uy tín để theo dõi điều trị, không được tự ý dùng thuốc, nhất là các bài thuốc không rõ nguồn gốc, không có cơ sở khoa học kiểu bài thuốc “bó chân” nói trên.

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.