* Tôi nhận thấy có một số từ gốc Hán được nhiều tác giả dùng rất tùy tiện, gây hoang mang cho những người trẻ tuổi chúng tôi. Ví dụ; thảo dược/ dược thảo, danh pháp/ pháp danh... Xin cho biết những từ này nếu đảo ngược lại thì có bị thay đổi ý nghĩa không? (Mỹ Vân, Trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng)
- Về thảo dược/dược thảo, Từ điển Hán Việt trích dẫn (tra trực tuyến tại http://www.hanviet.org/) chỉ ghi nhận mỗi mục từ thảo dược và chú nghĩa là “thuốc dùng cây cỏ chế thành”. Tuy nhiên Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì ngược lại, chỉ có mỗi mục từ dược thảo và giảng là “cỏ dùng làm thuốc”. Điều này cho thấy, từ điển chấp nhận cả hai lối viết thảo dược/dược thảo cho cùng một ngữ nghĩa (giống như bảo đảm/ đảm bảo).
Trong khi đó danh pháp và pháp danh là hai từ có nghĩa hoàn toàn khác nghĩa.
Theo Wiktionary, “danh pháp có thể chỉ tới một hệ thống các tên gọi hay thuật ngữ, các quy tắc hay quy ước được sử dụng để tạo ra các tên gọi, khi được cá nhân hay cộng đồng sử dụng, đặc biệt những gì nói trên được dùng trong một ngành khoa học (danh pháp khoa học) hay một lĩnh vực nghệ thuật cụ thể. Danh pháp là từ gốc Hán-Việt (tiếng Trung: 名法), với danh (名) là tên, pháp (法) là phép tắc, quy tắc. Nội hàm của nó là quy tắc đặt tên, tương đương với nomenclature trong tiếng Anh”.
Pháp danh, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, là “tên hiệu của nhà thiền đặt cho đồ đệ hoặc cho người quy y”.
Việc viết ngược một số từ Việt gốc Hán đã dẫn đến những ngộ nhận đôi khi rất buồn cười và tối nghĩa. Ví như câu này của một nhà báo: “Pháp có pháp quốc. Gia có gia huy”. Đây là một câu chắp vá không biết nghĩa là gì. Bởi, viết đúng phải là “Quốc có quốc pháp. Gia có gia quy”. Nước có pháp luật (của nước). Nhà có quy ước (của nhà).
Phần lớn các lỗi này, theo chúng tôi, xuất phát từ bệnh sính nói chữ (tiếng Hán, tiếng Anh…) mà ra. Bài viết “Nôm na hóa làm sai lạc tiếng Việt” đăng trên tạp chí Sông Hương ngày 16-8-2013 nói đến điều này: “Còn trên tivi và đài phát thanh, nếu tinh ý một chút, thấy mỗi ngày phát thanh viên đọc không dưới mười lần chữ thập niên thành thập kỷ (Bản tin tối ngày 24 tháng 7 trên VTV1, đưa tin Chủ tịch nước đi thăm Hoa Kỳ cũng đọc là gần hai thập kỷ (?) bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ (thực ra là gần 20 năm)… Đã có nhiều ý kiến giải thích về chữ thập niên và thập kỷ và đã phê phán việc viết sai, đọc sai, nhưng “nhà đài”, “nhà báo” vẫn phớt lờ, không chịu sửa. Mười năm thì cứ viết là mười năm, sính chữ gọi thập niên làm gì để đến nỗi phải sai thành thập kỷ...!”.
Kỷ là 12 năm thì thập kỷ phải là… 120 năm, so với thập niên, sai lệch đến hơn thế kỷ!
Nói thêm, chính việc “nôm na hóa” đã “làm sai lạc tiếng Việt” đến mức báo động. Vừa qua, ở Hải Phòng có một hội “thề không tham nhũng” diễn ra tại làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, được nhiều báo ghi là “Lễ hội Minh thề”. Đây là một cách viết sai lầm, đúng ra phải viết là “Minh thệ”.
Thệ là từ gốc Hán, tiếng Việt tương đương là thề. Minh thệ xuất phát từ sơn minh hải thệ 山盟海誓 (chỉ non thề biển), lời hẹn thề lấy núi và biển làm chứng. Đi tìm xem có ai viết đúng từ này không, thì thấy từ 3 năm trước, ngày 11-3-2011, tác giả Chu Xuân Giao (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có bài Lễ hội Minh Thệ - Cội nguồn của tư tưởng “chí công vô tư” đăng trên http://ktdt.vn/ (Kinh tế Đô thị Online).
Rất tiếc, nhiều từ gốc Hán đã “nôm na hóa” như thế: Thố ty tử/ thỏ ty tử; độc giả/ đọc giả; khốc/khóc; linh xa/ linh xe…
ĐNCT