.

Quyền chủ quyền, quyền tài phán, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế

.

* Các phương tiện thông tin đại chúng trong nửa tháng qua, khi nói về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có nói đến một số khái niệm như quyền chủ quyền, quyền tài phán, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế… Xin quý báo giải thích cụ thể các khái niệm ngày. (Trần Duy Tập, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Về khái niệm quyền chủ quyền và quyền tài phán, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính Phủ, đã trả lời trên infonet.vn (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 2-3-2014 như sau:

“Theo quan điểm pháp lý quốc tế thì quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi Vùng đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền lãnh thổ, mang tính chất chủ quyền.

Trong khi đó, quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia.

Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác.

Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm: Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm; Thẩm quyền giám sát việc thực hiện; Thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể; theo nghĩa hẹp đó là thẩm quyền pháp định của Tòa án khi xét xử một người hay một việc”.

Vùng đặc quyền kinh tế (tiếng Anh: Exclusive Economic Zone - EEZ; tiếng Pháp: Zone Economique
Exclusive - ZEE), theo Wikipedia, là vùng biển mở rộng từ các quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo, nằm bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Nó được đặt dưới chế độ pháp lý riêng được quy định trong Phần V - Vùng đặc quyền kinh tế của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, trong đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển (hay quốc gia quần đảo), các quyền cũng như các quyền tự do của các quốc gia khác đều được điều chỉnh bởi các quy định thích hợp của Công ước này. Vùng biển này có chiều rộng 200 hải lý (khoảng 370,4 km) tính từ đường cơ sở, ngoại trừ những chỗ mà các điểm tạo ra đó gần với các quốc gia khác. Trong khu vực đặc quyền kinh tế, quốc gia có đặc quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển. Nó là một trong các vùng mà quốc giacó quyền chủ quyền.

Cũng theo Wikipedia, khái niệm và sự hình thành của Vùng đặc quyền kinh tế có lẽ bắt nguồn từ sự kiện Tổng thống Mỹ Truman ngày 28-9-1945 đã đưa ra một tuyên bố về nghề cá ven bờ trong một số vùng của biển cả. Theo đó, Mỹ đề nghị thiết lập một vùng bảo tồn một phần nhất định của biển cả tiếp giáp với bờ biển nước Mỹ, tại đó các hoạt động nghề cá đã và sẽ phát triển trong tương lai ở mức độ quan trọng nằm ngoài lãnh hải của Mỹ 3 hải lý.

Tiếp theo đó, các nước khu vực châu Mỹ - Latinh như Chile, Peru, Ecuador đã mở rộng lãnh hải tới 200 hải lý dưới các tên gọi như vùng biển di sản, lãnh hải di sản… để loại bỏ quyền tự do hàng hải và các quyền tự do biển cả khác. Tình hình này gây ra sự lo ngại và chống đối từ các quốc gia có nghề hàng hải phát triển mạnh.

Năm 1971, Kenya và sau đó là các nước khu vực Á - Phi đã đưa ra đề nghị trung hòa cả hai lập trường trên bằng khái niệm vùng đặc quyền kinh tế, trong đó các quốc gia ven biển có thẩm quyền đặc biệt trong kiểm soát, quy định, khai thác và bảo vệ các tài nguyên sinh vật cũng như phi sinh vật của vùng để ngăn ngừa và đấu tranh chống lại ô nhiễm, trong khi các quyền tự do hàng hải, tự do bay, tự do đặt dây cáp hay ống dẫn dầu dưới đáy biển vẫn được bảo lưu.

Khái niệm này đã nhanh chóng được chấp nhận mà không có sự phản đối nào và nó có giá trị tập quán trước khi được ghi nhận trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Thềm lục địa của một quốc gia ven biển, theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền thuộc quốc gia đó cho đến bờ ngoài của dốc lục địa hoặc cách đường cơ sở dùng để tính lãnh hải một khoảng cách là 200 hải lý (370,4 km), khi bờ ngoài của dốc lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý (xem ảnh).

Các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa và các tài nguyên khai thác được từ đó. Ngoài ra, các quốc gia này cũng có quyền tài phán đối với các lĩnh vực: các đảo nhân tạo, các thiết bị; công trình trên thềm lục địa, các nghiên cứu khoa học hay bảo vệ môi trường. Các quyền chủ quyền và tài phán này không liên quan và không ảnh hưởng đến các quyền đối với vùng nước và vùng trời phía trên nó.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.