Tên làng như một di sản thiêng liêng tiền nhân trao lại cho hậu thế, mọi họ tộc trong làng đều trân quý. Lịch sử - văn hóa làng, nếu không tập hợp, lưu giữ thì sẽ bị mai một dần, như thế là đắc tội với tiền nhân...
Cụ Đặng Ninh được xem là “từ điển sống” làng An Trạch, xã Hòa Tiến. |
Ước nguyện từ tên làng
Nhìn cái cách cụ Đặng Ninh cầm bút và rành rẽ viết mấy câu đối bằng chữ Hán trong sổ ghi chép của tôi, nếu cụ không nói sẽ ít ai nghĩ cụ đã 94 tuổi. Được cha cho ăn học để bằng vai phải lứa với tráng đinh ở làng An Trạch xưa, chàng trai trẻ ngày đó là cụ đã không phụ lòng cha khi thông thạo Hán văn và hiểu được nội dung các tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được ở làng. Thế rồi, thời gian trôi qua, những vị Nho học trong làng lần lượt ra đi, còn mỗi cụ còn “trụ” lại được.
Làng An Trạch đã được vị Tiền hiền Đặng Nở Công lập và đặt tên từ sau khi công cuộc bình Chiêm, mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tôn thành công vào năm 1471. Từ đó, tên làng như một di sản thiêng liêng tiền nhân trao lại cho hậu thế, mọi họ tộc trong làng đều trân quý, ghi chép vào tộc phả và thể hiện trên các văn bia, hoành phi, liễn đối...
Cụ Ninh được tộc Đặng và cả làng An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) xem là cuốn “tự điển sống” về văn hóa - lịch sử làng. Ngoài việc “cho chữ” cho những ai xa gần mỗi khi có việc hiếu hỉ, cụ còn đảm nhận các liễn đối, hoành phi trong tộc, ngoài làng. Hôm đó, cụ đọc tôi nghe câu đối cẩn trên bình phong trước Nhà thờ tộc Đặng tiền hiền “Thiên phúc long bàn an vũ trụ/ Địa hoằng phụng vũ trạch phong vinh” rồi giải thích: Bụng trời thênh thang, rồng uốn khúc làm yên vũ trụ/ Đất đai mở rộng, chim phụng múa mừng cảnh tốt tươi phồn thịnh. Cụ đã khéo léo đưa tên làng An Trạch vào câu đối, cũng là một cách để lưu giữ truyền thống tiền nhân trao lại.
Đình An Trạch vừa được xây mới với tổng kinh phí gần 2,66 tỷ đồng, trong đó gia đình “Vua cà-phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Ngọc Tình đã đóng góp trên 1 tỷ đồng. Cụ Ninh bảo, nếu làng An Trạch không tốt tươi phồn thịnh như ước nguyện của tiền nhân thì hậu thế ngày nay không được vậy. Tại lễ khánh thành đình hôm đầu tháng 3 vừa qua, con cháu 36 chư phái tộc gần xa đã tề tựu đông đủ, cùng dâng nén nhang thành kính tưởng nhớ công đức tiền nhân. Đại diện Hội đồng Đặng tộc Việt Nam đến dự và mừng tặng bức hoành phi với 7 chữ: “Đặng tính giả cư quốc giai nhiên”, nghĩa là tất cả những người họ Đặng đều là anh em.
Đưa làng lên mạng
Làng Đà Sơn nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Với lịch sử hơn 660 năm hình thành và phát triển, nơi đây được xem là cái nôi của cư dân đất Hóa Châu xưa và Đà Nẵng – Quảng Nam ngày nay. “Lịch sử - văn hóa làng có nhiều điều rất hay, rất quý, nếu không tập hợp, lưu giữ thì sẽ bị mai một dần, như thế là đắc tội với tiền nhân”. Nghĩ vậy, ông Đàm Trung Nhơn, Phó Trưởng ban Hội đồng Chư phái tộc làng Đà Sơn, mày mò lập trang web langdason.vn riêng cho làng mình và “lên mạng” vào cuối năm 2011 với sự hỗ trợ của một người giỏi về thiết kế web. Trong đó, ngoài phần giới thiệu lịch sử làng và các họ tộc, sắc phong, văn tế, ông còn đưa hình ảnh hoạt động, hỉ cúng công đức, lịch các ngày lễ trọng của làng.
Trong dịp đi dẫy mả cuối năm rồi, ông mở laptop giới thiệu trang web mình lập cho thanh niên trong làng xem, ai cũng ngạc nhiên. Thanh niên có tâm huyết với văn hóa làng giờ đếm trên đầu ngón tay, ông bảo, mình có cái web, tụi nó lâu lâu vô đọc cũng hiểu được truyền thống làng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Một bà trong làng nghe nói “trên mạng” có hình chồng mình ngồi xem hát tuồng trong ngày khánh thành đình 5 năm trước, bắt con phải “vô mạng” tìm cho được. Thấy lại hình chồng sau 3 năm ông mất cùng với các hoạt động của làng, bà xúc động: Hình ảnh, chữ nghĩa như ri đây mà bây không xem, đi xem ba cái chi chi không.
Ngày 10-3 Âm lịch tới, Đà Sơn lại tổ chức hội làng. Trang web của ông Nhơn sẽ cập nhật thông tin trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện trọng đại này của làng để giới thiệu với người dân Đà Sơn hay bất cứ ai trên thế giới quan tâm đến văn hóa – lịch sử của làng. Trong quá trình thực hiện khó tránh được sai sót, ông Nhơn luôn mong những nhà nghiên cứu văn hóa, các con dân của làng cho ý kiến, đóng góp thông tin, tư liệu để trang web không còn ở cấp... làng nữa.
Năm ngoái, ông Nhơn đã cùng các ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng ban Hội đồng Chư phái tộc làng Đà Sơn), Phan Văn Thanh và Hồ Cư đứng ra vận động bà con các họ tộc, các nhà hảo tâm góp công, góp của để tôn tạo cảnh quan đình làng. Chừ có thêm trang web đang dần được hoàn thiện, hy vọng hội làng năm nay sẽ có một sắc thái mới.
Khách tham quan bồi hồi nhớ lại ngày xưa khi xem trưng bày dụng cụ sản xuất nông nghiệp của làng Trung Nghĩa tại Hội làng Hòa Mỹ. |
Đăng cai hội làng
Cụ Ninh giữ lại di sản Hán Nôm, ông Nhơn lập trang web, hai cách làm một truyền thống một hiện đại nhưng cùng chung chí hướng là bảo tồn nếp xưa giữa thời nay. Người Đà Nẵng phát triển đô thị nhưng vẫn lưu giữ giá trị văn hóa làng ngay giữa phố.
Đầu năm Quý Tỵ, làng Hòa Mỹ tổ chức hội làng lần thứ 20, đây cũng là hội làng đầu tiên trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, tổ chức theo mô hình “Hội làng giữa phố” với sự đồng thuận giữa UBND phường và đại diện 4 làng trong phường. Theo đó, mỗi năm một làng tổ chức lễ hội, 3 làng còn lại cùng tham gia với các hoạt động ẩm thực, trưng bày hình ảnh, hiện vật giới thiệu về làng mình.
Năm đầu đăng cai mô hình mới, Hòa Mỹ lần đầu tiên tổ chức cho “thí sinh” 4 làng thi viết thư pháp và để lại dấu ấn qua bài thơ Hòa Minh: “Kính trên nhường dưới là Hòa/ Minh là sáng suốt, hiểu ta biết người/ Tình làng nghĩa xóm thuận vui/ Mừng xuân duyên dáng nụ cười Hòa Minh”. Làng Trung Nghĩa tuy sang năm mới đến lượt mình đăng cai “Hội làng giữa phố Hòa Minh”, nhưng nay đã bàn nhau tổ chức thế nào đó để mới lạ và hấp dẫn hơn. Cuộc “cạnh tranh” lành mạnh giữa các làng sẽ góp phần nâng cao hàm lượng văn hóa cho các hội làng vốn đã không có nhiều mới lạ.
VĂN THÀNH LÊ