.

Hành trình về quá khứ

.

Những năm gần đây, thông qua hoạt động “về nguồn”, các tổ chức đoàn, hội đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong thanh-thiếu niên, nhi đồng. Dù vậy, hoạt động này vẫn chưa thường xuyên, hoặc chỉ rộ lên trong dịp lễ, Tết do nhiều nguyên nhân khác nhau…

Học sinh khi đến thăm Bảo tàng Đà Nẵng được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Thành Điện Hải                                                                  				                                     (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp).
Học sinh khi đến thăm Bảo tàng Đà Nẵng được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Thành Điện Hải (Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp).

Những cuốn sử sống có giá trị

Dù đã nhiều lần đặt chân đến Khu chứng tích Giáng Đông (xã Hòa Châu), nơi xảy ra vụ thảm sát 124 đồng bào hai thôn Giáng Châu và Hà Đông (xã Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) của thực dân Pháp năm 1946, nhưng Ngọc Oanh, Bí thư Chi đoàn xã Hòa Châu nói rằng, với chị, niềm xúc động vẫn vẹn nguyên như buổi đầu đặt chân đến. Qua lời kể của ông  Sáu, nhân chứng còn sống sót sau vụ thảm sát, chị cảm nhận được nỗi đau lẫn sự mất mát như hằn sâu trong từng tấc đất, con người nơi đây. Theo ông Sáu, vào năm 1946, thực dân Pháp tiến hành cuộc càn quét vào hai thôn Giáng Châu và Hà Đông, chúng dồn người già, trẻ em vào một góc trước khi xả súng bắn chết. Những cụ già van xin chúng tha cho trẻ con. Tiếng khóc thét lên từ đám trẻ trước khi ngã quỵ. Xác chồng lên xác. Hàng loạt ngôi nhà bị đốt cháy. Ông may mắn sống sót. Nhiều năm sau đó, hình ảnh tang thương ấy vẫn ám ảnh ông Sáu. Nước mắt chảy ngược vào trong. Ông bảo, việc thay mặt cho những người đã khuất kể lại cho thế hệ trẻ nghe những gì đồng bào ta đã chịu đựng trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc là trách nhiệm của ông.

Khu chứng tích Giáng Đông nằm ngay trong địa bàn xã nên hầu như năm nào, Chi đoàn xã Hòa Châu cũng kết hợp với Đoàn ĐH Đà Nẵng, các tổ chức trên địa bàn thành phố về thăm và nghe ông Sáu kể chuyện. Ngọc Oanh cho biết: “Bà cố ngoại của tôi cũng chết trong cuộc thảm sát này, vì thế, mỗi lần đến đây, tôi luôn mang tâm trạng của người trong cuộc. Giai đoạn hiện nay, thanh niên có nhiều thú vui, nhiều hoạt động bên ngoài xã hội, nếu mình không quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng sẽ là một thiếu hụt lớn”.

Nhiều năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã trở thành điểm đến quen thuộc của học sinh, sinh viên toàn thành phố. Trong số 24.011 lượt khách đến tham quan bảo tàng từ đầu năm đến nay thì có 11.198 lượt khách là học sinh, sinh viên. Chị Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng phòng Trưng bày-Đối ngoại cho biết, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ mà còn là nơi tuyên truyền, giáo dục giàu tính nhân văn. Đó là cuốn sử sống có giá trị to lớn cho mọi người tìm hiểu, nghiên cứu và chiêm nghiệm lại quá khứ để từ đó so sánh, đối chiếu và rút ra cho mình những bài học trong cuộc sống.

Với tầm quan trọng đó, năm 2013, Bảo tàng Đà Nẵng phát động chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải”. Chương trình phối hợp thực hiện với Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố nhằm triển khai đến các trường học trên địa bàn. Những chuyến tham quan bảo tàng đã góp phần khơi dậy cho các em niềm thích thú, say mê khi học môn lịch sử. Em Lê Công Hậu, cựu học sinh lớp 12/26 Trường THPT Phan Châu Trinh bộc bạch: “Đến bảo tàng, chúng em được nghe kể về tấm gương các vị anh hùng, tiếp xúc với những bài thơ, những bức thư rất cảm động. Những chuyến tham quan thế này giúp em thích học môn lịch sử hơn, nếu không lịch sử chỉ là một mớ lý thuyết nhàm chán, mệt mỏi”.

Để mỗi điểm đến là một “địa chỉ đỏ”

Tại Đà Nẵng hiện nay chỉ có 4 di tích liên quan đến cuộc xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp năm 1858-1860 là Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang (còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung) và di tích nghĩa địa Pháp-Tây Ban Nha. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, rất ít bạn trẻ sinh sống và học tập tại Đà Nẵng từng đặt chân đến cả 4 di tích này. Theo chị Ngọc Oanh, đây cũng là nỗi trăn trở của đội ngũ BCH Chi đoàn xã. Bởi nếu tổ chức thì phải lồng ghép trong một chuỗi hoạt động, chứ không thể lên lịch đến 2 khu nghĩa trủng rồi trở về. Có lẽ, suy nghĩ này đã khiến Chi đoàn xã Hòa Châu cũng như nhiều tổ chức đoàn khác không tự tổ chức những chuyến dã ngoại về thăm “địa chỉ đỏ” nếu không gắn liền với các ngày lễ, Tết hoặc nằm trong hoạt động tuyên truyền chung của Đoàn.

Một số bạn trẻ tâm huyết với Đoàn chia sẻ rằng, hoạt động Đoàn hiện nay vẫn chưa thật sự hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Nhiều hoạt động diễn ra trong một ngày nhưng ôm đồm quá nhiều sự kiện như tổ chức các trò chơi lớn, nhảy dân vũ, earobic, dịch mật thư, semaphore, morse, hoạt động hành quân dã ngoại… Điều này khiến những chuyến ghé thăm “địa chỉ đỏ” nằm trong chuỗi hoạt động này cũng diễn ra chóng vánh, thành viên trong đoàn không có điều kiện tìm hiểu, ghi chép.

Thông tin từ Trung tâm Quản lý di sản thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, dấu tích của Nghĩa trủng Phước Ninh chỉ còn lại 1 tấm bia được lập vào năm 1876, ghi lại sự thành lập Nghĩa trủng Phước Ninh và 2 ngôi mộ của hai vị tướng. Ngoài ra còn có 3 tấm bia lập vào các thời Thành Thái, Đồng Khánh và Duy Tân, ghi lại công đức của nhân dân Phước Ninh trong tôn tạo, trùng tu các ngôi mộ và khu Nghĩa trủng. Ngoài Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang cũng góp phần rất lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, do hiện tại hai địa chỉ không có lực lượng hướng dẫn viên nên khi giới trẻ đến thăm chỉ biết được đây là khu nghĩa địa thờ phụng những người đã hy sinh trong buổi đầu chống Pháp chứ không thể hiểu cặn kẽ về hai địa chỉ này. Đây cũng là hạn chế trong việc đưa di tích gần hơn với thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh.

Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng nên khi tham quan, các đoàn được hướng dẫn viên giới thiệu khá cặn kẽ về di tích Thành Điện Hải. Anh Trần Văn Chuẩn, Hướng dẫn viên tại Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ: “Đối với học sinh, chúng tôi áp dụng phương pháp hướng dẫn theo lối kể chuyện kết hợp chương trình học môn lịch sử. Thông qua chủ đề trưng bày, các tư liệu hình ảnh và hiện vật để gợi lại bài học cho các em bằng những câu hỏi, giúp quá trình tham quan không bị nhàm chán mà trở thành bài học lịch sử với những chứng minh hấp dẫn và bổ ích. Chúng tôi hy vọng rằng, thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng nói chung và Thành Điện Hải nói riêng sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm, tìm đến của nhiều bạn trẻ”.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.