.

Quy hoạch, xây dựng chợ: Cần "thiên thời, địa lợi..."

.

Chủ trương của các quận, huyện ở Đà Nẵng khi quy hoạch, xây dựng chợ đều theo hướng chợ phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc quy hoạch chợ ở đâu, theo nhu cầu xã hội hay do chính quyền chọn địa điểm cũng cần tuân theo quy luật “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới bảo đảm được công năng sử dụng của một cái chợ. 

Các hàng cá ở chợ Mai tràn ra cả con hẻm phía sau chợ. Chợ Mai là chợ quận (do UBND quận quản lý) chật và xuống cấp nhất quận Sơn Trà. 			                                      		 Ảnh: H.N
Các hàng cá ở chợ Mai tràn ra cả con hẻm phía sau chợ. Chợ Mai là chợ quận (do UBND quận quản lý), chật và xuống cấp nhất quận Sơn Trà. Ảnh: H.N

Chưa xứng tầm “chợ quận”

Trong số 7 chợ trên địa bàn quận Sơn Trà, chợ Mai (phường Thọ Quang) được xếp vào chợ hạng 2 (do UBND quận quản lý) vào loại sớm nhất, nhưng đến nay nó thuộc vào loại xuống cấp, chật chội nhất. Chợ Mai được hình thành ở khu vực này từ năm 1953, bao bọc 3 mặt xung quanh là nhà dân. Từ lối vào cho đến cuối chợ, hàng rau, hàng cá san sát nhau. Vào ngày cuối tuần, lượng người đi chợ tăng gấp đôi so với ngày thường nên việc di chuyển giữa các lối đi trong chợ theo kiểu nhích từng bước một.
Ông Nguyễn Dũng Tiến, Tổ trưởng tổ quản lý chợ Mai, cho biết với diện tích 2.100m2, có 205 lô cố định và hơn 100 lô hàng không cố định, hiện nay chợ quá chật hẹp, không đáp ứng được yêu cầu của người dân trong phường. Cách đây vài năm, chợ có quyết định di dời về khu Lộc Phước nhưng khu vực này chậm giải tỏa khiến nhà tài trợ rút lui. Đến nay chợ không còn đủ khả năng di dời. Cũng theo ông Tiến, tiểu thương chợ Mai mong muốn chợ không được di dời thì phải nâng cấp lên và biện pháp khả thi nhất là xây thành 2 tầng, bố trí các hộ kinh doanh quần áo, giày dép ở trên và hàng thực phẩm ở dưới, lúc đó đặc điểm của một chợ cá vùng biển mới hình thành rõ nét.

Trong khi đó, dù chợ An Hải Đông đang được xây dựng, tầm 2 tháng nữa mới được đưa vào sử dụng, nhưng những bất cập đã nảy sinh nhiều năm nay vẫn không thể giải quyết được. Đó là hàng chục hộ buôn bán dọc con đường dẫn vào chợ với đủ các mặt hàng, từ áo quần, giày dép cho đến hàng la-ghim, tôm, cá…, tức là chỉ cần đi dọc con hẻm K54 đường Nguyễn Duy Hiệu là một người nội trợ đã có đầy đủ những thứ thiết yếu cho bữa ăn gia đình. Vào ngày cuối tuần thì cái chợ “tiện lợi” này luôn kẹt cứng bởi người và xe. Hỏi nhiều tiểu thương ở đây vì sao không về chợ tạm (gần đường Võ Văn Kiệt) buôn bán, nhiều người cho biết chợ tạm quá chật (hiện chỉ có 239 hộ chuyển về đây) và do họ buôn bán dọc con đường này đã nhiều năm, bây giờ họ chỉ mong muốn được sắp xếp một lô kinh doanh trong chợ, nhưng đơn xin được vào chợ bị từ chối vì chợ không đủ lô để sắp xếp. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Định, Tổ trưởng tổ quản lý chợ An Hải Đông, cho biết khi tiến hành xây dựng chợ mới từ tháng 7-2012, chợ có thêm 360m2 nhờ giải tỏa 6 hộ dân nằm sát chợ. Nhưng diện tích tăng thêm này chỉ giúp tăng từ 337 lô đăng ký buôn bán cố định lên 351 lô và 45 lô bán cá không thường xuyên, không đủ diện tích để bố trí thêm cho những tiểu thương muốn vào chợ.

Việc quy hoạch một cái chợ không phải cho thời gian trước mắt mà cần một quy mô cho 10-20 năm sau là điều cần được tính đến. Ông Ngô Ngọc Trọng, Trưởng phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ, cho biết nhờ Cẩm Lệ mới được quy hoạch thời gian gần đây nên các chợ đều được mở rộng so với trước như chợ Cẩm Lệ và chợ Hòa Xuân có diện tích gần 1ha, chợ Hòa An rộng 6.000m2 và chợ Hòa Cầm gần 4.000m2. “Chúng tôi tính trên cơ sở quy mô mỗi cái chợ phải tăng diện tích thêm 30% so với hiện tại trong quá trình xây dựng chợ mới, để bố trí cho những hộ mới và quy mô dân số ngày càng tăng. Diện tích tăng thêm này thường phát sinh ở lồng chợ phụ, do đó cần có quỹ đất bố trí, dự phòng cho những hộ kinh doanh lưu động, không thường xuyên từ Hòa Vang xuống và Quảng Nam ra”, ông Trọng nhấn mạnh.

Xây chợ cũng cần “thiên thời, địa lợi..."

Trên đất Hòa Vang, không phải chợ nào đưa vào sử dụng là đều mang lại hiệu quả ngay từ bước đầu theo như ý tưởng của các nhà quản lý. Như chợ Hòa Nhơn có tổng diện tích 2.000m2 (diện tích xây dựng 500m2), trị giá trên 1,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện đầu tư 800 triệu đồng, xã đóng góp 105 triệu đồng, huy động từ các hộ kinh doanh ở chợ 300 triệu đồng. Sau lễ khánh thành ngày 2-9-2004, cảnh tấp nập kẻ mua người bán ở chợ Hòa Nhơn đã giảm dần theo độ tăng của thời gian đưa chợ vào sử dụng. Đến nay, cả chợ chỉ có 2 hàng cá, 3 hàng thịt, 2 hàng gia vị, 2 hàng bún, 2 hàng mì lá... Bà Phạm Thị Xuyên, một người chuyên bán bánh mì ở cổng chợ “điểm” cho tôi danh sách các quầy hàng. Ở đây chợ chỉ đông đúc một lúc từ 5 giờ 30 đến 7 giờ sáng. Sau đó chợ vắng teo, người bán ngồi đuổi ruồi và… nhìn nhau vì rất hiếm người đi chợ. Trong khi đó, cách chợ Hòa Nhơn chừng một cây số, ở ngay đầu cầu Giăng, gần trung tâm hành chính xã, chợ Chiều Hòa Nhơn với những gian hàng tạm bợ vào cỡ 2 giờ chiều trở lên lại trở nên đông đúc, sầm uất khác hẳn một cái chợ tạm.

Mới 10 giờ sáng, chợ Hòa NHơn đã “vắng teo” thế này. Việc xây chợ cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới đạt hiệu quả. 			       Ảnh: H.N
Mới 10 giờ sáng, chợ Hòa NHơn đã “vắng teo” thế này. Việc xây chợ cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới đạt hiệu quả. Ảnh: H.N

Ông Nguyễn Văn Vỹ, chuyên viên phòng Công thương huyện Hòa Vang cho biết, chợ Hòa Nhơn chọn địa điểm xây mới, không thể xây ở khu vực chợ Chiều vì chợ này ở ngay ngã ba đường, không bảo đảm an toàn giao thông. Trong khi diện tích của chợ Chiều vào khoảng 1.000m2, việc lập phương án để xây dựng một cái chợ ở đây không phải là không khả thi. Quy hoạch chợ tránh xa các “điểm nóng” về giao thông là chủ trương hoàn toàn thích ứng với đô thị hóa thời hiện đại, nhưng thiết nghĩ, các nhà quy hoạch, quản lý đô thị cũng nên nghĩ đến một điều là, xưa nay, tất cả mọi sự thành công bền vững trên đời đều dựa vào 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

Ở Hòa Vang còn có chợ Nam Thành thuộc xã Hòa Phong xây dựng hơn 10 năm trước, có diện tích 500m2, vốn đầu tư 100 triệu đồng, có 30 hộ đăng ký kinh doanh ở đây, nhưng từ khi chợ Túy Loan đi vào hoạt động, chợ Nam Thành chỉ cách chợ Túy Loan 2km đã “đóng cửa” khoảng 5 năm nay vì không có người lui tới. Chợ Nam Thành được nhận định là hoạt động không hiệu quả vì xa khu dân cư, không nằm ở vị trí đắc địa nên việc hình thành chợ này không đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Hiện Hòa Vang có tất cả 19 chợ, trong đó có 3 chợ tạm, riêng xã Hòa Châu có 2 chợ tạm là chợ Phong Nam và Dương Sơn. Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, chợ Đông Hòa với tổng vốn đầu tư 6,1 tỷ đồng đang được xây dựng, góp phần giúp xã Hòa Châu hoàn thành chương trình Nông thôn mới. Khi xây xong, hai chợ tạm Phong Nam và Dương Sơn sẽ bị dẹp bỏ. Nhưng không biết việc dẹp bỏ này có khả thi không khi hai chợ tạm trên đã tồn tại hàng chục năm, đã hình thành điểm mua-bán theo thói quen của người dân. Rồi số phận chợ Đông Hòa có giống như chợ Hòa Nhơn không, có lẽ cần chờ thời gian, vì chính quyền xã Hòa Nhơn đã nhiều lần dẹp chợ Chiều bên chân cầu Giăng nhưng không hiệu quả…

Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ Triển lãm và các Chợ Đà Nẵng Lê Ngọc Thạnh:

Nhận thức cũng cần phải “quy hoạch”

Khi kinh tế phát triển, các trung tâm thương mại, siêu thị thi nhau ra đời với điều kiện tốt hơn đã làm cho thị phần chợ truyền thống giảm đi rõ rệt. Ý thức được điều này, chúng tôi luôn tìm mọi cách để “làm mới” các chợ không chỉ bằng quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang quầy sạp mà còn “quy hoạch” cả về nhận thức.

Công ty quản lý 4 chợ loại 1 với gần 5 nghìn thương nhân, bán từ con dao xếp, cái bấm móng tay đến quần áo may sẵn, hàng điện tử điện lạnh... Trước đây các hộ kinh doanh ở chợ là đối tượng quản lý, nay là đối tác của công ty. Đã xem là đối tác thì phải bình đẳng, gắn bó trách nhiệm, biết tôn trọng, lắng nghe nhau trên tinh thần cầu thị. Việc thay đổi tư thế trong mối quan hệ này đã mang lại hiệu quả tích cực cho môi trường kinh doanh. Đơn cử như ở chợ Cồn, trong 3 năm từ 2009 - 2012, thương nhân ở chợ đã đóng góp trên 10 tỷ đồng xây dựng, chỉnh trang quầy hàng, nền nhà… thậm chí mái nhà hư bà con cũng tự nguyện sửa chữa.

Trước tình hình kinh tế suy thoái, đầu tháng 4 vừa qua công ty đã ban hành công văn đưa ra 11 giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của thương nhân tại các chợ. Từ đó, Ban quản lý các chợ đã dựa vào thực tế của chợ mình để lập kế hoạch triển khai cụ thể các giải pháp nhằm hỗ trợ thương nhân. Bà con thấy mình quan tâm, giúp đỡ họ nhiều, họ lại cộng tác với mình nhiều hơn, xem tất cả như người sống trong một ngôi nhà chung.

Nhìn chung, sau khi chúng tôi “quy hoạch” về nhận thức, mối quan hệ giữa người quản lý và người kinh doanh đã phát triển theo chiều hướng tốt, góp phần làm dịu đi vẻ ảm đạm của các chợ truyền thống Đà Nẵng trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

VIÊN PHÚC QUÂN (ghi)

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.