.

Tạo sức hút cho bảo tàng

.

Trên quan điểm phải đa dạng hóa hoạt động bảo tàng để thu hút nhiều đối tượng tham quan, trong 2 năm trở lại đây, Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN) ngoài trưng bày hiện vật “cứng” còn thực hiện các cuộc trưng bày chuyên đề, mời nhân chứng kể chuyện lịch sử, lồng ghép công tác tuyên truyền giáo dục. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng phòng Trưng bày-Đối ngoại BTĐN, cho rằng “Chúng tôi luôn thay đổi bằng nhiều hình thức để làm mới chính mình bằng nội dung trưng bày chứ không phải chỉ trưng bày những gì mình có”.

Học sinh hai trường THPT Trần Phú và Thái Phiên tham gia tìm hiểu về biển-đảo Việt Nam sáng 14-11 tại BTĐN. Ảnh: H.N
Học sinh hai trường THPT Trần Phú và Thái Phiên tham gia tìm hiểu về biển-đảo Việt Nam sáng 14-11 tại BTĐN. Ảnh: H.N

Làm mới chính mình

Sáng 14-11 vừa qua, hơn 200 học sinh của hai Trường THPT Trần Phú và Thái Phiên có buổi học lịch sử bổ ích tại tiền sảnh BTĐN. Gọi là buổi học nhưng thực tế các em tự tìm hiểu những kiến thức về biển và hải đảo Việt Nam để tham gia thuyết trình và chơi các trò chơi tìm hiểu về lịch sử biển đảo của đất nước. Đây là chương trình sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề Hướng về biển đảo Việt Nam do BTĐN phối hợp với các trường phổ thông tổ chức suốt một năm qua. Khi nghe các em thuyết trình về vai trò của biển và các đảo, mới biết các em học sinh hiểu biết rất kỹ về Biển Đông và không hề bỏ qua những đánh giá từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cả các nhà chính trị về vị trí và ý nghĩa, tiềm năng mà biển và các đảo ở Việt Nam mang lại.

Từ buổi sinh hoạt dành cho học sinh như vậy và nếu đi xem một số gian trưng bày ở BTĐN, du khách sẽ hiểu hơn vai trò của Đà Nẵng, một trong những tỉnh, thành có chiều dài bờ biển và vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Cũng từ đây bạn sẽ biết được Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua phần trưng bày triển lãm chuyên đề: “Những tư liệu mới về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”“Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”, thu hút hàng nghìn du khách đến xem. BTĐN còn tổ chức trưng bày lưu động chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại quận Cẩm Lệ.

Những triển lãm trên sở dĩ thu hút được nhiều khách tham quan, được dư luận đánh giá cao vì vấn đề khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vẫn đang ngày đêm được các học giả, nhà nghiên cứu và cả những nhà sưu tầm tìm tư liệu để khẳng định với thế giới. Một cuộc triển lãm sẽ cho một cái nhìn khách quan nhất, đúng đắn nhất về những tư liệu như một thông điệp mang lại cho người xem. Và quan trọng hơn, BTĐN trưng bày những gì cộng đồng quan tâm chứ không chỉ là trưng bày những gì bảo tàng có.

Đây là một quan điểm hiện đại mà các bảo tàng ở trong nước đang hướng đến, tránh làm theo cách truyền thống, theo lối mòn. Trong khi cái mà cộng đồng quan tâm là sự kết nối không chỉ giữa người với người mà còn giữa người với hiện vật. Bảo tàng như chất xúc tác tạo sự kết nối, tạo sự thông cảm, hiểu biết giữa người với người.

Làm mới chính mình, dù chưa thật sự sâu sắc, nhưng nhiều chuyên đề được BTĐN trưng bày thời gian qua thể hiện một cách làm mới, như chuyên đề “Nhân dân Đà Nẵng đi đầu kháng chiến chống Pháp (1858 - 1860)”, “Huyền thoại Trường Sơn” nhân kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn, kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển lãm ảnh “Hà Nội Xưa” nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trưng bày lưu động chuyên đề “Nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Nguyên” tại Trường THPT Dân tộc nội trú Phạm Phú Thứ, xã Hòa Sơn, Hòa Vang, “Đa dạng sinh học Đà Nẵng” nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học tháng 5-2013, trưng bày về Danh nhân Thoại Ngọc Hầu tại di tích lưu niệm Thoại Ngọc Hầu, triển lãm “Da cam-lương tri và công lý” tháng 7-2013…

Học lịch sử tại bảo tàng

Hai năm qua, nhiều trường học phối hợp với BTĐN tổ chức các chương trình học tập ngoại khóa, vui chơi giải trí... cho các em học sinh. Tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia bảo vệ, chăm sóc, trồng cây lưu niệm tại di tích Thành Điện Hải, qua đó giáo dục cho các em về ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa mà cha ông để lại.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, việc tổ chức các đợt trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động đã thu hút các em học sinh, sinh viên đến tham quan, giúp các em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của thành phố;  nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Lịch sử trong nhà trường, đồng thời phát huy tính ham tìm tòi, học tập và nghiên cứu độc lập của các em.

Đến nay đã có 11.198 học sinh của các trường THPT, THCS và TH trên địa bàn thành phố tham gia “Hành trình đến với BTĐN và Di tích Thành Điện Hải”. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2014 giai đoạn 2 của hoạt động này tiếp tục được triển khai dành riêng cho khối THCS và TH. Trong chương trình, học sinh còn được tham gia các hoạt động lồng ghép khác như: viết bài cảm tưởng, thi tìm hiểu về lịch sử địa phương, thi thuyết trình, tổ chức các hoạt động Đoàn, Đội tại bảo tàng, tổ chức cho học sinh trồng cây lưu niệm, chăm sóc di tích...

Nhiều trường còn liên hệ với BTĐN để học sinh được tham gia chương trình giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử thành phố Đà Nẵng đã tham gia những trận đánh tiêu biểu của bộ đội đặc công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ; nhân chứng là cựu tù Côn Đảo… Trong năm 2014, BTĐN sẽ trưng bày 2 chuyên đề lớn nhân 90 năm phát hiện về văn hóa Đông Sơn và kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “Dấu ấn Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”. Đây hứa hẹn là những chuyên đề hay và sâu sắc trong hành trình tìm hiểu lịch sử của không chỉ dành cho các em học sinh…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.