.

Tri ân quá khứ

.

Hướng đến lợi ích chung của cộng đồng là suy nghĩ của nhiều cá nhân, đơn vị đã và đang hiến tặng hiện vật, cổ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN). Với họ, đưa hiện vật vào bảo tàng không phải là mất đi, mà là tìm cho nó một chỗ trưng bày đẹp, một lý lịch đầy đủ và đưa hiện vật đến gần công chúng.

Ông Nguyễn Đình Bằng giới thiệu bình gốm sứ đời Đường sắp hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2013. Ảnh: T.Y
Ông Nguyễn Đình Bằng giới thiệu bình gốm sứ đời Đường sắp hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2013. Ảnh: T.Y

Mang đồ cổ đi tặng

Cách đây 25 năm, từ một thợ sửa chữa đồng hồ trên đường Ông Ích Khiêm, ông Nguyễn Đình Bằng (Chi hội trưởng Chi hội Di sản Văn hóa sông Hàn - thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) được một người khách từ Hà Nội vào bán cho chiếc đồng hồ quý. Vốn mê đồ cổ, ông mang về nhà ngắm nghía một thời gian rồi quyết định bán nó đi để lấy lộ phí lên đường tìm kiếm cổ vật. Cầm trong tay mấy cây vàng từ việc bán chiếc đồng hồ, ông cùng chiếc 67 của mình rong ruổi vào Nam ra Bắc, biết chỗ nào có người rành về đồ cổ là ông lại sà vào bắt chuyện để làm quen, học hỏi kinh nghiệm. Gắn bó với thú chơi đồ cổ từng đó năm, nên số lượng cổ vật mà ông Bằng sở hữu hiện nay phải lên đến hàng trăm món, từ hiện vật thời chiến cho đến các cổ vật có chất liệu đồng, đá, đồ trang sức trong đời sống tín ngưỡng của người Chăm, văn hóa Sa Huỳnh, bình gốm sứ Chu Đậu, Trung Hoa…  

Cách đây tròn 1 năm, sau cuộc triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng”, ông Bằng hiến tặng cho bảo tàng bộ kiếm Triều Tây Sơn gồm 11 cây và hũ tiền đồng cổ thời Quang Trung nặng 25 ký. Chia sẻ điều này, ông nói: “Với một người sưu tầm như tôi, mỗi cổ vật là một món ăn tinh thần vô giá. Tuy nhiên, tôi cũng rất vui lòng khi trao tặng lại bảo tàng một số hiện vật gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam sắp tới, tôi sẽ tiếp tục hiến tặng cho BTĐN một bình gốm sứ đời Đường mà theo tìm hiểu của tôi, hiện nó đang là độc bản ở Đà Nẵng”.

Không chỉ người ở Đà Nẵng như ông Bằng mới hiến tặng cổ vật cho BTĐN, mà những người như ông Lâm Dũ Xênh (1960), một thầy thuốc ở Quảng Ngãi cũng quyết định hiến tặng cho BTĐN bộ sưu tập cuốc, rìu đá 16 tiêu bản gồm nhiều loại hình (6 cuốc, 10 rìu). Số hiện vật này được ông  sưu tầm  ở An Khê, Gia Lai vào tháng 5-2008. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc BTĐN, đánh giá: “Có thể nói đây là bộ sưu tập rất có giá trị thuộc hậu kỳ đá mới, niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 đến 3.500 năm. Chất liệu đá được sử dụng là basalte, đá phtanite, đá silic. Hầu hết các tiêu bản này đã qua quá trình sử dụng, còn nguyên hình dáng ban đầu, rất có giá trị trong việc hệ thống lại “cuốn sử sống” tại bảo tàng trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cổ vật được tìm thấy, được giữ gìn là cách người còn sống tôn trọng, tri ân quá khứ”.

Chung tay giữ gìn cổ vật

Ngày 11-11 vừa qua, lần đầu tiên, UBND thành phố Đà Nẵng viết tâm thư kêu gọi người dân, các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể, các nhà nghiên cứu, sưu tập tích cực hưởng ứng và tham gia hiến tặng hiện vật, tài liệu hình ảnh có liên quan đến lịch sử và văn hóa của vùng đất Đà Nẵng cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng của một thành phố anh hùng. Đây được xem là kênh kêu gọi chính thức, nhằm thúc đẩy sự phát triển phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, công tác kêu gọi vận động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Những kỷ vật, di vật, các tư liệu lịch sử được hiến tặng sẽ góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu lịch sử, bổ sung toàn diện bộ sưu tập, làm phong phú và đa dạng hoạt động trưng bày.

Thông tin từ BTĐN cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, bảo tàng đã sưu tầm, tiếp nhận 122 ảnh tư liệu, 153 tài liệu và 386 hiện vật thuộc các chuyên đề trưng bày. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của ông Trần Thắng, hiện sống tại tiểu bang Connecticut (Mỹ), Chủ tịch Hội Văn hóa-Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), người đã hiến tặng cho BTĐN 91 bản đồ và 5 tập sách, tạp chí có xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu trong khoảng thời gian từ năm 1626 đến 1975. Ông Hà Phước Mai, Giám đốc BTĐN, đánh giá đây là những tư liệu lịch sử quý báu giúp Việt Nam đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, liên quan đến di tích lịch sử Thành Điện Hải, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng, BTĐN tiếp nhận một bức sắc phong chức “Thự thủ thành Điện Hải” thời vua Minh Mạng năm thứ 21 (1840) do ông Bùi Văn Quang, cán bộ chuyên trách công đoàn ngành giao thông vận tải tỉnh Nam Định hiến tặng…

Bên cạnh tìm hiểu cổ vật, nhiều du khách đến tham quan BTĐN tỏ ra thích thú khi đi ngang qua khu trưng bày hàng thuốc Hậu Phát Đường. Hàng thuốc trưng bày khoảng 50 vị thuốc tượng trưng do Lương y Đinh Văn Khanh (1929) ở đường Phan Châu Trinh trao tặng. Ngoài số thuốc này, ông Khanh còn tặng cho bảo tàng một số đồ dùng hành nghề như dao cắt thuốc, cân tiểu ly, chảo rang, bàn bào và bàn tính tiền. Ông Khanh bảo, mỗi khi rảnh ông đều đến bảo tàng và thấy vui vì việc trưng bày tại đây sẽ giới thiệu cho người dân biết tầm quan trọng của thuốc Nam trong đời sống người Việt xưa. “Khi chưa có thuốc tân dược, thì người Việt mình toàn dùng thuốc Nam để chữa bệnh”, ông nói.

Chức năng của bảo tàng là nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa… Tuy nhiên, do nguồn lực con người và kinh phí có hạng, nên bảo tàng rất khó sưu tập, mua về hết những hiện vật đang tồn tại trong nhân dân. Không hiếm trường hợp cá nhân sở hữu hàng trăm, hàng ngàn cổ vật có giá trị mà các bảo tàng công lập không có được. Cũng theo ông Hà Phước Mai, việc kêu gọi hiến tặng hiện vật cho BTĐN là hướng đi mới nhằm giúp bảo tàng tập hợp, lưu giữ, bảo quản những hiện vật có giá trị. Tránh việc cổ vật bị thất thoát, vận chuyển lậu ra nước ngoài tiêu thụ, gây thiệt hại cho lịch sử, văn hóa quốc gia.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.