Ông Lê Nam (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) vẫn còn nhớ như in cái hồi ông còn đi lưới chuồn, một hôm đang đánh cá ở khoảng 111 độ Đông thì thuyền bị hỏng máy. Ông là thanh niên, chẳng hiểu mấy về các vị thần trên biển, tâm linh cũng mịt mờ, nhưng là con nhà nòi mấy đời bám biển, nên ông làm như mẹ mình lúc trời sắp đổ bão mà cha đang ở ngoài biển: thắp hương khấn vái mấy vị anh linh phù hộ độ trì. Lời khấn chưa dứt thì ông Nam thấy một con cá Voi lưng xám to lớn, dài gần bằng cái thuyền đánh cá, cập mạn rồi cứ thế đẩy thuyền ông vào bờ. Vào đến cửa Sa Kỳ (Quảng Ngãi) thì con cá quay ra biển, để ông chèo vào bờ…
Bàn thờ thần Nam Hải (ảnh trái )và thờ Thủy Long thần nữ tại Lăng thuyền, vạn cá khu vực Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê. |
Lần hút chết trên biển mà ông Nam được cá Voi (dân biển gọi một cách tôn kính là cá Ông) cứu ấy vào năm 1978, cách đây đúng 35 năm. Sau lần đó, có 5-7 lần ông gặp cá Ông trên biển, khi thì theo cặp, có khi cả đàn; nhưng chưa bao giờ ông gặp cá Ông “lụy” (chết) gần bờ.
Gặp ông “lụy”, để tang 3 năm
Câu chuyện cá Voi lưng xám cứu ngư dân gặp nạn trên biển là một hiện thực mà đi đến bất kỳ làng chài nào ở Đà Nẵng cũng được nghe kể, chứ không hề là truyền thuyết dân gian. Hành động nghĩa hiệp của cá Voi được cư dân vạn chài suy tôn như một vị Thần biển cứu giúp dân lúc gặp bão to, sóng dữ.
Và hàng trăm năm nay, người vùng biển có tục thờ cá Ông như một tín ngưỡng dân gian được truyền từ đời này sang đời khác. Cá Voi được gọi là Ông một cách trân trọng nhất, theo ngư dân chính là thần Nam Hải. Ngư dân thường phối thờ cá Ông cùng các vị thần khác đã giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm như: Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Lý Ngư, Tả Lý Lịch.
Theo lệ thì người đi biển nào phát hiện được cá voi mắc cạn thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Ông Lê Nam chưa bao giờ “được” cá, nhưng ông đã từng chứng kiến một lễ tang thiêng liêng không dễ gì quên trong đời. Cách đây chừng ba chục năm, người làng Thanh Khê làm lễ táng cho một cá Ông “lụy”, được sóng đánh dạt vào bờ. Cá rất to nên người làng phải đi mua tre về, chẻ ra rồi đóng quanh xác để làm thành quan tài. Khi đưa tang, người “được” cá phải mặc áo xô trắng, bịt khăn đỏ, làm lễ cúng như với con người. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển, đầu quay ra biển. Tục cũng quy định người chịu tang cá Ông sau 3 ngày chôn cất, sẽ làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, cúng 3 tháng 10 ngày, một năm sau làm lễ giỗ đầu. Người chịu tang còn phải “kiêng” không gần vợ suốt 100 ngày đầu để tang.
Theo tín ngưỡng, cá Ông “lụy” và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Hàng năm dân làng chọn ngày Ông “lụy” làm lễ cúng giỗ theo nghi thức cầu ngư. Ba năm sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Lễ cải táng được gọi là “Thượng ngọc cốt” và khi đem vào đền thờ gọi là “Thỉnh ngọc cốt”.
Tục thờ Ông và lễ hội Cầu ngư
Việc cá Ông liên tục cứu giúp ngư dân miền biển lúc giông to gió lớn, lúc thuyền bè gặp nạn khiến cho tục thờ cá Ông trở thành nét văn hóa ở các vùng biển miền Trung và miền Nam. Ở các làng ven biển, hệ thống các lăng/đền thờ cá Ông trở thành những quần thể kiến trúc văn hóa, là nơi thờ tự, cúng tế các Ông. Ngư dân coi cá Ông như vị thần bảo trợ trong cuộc mưu sinh lênh đênh trên biển, là điểm tựa gần như duy nhất mà họ tin tưởng để vật lộn với sự bao la, đầy hiểm nguy của biển cả. Người ta tin tưởng vào vị thần hộ mệnh này đến nỗi có thể chỉ đến đình làng mỗi năm một lần vào dịp Tết, nhưng với lăng cá Ông thì lui tới thường xuyên trước mỗi chuyến biển để xin phù hộ một chuyến đi bình yên, thuyền đầy ắp cá. Truyền thống này đã “ngấm” vào máu của người vùng biển.
Ngày 25 tháng Chạp, các đền thờ cá Ông nhất loạt cúng tất niên cho các vị thần và các âm binh vì biển giã mà bỏ mạng. Sau rằm tháng Giêng, bắt đầu lễ Cầu ngư ở các đền. Ông Cao Văn Minh, thư ký Ban đại diện đền thờ thần Nam Hải cửa khẩu sông Hàn, cho biết vì đền thờ này thờ chung các vị thần phù hộ trên biển nên từ ngày mồng 7 tháng Giêng đền bắt đầu mở cửa cho bà con đến thắp hương. Cửa sông Hàn cũng đón tàu bè của ngư dân khắp các tỉnh miền Trung nên đây còn là nơi để bà con vùng biển các xứ đến cúng tế. Đầu năm vào ngày 16 tháng Giêng làm lễ cầu mùa (cúng ở cửa biển). Cứ 3 năm một lần, vào mùa thu, tại đền làm lễ tế trời đất và thần Nam Hải, cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con làm biển được mùa.
Gần 50 bộ xương cá Ông của làng chài Đông Hải, quận Ngũ Hành Sơn được gom lại, đưa về đền thờ mới khi đền thờ cá Ông của làng ở sát biển bị giải tỏa. Ảnh: H.N |
Đền thờ thần Nam Hải cửa khẩu sông Hàn được cha ông dựng lên từ năm 1930, sau 6 lần di dời đã chính thức “an vị” ngay cửa sông, nơi thuyền bè qua lại hằng ngày. Ông Cao Văn Minh cho biết đền thờ hàng trăm bộ xương cá Ông, đến nay chỉ còn chừng 30 bộ, còn những bộ có tuổi thọ cao tháng 3 vừa qua đã được hỏa táng. Tục hỏa táng xương cá Ông cũng mới thấy ở vùng biển này, vì người dân giữ tập tục cứ một đời người (khoảng 50 năm) phải hỏa táng các Ông.
Tục này không xuất hiện ở các đền thờ ở ven biển Thanh Khê cũng như vùng biển Non Nước. Ông Trần Luông (còn gọi là Hai Luông, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), 74 tuổi, đến nay vẫn gắn bó với nghề biển cho biết, đền thờ cá Ông của làng Đông Hải, cũng được lập vào năm 1930, hiện đang thờ khoảng 50 bộ xương cá tuổi thọ rất lâu đời, nhưng làng không có lệ hỏa táng những bộ xương này.
Ngày 16 tháng Giêng trở thành ngày lễ xuất quân ra biển đánh bắt của các làng chài ven biển và lễ Cầu ngư trong ngày hội này trở thành ngày lễ thiêng với người đi biển. Những năm gần đây bà con các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây và Xuân Hà của quận Thanh Khê đã nâng lễ Cầu ngư lên thành lễ hội. Ngoài phần nghi lễ, phần hội với những hoạt động như lắc thúng chai và các trò chơi khác được duy trì. Lăng thuyền trên đường Nguyễn Tất Thành được xây dựng năm 2009 trở thành điểm hội tụ của ngày lễ này. Ở các phường của quận Sơn Trà, trước đây chỉ có phường Mân Thái làm lễ Cầu ngư lớn, nhưng gần đây các phường như Thọ Quang, Nại Hiên Đông cũng bắt đầu tổ chức lễ Cầu ngư như một nét đẹp văn hóa cần duy trì.
Ông Cao Văn Minh, người “cầm trịch” các nghi lễ của đền thờ thần Nam Hải cửa khẩu sông Hàn, bày tỏ nỗi lo, liệu vài chục năm tới, lớp trẻ bám biển ít dần, thì những lễ nghi, những bài hát bả trạo có xuất xứ từ Hội An hàng trăm năm trước liệu có được giữ gìn nguyên vẹn. Và ông cất cao lời hát trong bài bả trạo Tuồng ông ngư: Kỉnh đưa một chiếc thuyền rồng/Buồm dương hai cánh trạo công một lòng/Án tiền hương đất đèn chong/Mái chèo lui tới song song hai hàng/Chèo xuôi mát mái nhịp nhàng/Thần linh tự tại vạn lòng ấm no.
Toàn thành phố hiện có 12 lăng/đền thờ cá Ông. Cả trăm năm nay tục thờ vị Thần Nam Hải này vẫn giữ. Và người miền biển tin chắc rằng, còn biển, còn những chuyến ra khơi thì tục thờ Thần này vẫn “ngấm” vào máu bao lớp cháu con…
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tục thờ cá Ông xuất nguồn từ người Chăm. Đối với người Chăm, cá Ông là một vị thần của Biển Đông được nhân dân kính cẩn. Trải qua sự bản địa hóa, tục thờ cá Ông trở thành tín ngưỡng của người Việt và cả người Hoa. Đối với người Việt và người Hoa, cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa biển. Mục đích của tục thờ cá Ông hình thành để cầu yên cho các ngư thuyền ra khơi đánh cá và mong được mẻ cá lớn. |
HOÀNG NHUNG