.

Giữ lửa nhiệt huyết

.

Đã 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, mỗi năm một đôi lần, những người cựu cán bộ Đoàn năm nào lại tổ chức gặp mặt cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đặc khu Đoàn (ĐKĐ) Quảng Đà.

Ông Trần Thận, nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy, kiêm Bí thư Đặc khu Đoàn Quảng Đà phát biểu tại cuộc họp mặt truyền thống những người cán bộ Đoàn năm xưa. Ảnh: T.Y
Ông Trần Thận, nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy, kiêm Bí thư Đặc khu Đoàn Quảng Đà phát biểu tại cuộc họp mặt truyền thống những người cán bộ Đoàn năm xưa. Ảnh: T.Y

Trong hàng trăm câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, được và mất, niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại thường lẫn những giọt nước mắt và nụ cười hạnh phúc.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với sự lớn mạnh của Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng (hơn 35.000 đảng viên), lực lượng Đoàn Thanh niên cũng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, có thời điểm lên đến hơn 10 vạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Nhưng cũng có thời điểm, chiến tranh khốc liệt, nhiều ĐVTN đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, chỉ còn vỏn vẹn 600 người.

Theo Ban Liên lạc Cơ quan ĐKĐ Quảng Đà, những năm 1956-1959, tại Quảng Nam-Đà Nẵng, nhiều cán bộ, đảng viên, ĐVTN bị địch dùng những thủ đoạn tra tấn cực kỳ man rợ như đóng đinh vào các đầu ngón tay, ngón chân, tra điện, đổ nước ớt, nước xà phòng vào mũi, miệng, mổ bụng, moi gan, thọc dao găm vào vú, mảnh chai vào cửa mình của phụ nữ… Trước tội ác man rợ của kẻ thù, giữa sự sống và cái chết, những con người ấy vẫn quyết tâm giữ cho ngọn lửa cách mạng trong mình hừng hực cháy.

Tháng 6-1966, Đại hội đại biểu Đoàn toàn tỉnh Quảng Đà được tổ chức tại một xã miền núi của huyện Đại Lộc, cùng với phong trào “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Đại hội phát động phong trào “Trải màu xanh trên đất quê hương thành đồng”, tập trung sản xuất lương thực cung cấp cho cách mạng và ổn định đời sống nhân dân vùng giải phóng. Tính đến cuối năm 1967, Quảng Đà phát triển được 4.557 đoàn viên, 7.308 đội viên thiếu niên tiền phong, đây được xem là lực lượng nòng cốt cho phong trào cách mạng.

Ông Trần Thận, nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy, kiêm Bí thư Đặc khu Đoàn Quảng Đà giai đoạn 1964-1965 cho biết, giữa lúc phong trào đồng khởi tại Quảng Đà lên cao, phong trào Đoàn ở Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực như phong trào Tuổi nhỏ chí lớn, Tòng quân Nguyễn Văn Trỗi, Lên cầu Vinh quang, xếp bút nghiên tham gia cách mạng… từng bước hình thành “vành đai diệt Mỹ”, tập hợp nhiều thanh niên yêu nước sống và chiến đấu dưới khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Thép đã tôi…

Trải qua 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đội ngũ cán bộ Đoàn đã được toàn Đảng, toàn dân dìu dắt, bảo vệ, đùm bọc che chở, tập hợp sức mạnh cùng thực hiện nhiệm vụ cách mạng, xây dựng cơ sở trong lòng địch. Ông Trương Công Trợ, nguyên Phó Bí thư Đặc khu Đoàn Quảng Đà nhớ lại: “Ngày 15-10-1964, sự kiện anh Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn đã làm cả thế giới vừa tức giận quân thù, vừa khâm phục bản lĩnh, ý chí của người cộng sản trẻ tuổi kiên trung.

Trong niềm tiếc thương Nguyễn Văn Trỗi, Khu Đoàn V phát động phong trào Thanh niên 5 xung phong, thực hiện 3 đợt tòng quân Nguyễn Văn Trỗi trên toàn Khu 5. Phong trào được cụ thể hóa bằng chương trình hành động “Lên cầu Vinh quang”, bắt đầu ở Bàn Thạch (Duy Xuyên), sau đó lan rộng đến chợ Phong Thử, Điện Bàn, vùng B Đại Lộc, Hòa Vang, Hội An… Nơi nào cũng hừng hực khí thế, thu hút 4.500 thanh niên tham gia. Khó ai có thể quên được hình ảnh cầu Vinh quang lộng lẫy, với chân dung Bác Hồ tươi cười vẫy tay như chào đón tuổi trẻ lên đường và chân dung anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi lúc ở pháp trường xử bắn.

Nhắc đến phong trào đấu tranh của thanh niên Quảng Nam-Đà Nẵng trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai không thể không kể đến phong trào biểu tình chống “bầu cử Tổng thống độc diễn” ngày 3-10-1971 trên đường Ông Ích Khiêm, gần chùa Tỉnh  hội.

Theo ông Đỗ Pháp, nguyên Phó Chủ tịch Tổng đoàn HSSV giai đoạn 1971-1972, dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng người cán bộ Đoàn, ĐVTN như ông lúc ấy ý thức sâu sắc rằng muốn gây tiếng vang mạnh mẽ thì cần phải tập hợp, huy động lực lượng hùng hậu của quần chúng, của thanh niên học sinh, của tất cả các giới, ngành tham gia. Ban Chấp hành Tổng đoàn HSSV chọn chùa Tỉnh hội Đà Nẵng làm “tổng hành dinh” chỉ đạo phong trào.

Tại đây, họ đặt loa phóng thanh hằng giờ phát đi tín hiệu, câu ca, hò vè tẩy chay trò hề độc diễn với nội dung “Mồng năm, mười bốn, hai ba/Cũng không xui xẻo bằng ba tháng 10”, cho in và phát hành hàng vạn tờ truyền đơn, tờ bướm kêu gọi các giới đồng bào tẩy chay cuộc bầu cử Tổng thống “độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu. Kết quả, trong ngày 3-10, các điểm bỏ phiếu trong trung tâm thành phố hầu như bị tê liệt vì không có người đi bầu, nhiều địa điểm bỏ phiếu bị đốt sạch ngay từ sáng sớm, những cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trên khắp các đường phố.

Lúc này, bọn địch điên cuồng phản kích, bắn phi tiễn, ném lựu đạn cay vào đoàn người, hàng trăm HSSV bị ngất xỉu nhưng vẫn không ngăn nổi làn sóng đấu tranh mãnh liệt. Có thể nói, đỉnh điểm của cuộc giằng co này là việc Nguyễn Bá Tần và Nguyễn Tam Vàng, hai học sinh Trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng (nay là Trường THCS Nguyễn Huệ) bị cảnh sát ngụy bắn thiệt mạng trong lúc diễn ra biểu tình. Tất cả những điều đó càng làm gia tăng sự phẫn nộ, lan tỏa sâu sắc khát vọng tự do, tinh thần đoàn kết dân tộc trước sự ngang ngược, tàn bạo của kẻ thù.

Mỗi dịp nghe cán bộ Đoàn năm xưa kể những kỷ niệm thời chiến hay thời bình, xây dựng kinh tế mới, nỗ lực ổn định cuộc sống, luôn cảm giác dòng cảm xúc trào dâng trong họ. Trên trang nhất tập san Nổi dậy, số 2, phát hành tháng 10-1968 (hiện đang lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), có dòng chữ in to, rõ ràng “Sức ta là sức thanh niên. Thế ta là thế đứng trên đầu thù”. Ngần ấy, cũng có thể hình dung được sự rạo rực, nóng hổi ý chí đấu tranh của lớp lớp thanh niên, cán bộ Đoàn một thời năng nổ, nhiệt tình, tràn đầy trách nhiệm với dân, với nước.

Tinh thần ấy, ý chí ấy đã thấm vào máu của một thế hệ thanh niên.  Nói như cách của kỹ sư nông nghiệp Lê Khôi (nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Cộng Hòa (nay là xã Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam năm 1945): Suốt những năm 80, 90, gắn bó với nông dân Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi tận tụy đến từng xã, xắn quần lội ruộng, kiên trì hướng dẫn bà con cách gieo trồng, chăm sóc để cây phát triển tốt… Tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, hăng say, hướng tới lợi ích cộng đồng mà tôi có được chính nhờ “đã học và tôi rèn thái độ đó trong những năm tháng tham gia cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn địa phương”.

Với những thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, tuổi trẻ Đà Nẵng vinh dự được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng ba. Tuổi trẻ Trường THPT Phan Châu Trinh được tặng danh hiệu “Trường Trung học anh dũng”, 1 Huân chương Giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Giải phóng hạng ba, Chi đoàn trường được mang tên “Chi đoàn Anh dũng”. Trường trung học Bồ Đề được trao tặng danh hiệu “Trường Trung học quyết thắng”, “Chi đoàn quyết thắng” và 2 Huân chương Giải phóng hạng nhì…

TIỂU YẾN


(Bài viết có trích một số tư liệu từ cuốn kỷ yếu “Một thuở lên đàng” của Ban Liên lạc Cơ quan đặc khu Đoàn Quảng Đà).

;
.
.
.
.
.