Muốn cảm nhận văn hóa một vùng đất hay tính cách con người địa phương, không nơi nào lý tưởng bằng việc đặt chân đến những khu chợ truyền thống.
Những nụ cười luôn thường trực trên môi giữa người mua – kẻ bán tại những ngôi chợ Đà Nẵng. Ảnh: H.L |
Những nụ cười được trao – gửi, những món hàng nâng lên – đặt xuống trong sự tư vấn nhiệt tình của tiểu thương chắc chắn sẽ chiếm được tình cảm và để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Chị Đào Bích Liên, một người bạn từ Hà Nội gửi cho tôi bài tản mạn “Đà Nẵng tháng ba” của chị có đoạn “Ở Hà Nội, chất lượng dịch vụ rất tồi, trừ phi bước vào địa chỉ cao cấp. Song ở Đà Nẵng, tôi thấy mình được đón tiếp với sự ân cần tự nhiên, dù bước vào quán hay hỏi thăm qua đường, bạn đều được trả lời một cách tận tình, không sợ bị lườm, bị chửi hay bị đốt vía…”.
Cũng theo chị Liên, nếu ở Hà Nội, mọi người vào xem hàng nhưng không mua thì y như rằng sẽ bị chủ hàng đốt vía với thái độ khó chịu khi cho rằng mình bị “ám quẻ”, điều này không chỉ diễn ra ở chợ mà ngay một số cửa hàng lớn nằm tại khu vực trung tâm. Chính vì vậy, khi du lịch tại Đà Nẵng, chị rất thích tính cách hiền hòa, nhã nhặn của những người bán hàng ở chợ.
Có thể nói rằng, không gian chợ là bộ mặt giao tiếp của thành phố. Khách hàng, đặc biệt là khách du lịch có hài lòng, ấn tượng và yêu mến thành phố hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ người bán hàng. Một tiêu chí quan trọng trong phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng - Cử chỉ đẹp, sống văn minh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phát động đầu năm 2015 là “giao tiếp, ứng xử lịch sự, văn minh trong gia đình và nơi công cộng”, trong đó nêu cụ thể việc phụ nữ không nên sống thờ ơ, thiếu tình làng nghĩa xóm, không chửi thề, quát mắng, chèo kéo khách hàng, đặc biệt là khách du lịch…
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng cho biết, với mong đợi “hành động để đổi thay”, mỗi cử chỉ đẹp của phụ nữ Đà Nẵng là hành động cụ thể, là cách thể hiện trách nhiệm của mình để góp phần làm nên tính cách của phụ nữ Đà Nẵng nói riêng, con người Đà Nẵng nói chung, là văn hóa, văn minh riêng có của thành phố.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Phát, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trong Hội thảo “Đà Nẵng – Năm văn hóa, văn minh đô thị” tổ chức đầu năm 2015 nhấn mạnh cần xây dựng lớp người Đà Nẵng văn minh, lịch sự. Trong đó quan trọng nhất vẫn là môi trường giáo dục, tiếp đến là đoàn viên, thanh niên, người dân buôn bán, sau mới tới tầng lớp trí thức, cán bộ. Thái độ ứng xử của người buôn bán, đặc biệt là các tiểu thương ở các chợ sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một thành phố văn minh, lịch sự.
Ở khía cạnh nào đó, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức vì cộng đồng, là nơi con người ứng xử có văn hóa với nhau, cùng phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp… Do đó việc xây dựng tiêu chí giao tiếp, ứng xử lịch sự, văn minh trong gia đình và nơi công cộng của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chắc chắn sẽ tác động tích cực đến ý thức, thái độ của các mẹ, các chị tiểu thương. Từ những việc làm nhỏ đó sẽ góp phần xây dựng một lớp người Đà Nẵng nghĩa tình và mến khách.
HUỲNH LÊ