.

Bên trong ô cửa bé

.

Tôi đã viết về những cái ô cửa (ảnh) như thế này không phải chỉ một lần. Tôi bị ám ảnh bởi những cái ô cửa nhỏ tí xíu, trong một căn nhà tối om. Người Mông làm nhà trình tường chỉ có một cửa ra vào, mái lợp ngói âm dương, mỗi căn buồng đều trổ một ô cửa sổ. Nhưng ô nào cũng bé tí xíu. Có lẽ vì một quan niệm mang tính tâm linh nào đó, cũng có thể đơn giản chỉ vì cửa nhỏ thì mùa đông giữ ấm tốt hơn, hoặc đơn giản hơn nữa là với họ, ánh sáng lờ mờ như thế là đủ rồi.

Ô cửa sổ trong ngôi nhà của người Mông.Ảnh: Đ.B.T
Ô cửa sổ trong ngôi nhà của người Mông.Ảnh: Đ.B.T

Kiến trúc nhà ở của người Mông thực ra rất đơn giản. Thường có ba gian. Gian giữa làm phòng khách và nơi thờ cúng tổ tiên. Hai gian bên để ngủ và làm bếp. Nhà nào khá giả sẽ có sàn gác bằng gỗ, dùng làm nơi cất trữ ngô, lúa, đậu. Sàn gác cũng có thể có ban công chìa ra để phơi phóng quần áo, phơi ngô hoặc đậu tương. Nhưng người ta không ngủ trên gác vì luôn có khói bếp, bồ hóng. Nếu bạn vào nhà của người Mông, ở gian giữa, nhìn lên trên tường có dán một tờ giấy bản, và một cái lông gà, thì đó chính là nơi thờ tổ tiên. Chỉ đơn giản vậy.

Kiến trúc thì đơn giản, nhưng phong tục thì phức tạp, cầu kì. Suốt cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc qua đời, một người không biết phải trải qua bao nhiêu cái lễ. Lễ nào cũng dăm bảy công đoạn. Người Mông coi trọng sự sống, và cũng coi trọng cái chết.

Lại nói cái ô cửa. Trong một cuốn sách, tôi hình dung nhân vật của tôi, cô ấy phải đi qua một đoạn đời giống như địa ngục, trong một căn buồng mà toàn bộ thế giới bên ngoài chỉ là cái ô cửa trăng trắng, mờ mờ, bé xíu. Trời mùa đông không có nắng, sương mù giăng kín, khoảng sân càng hẹp lại, bờ rào đá biến mất trong mù mịt. Chính vì thế mà tinh thần cô càng bị bó chặt lại, thít lại, cộng với những đau đớn thể xác khiến cô có lúc gần như không muốn thở nữa. Và ngày lại ngày, cô ngồi trong bóng tối nhìn ra ngoài qua cái ô cửa bé bé, trắng trắng kia, cố níu giữ lại một niềm hi vọng mong manh. Cố gắng để không tuyệt vọng. Không ai ngoài cô biết rằng cái ô cửa kia có ý nghĩa thế nào.

Sau này câu chuyện ấy thành phim, cô diễn viên vào vai nhân vật của tôi có lúc bật khóc nức nở vì không chịu nổi áp lực tinh thần từ nhân vật mà mình hóa thân, tới mức đòi bỏ tất cả để về lại thành phố. Tôi đã biết rằng cái cảm giác mà mình hình dung khi đặt nhân vật ngồi ở trong bóng tối ấy đã trở thành cảm giác của diễn viên. Đấy cũng là một trong những cảnh, những khung hình thành công nhất của bộ phim.

Và lần nào quay về, tôi cũng ghé ngôi nhà này. Cũng ngồi ở chỗ cô gái của tôi đã ngồi, và nhìn ra ô cửa. Và cũng chỉ có tôi biết rằng tôi cũng từng có một ô cửa bé tí xíu như thế, nhưng nó không nằm trên tường mà nằm trên mái nhà. Bố tôi đã dỡ hai viên ngói và thay vào đấy một tấm kính, để ban ngày lúc nào trong nhà cũng có ánh sáng tự nhiên. Và cả ban đêm, những đêm rằm trời trong, khi cả nhà đã ngủ tôi lại bò dậy, kê một cái ghế, và ngồi ngửa mặt lên nhìn bầu trời qua ô kính. Trên đấy lọt vào một vài vì sao.

Tôi đã nảy ra bao nhiêu ý nghĩ mộng mơ đẹp đẽ về một thế giới rộng lớn ngoài kia, bầu trời bao la trên kia. Những mộng mơ sau này đưa tôi ra khỏi khu rừng.

Những cái ô cửa trong ngôi nhà của người Mông có lẽ cũng mang tới bao nhiêu mơ ước cho các cô gái nhỏ. Con gái Mông lấy chồng sớm, làm mẹ sớm. Tuổi thanh xuân trôi đi rất nhanh, rất nhanh. Những bông lê còn chưa nở bung hết cánh đã vội đậu quả. Quả non bấy, nhưng bắt lớn thì cũng phải lớn, bắt chín thì cũng chín thôi. Lúc nào nhìn ô cửa này tôi cũng tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu như người ta làm nó to ra. To gấp hai gấp ba lần? Ánh nắng ngoài kia sẽ ùa vào mỗi buổi sáng sớm mẹ già quãi ngô ra sân cho đàn gà mẹ gà con lúc túc ăn no; Những cơn gió mạnh mẽ của mùa đông giá cũng sẽ gào rít ầm ào hơn mỗi khi muốn giật tung cánh cửa; Và bóng dáng của chàng trai nào đó với cái mũ nồi màu đen quen thuộc sẽ lấp ló nhiều hơn bên ngoài hàng rào rụng đầy cánh hoa kia.

Tôi leo cái cầu thang đầy bồ hóng để lên căn gác. Mùi đậu tương mới thu hoạch còn thơm ngai ngái khắp cả không gian rộng mà thấp lè tè. Mạng nhện giăng đầy trên mái. Ở ngay bậu cửa có một cuộn chỉ màu xanh lá ai đó đánh rơi. Con gái Mông thích thêu thùa may vá. Giờ thì ra chợ mua là chính, nhiều, lại rẻ. Nhưng vẫn thích lẩn mẩn thêu thùa. Vài cái họa tiết trên tạp dề, cổ tay áo, nẹp viền áo. Sắp có chồng thì khâu cái áo tà pủ. Sắp có con thì thêu miếng địu… Trong lúc ngồi im lìm để đưa những đường chỉ thì có khi trong lòng đang rộn ràng như có một con chim nhỏ đập cánh và ríu ran hót. Cũng có khi mỗi đường chỉ lại mang bớt đi một phần buồn phiền trĩu nặng nào đó…

Tôi không tin rằng người ta chỉ có thể hạnh phúc nếu không bao giờ buồn. Giá trị của nỗi buồn mang lại chính là để chúng ta nhận ra ý nghĩa của niềm vui lớn đến đâu. Thế nên, xét cho cùng thì cái ô cửa kia to hay nhỏ chẳng quan trọng gì mấy. Điều đáng nói là khi ngồi ở bên trong nó nhìn ra thì người ta nuôi những ước mơ gì mà thôi.

Đỗ Bích Thúy

 

;
;
.
.
.
.
.