.

Tìm nhau trên phố

.

Là người quê lên phố ở, tôi hay lang thang đi tìm những ngõ nhỏ, những mái hiên, những cây to phủ lên mặt đường một bóng râm thật lớn. Tại những nơi đó, tôi bắt gặp một vài người, một vài nghề thật hay ho.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những lần lang thang trên đường, tôi tự hỏi liệu già đi có phải là sự thay đổi. Từ “già đi” chỉ có nghĩa là yếu đi, sẩm màu hơn, khác hơn về bề mặt bên ngoài của một người, một sự vật chứ bản chất bên trong của sự vật ấy, con người ấy vẫn vậy. Nên theo sự cắt nghĩa nào đó thì “già đi” không hẳn là “thay đổi”. Tôi càng nhận thức rõ điều này khi gặp gỡ những người bán hàng rong già trên phố.

Nếu chúng ta là những dấu chấm câu, ngắn, nhan nhản và mờ nhạt thì những ông già bán rong chính là những dấu ba chấm đem lại một cảm giác thật dịu dàng. Chúng ta có thể từ một học sinh tiểu học sau đó lớn lên, trưởng thành rồi sinh con đẻ cái nhưng những người bán rong thì già đi rất chậm. Những ông già bán kem, kẹo kéo, những bác bán kẹo chỉ, bắp rang bơ… trên những chiếc xe đạp cũ, họ sẽ rong ruổi khắp phố phường với những tiếng leng keng quen thuộc.

Xóm tôi thường xuất hiện một ông thợ mài dao, mỗi lần đến sẽ rao như thế này: “Mài dao mài kéo đê, ai mài dao mài kéo”, một tiếng rao vừa đủ, đều đều, như cách ông chầm chậm quét lưỡi dao tì lên viên đá mài khuyết hình mặt trăng, ông làm với tốc độ vừa phải, thỉnh thoảng dừng lại rưới lên đấy vài giọt nước, sau đó lấy ngón tay của mình bật qua lại trên lưỡi dao để kiểm tra độ sắc. Gần đây, tôi hay gặp ông đứng ở ngã ba phía chân cầu để đợi khách. Có lẽ ông đã quá già nên không còn đủ sức để đạp xe nhiều như trước nữa. Ông đứng đó, gầy guộc và trầm lắng.

Tôi luôn nghĩ những người hay hoài cổ chính là những người biết trân trọng cuộc sống nhất. Những điều đẹp nhất của ngày đang sống hay những điều xưa cũ dung dị bình thường đều được họ cất công đi tìm, gọi tên và níu giữ cẩn thận. Ba chồng tôi là một người như thế. Một dạo, ông nhờ tôi đem chiếc áo măng-tô màu nâu bò đi sửa vì hỏng cúc. Đó là quà của một người bạn ở Đức có dịp về nước đã tặng ông. Theo chỉ dẫn của ba, tôi tìm đến cửa - hàng - đặt - dưới - gốc - cây. Dưới gốc cây bàng, bác thợ đặt một chiếc ghế gỗ cao tầm sáu bảy mươi phân, 4 chân ghế đã mục đến nỗi chủ nhân phải “vá” cho nó bằng những thanh tre, thanh sắt, dây cước, dây thép. Đặt lên trên ghế là một chiếc máy “photocopy” chìa khóa. Lủng lẳng hai bên thân ghế treo những phôi chìa, ổ khóa tượng trưng.

Dưới đất đặt thêm một chiếc két sắt, loại két mà hồi xưa ở quê bà tôi hay gọi là két đạn, bác chất vào trong đó những loại dụng cụ lặt vặt như dao, kéo, keo dán, kim chỉ và một vài mảnh vải. Nhìn đơn giản và tuềnh toàng thế nhưng bác thợ đã hành nghề được gần 30 năm. Ngoài đánh chìa, bác có thể sửa bút máy, vali, dán áo mưa, sửa mũ bảo hiểm, sửa áo quần,… Khi nghe tôi hỏi trời mưa bác sẽ trú ở đâu, bác cười hiền rồi chỉ tay vào quầy bán hoa tang lễ bên cạnh. “Nếu khách đến không thấy thì họ sẽ gọi điện thoại, mà đa phần đều là khách quen, họ sẽ tìm thấy tôi ngay thôi”, bác nói thêm.

Những người thợ đường phố tuổi nghề không ít, ai cũng trên dưới 30 năm nên nhiều khách quen lắm. Có khi mấy thế hệ trong gia đình đều quen. Như bác cắt tóc với đồ nghề là một chiếc gương, lược, hai chiếc tông-đơ, dao cạo, vài chiếc khăn, bộ lấy ráy tai. Những lúc vắng khách, bác cứ nằm trên võng đu đưa nhè nhẹ, mắt nhắm lim dim. Những tia nắng chiều xuyên qua tán lá hết đậu lên mặt rồi lên cánh tay, từng con nắng như đang chuyển bước theo mỗi dịp võng đưa. Người đi đường có lẽ chẳng ai nhận ra điều đó. Vào những ngày bác nghỉ, khách đến sẽ tìm chủ thông qua mấy chú xe thồ hay những bà bán nước bên cạnh.

Những người đó sẽ kể vanh vách nhà bác ở đâu, bác đang mắc chứng thấp khớp đến nỗi không thể đứng lâu nhưng vì kiếm sống và nhớ nghề, nhớ khách mà phải mắc võng dã chiến như thế nào. Nghe vậy, có những người sẽ đi tìm quán mới, nhưng cũng có nhiều người hẹn lại tuần sau. Thế mới nói, dù chỉ là một chiếc ghế nhỏ gá tạm ven đường nhưng nhờ cảm giác thân thuộc và chu đáo mà níu mến thương ở lại, trong lòng khách và thợ vốn đã có nhau. Như bác đánh chìa sửa áo kia, đành rằng cũng là một kiểu kinh doanh thu lợi nhưng sau mỗi lần nhìn khách thở phào vì đánh được chìa khóa mở cửa nhà hay sửa sang, cứu được một món đồ quý giá - chí ít là về mặt kỷ niệm, thì trong đáy mắt bác ấy chắc hẳn cũng sẽ dâng lên một nụ cười ấm tươi vui.

Giữa nhộn nhịp phố phường, giữa ngày qua rất vội, những nụ cười và niềm vui nhỏ bé ấy, những việc đi tìm nhau không vội ấy, đó hẳn là một sự cần thiết mến thương.

Diệu Thông


 

;
;
.
.
.
.
.