“Mẹ lên với Khải đi. Ở nhà có Hưng với cô bác làng xóm, có chuyện gì con sẽ gọi ngay cho mẹ”.
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG |
Chị nói, không hiểu sao có chút sợ khi nhớ đến vẻ mặt trăm năm không cười của Khải, cũng thừa biết nếu có chuyện gì, chị sẽ không bao giờ gọi ngay cho mẹ, thật ra là không dám. Mẹ lên đó cũng bận bịu chứ đâu phải lên chơi, gọi mẹ chỉ làm mẹ thêm khó xử. Hình như mẹ cũng nghĩ thế nên đắn đo, do dự lắm, chị phải thêm một “đòn” nữa:
“Có khi nào vợ chồng Khải cần mình chuyện gì đâu, nay hẳn bí lắm mới nhờ, mẹ nghĩ ngợi làm gì?”
Mẹ vội thu xếp áo quần, còn ra sau chặn kỹ cửa chuồng gà để sáng mai bắt thịt mang lên cho vợ chồng Khải. Chị ôm bụng sang hàng xóm, may có được hơn chục trứng gà so, chị gói riêng từng quả trong mấy lớp giấy báo, còn cẩn thận bỏ trong bịch trấu. Mẹ đi vội nên chỉ mang theo được hai con gà, mấy chục trứng với quả bí xanh và túi rau lang vườn. Khải thích rau lang xào tỏi.
Vợ Khải sinh xong có dấu hiệu trầm cảm, phải đi bệnh viện. Là chị nghe thì biết vậy chứ chị có biết trầm cảm là gì. Khải nách con nách vợ, có người giúp việc nhưng không yên tâm được, thằng bé vắng mẹ cứ nhèo nhẹo suốt.
Chị biết bất đắc dĩ lắm Khải mới gọi về. Chị còn hơn tháng nữa mới sinh, hy vọng khi ấy bệnh mợ khá lên, hẳn là bệnh nghiêm trọng vì ở làng chưa nghe ai mắc bệnh đó. Đàn bà trong làng đẻ xong là ra đồng ngay được, nghe mẹ kể ở làng ngày trước có bà Mừng, đẻ rơi con ngoài ruộng nhưng vì chưa cấy xong nên cởi áo ngoài quấn con, cố cho xong mấy bó mạ mới ôm con về nhà.
Từ bé, Khải không phải đứa trẻ hay nói, đặc biệt với mẹ con chị. Trong ngôi nhà của bố mẹ Khải cùng nhau xây dựng, Khải như ông chủ nhỏ, còn mẹ con chị là người ăn nhờ ở mướn chẳng có chút máu mủ nào. Không biết ai đã nói với Khải chuyện đó, chỉ đến khi lớn chị mới biết, mới vỡ những trò Khải bày ra trêu tức mẹ, hành hạ chị khi bé, đều có nguyên nhân. Có điều, chị luôn thấy mẹ đối xử với Khải một cách gượng nhẹ, nơm nớp đầy âu lo.
Khải nói chị đần. Chị luôn sợ Khải. Chị không dám nhận mình là chị Khải hay là người nhà dù ngày hai buổi khòm lưng mang cặp sách cho Khải, tan học sớm phải đợi Khải cùng về. Khi cần, Khải thản nhiên xé giấy trắng ở vở chị, lấy bút thước, xúi bạn đánh chị, xô chị xuống ao,… Chị âm thầm chịu đựng, không dám mách mẹ, chỉ bảo bị ngã.
Thế mà mẹ lại tin. Mẹ dặn đi đứng nhìn ngó cho cẩn thận, thấy gì tránh được thì tránh, trốn được thì trốn. Chị lờ mờ nghĩ hình như mẹ đang bóng gió gì đó, có thể là với cậu con trai đang uồm uỗm múc nước rửa chân ở đằng kia. Nước giếng, gánh ê vai mới đầy mấy cái chum, chị thấy xót lại không dám nhìn lâu. Nhưng ngày mai, chị vẫn về nhà với hai cái cặp và quần áo bê bết đất bùn, có hôm tóc bị cắt mất một đoạn nhưng nước mắt chỉ ầng ậng dâng đến nửa, không dám rơi ra ngoài giọt nào.
Chị đau bụng vào giữa khuya, cơn đau làm chị vã mồ hôi. Chị biết đã đến lúc rồi dù lúc lướt mắt qua tờ lịch treo tường có hình cô diễn viên, chị thấy còn nửa tháng nữa mới tới ngày. Chị cắn răng mạnh vào môi để giữ bình tĩnh, cố sức đạp Hưng mấy cái mà anh vẫn ngủ say như chết. Chị gắng gượng ngồi dậy, hít thở những hơi dài, vỗ về cái bụng cứ gồ lên thành cục, còn kịp thay quần áo, lau sơ người mới tự mình đạp xe ra trạm xá với cái giỏ nhựa buộc phía sau, vừa đạp xe vừa giữ cái đèn pin. Trên đường đi, nước mắt chị cứ chảy, không biết vì đau, vì sợ, vì nhớ mẹ, vì giận Khải hay ức chồng.
Nhà Hưng nghèo, lại đông anh em nên Hưng mới chịu ở rể. Hưng cũng tốt, mỗi tội chậm chạp và lười. Lần đầu chị dẫn Hưng về, mẹ đã nhẹ thở dài bảo “thằng bé được nết thật thà” khi Hưng nghe lời ăn hết dĩa thịt gà trống thiến hơn cân chín.
Hồi Khải cưới, chị không đi được do bị say xe, chỉ có mẹ lên. Cũng may là chị không đi vì chị không có cái váy nào, cũng không quen mặc váy. Hồi chị báo tin đám cưới là lần đầu tiên chị dám chủ động gọi cho Khải. Biết chú rể là Hưng, Khải hỏi.
“Không kiếm được thằng nào hơn à. Thằng ấy béo chút chít như chuột chù ấy!”
Chị cãi: “Giờ hết béo rồi!”
Khải hừ: “Vì nó đói thôi, được cho ăn no là lại béo ngay!”
Chị tức mình không nói nữa, Khải im một lát rồi bảo, “lấy nó cũng được nhưng phải dữ với nó, cứ đần ra nó coi là osin đấy!”. Chị hừ, đâu phải ai cũng có năng khiếu bắt nạt người khác như Khải.
Nhưng cúp máy rồi mà chị còn bần thần, có cảm giác rưng rưng vì được quan tâm. Đứa con gái không biết bố là ai như chị không có nhiều chọn lựa. Bốn tuổi, chị phải theo mẹ đi lấy chồng. Chồng mẹ có sẵn con trai hơn hai tuổi. May mắn là bố dượng thương mẹ và quý chị, nói Khải phải quan tâm chị, chị nhỏ con và ở xa mới tới, bạn bè có bắt nạt chị thì “mày cứ xử đẹp cho bố!”. Thế mà có ai bắt nạt chị ngoài Khải.
Những tưởng hạnh phúc cứ kéo dài mãi, nhưng ở cùng chưa được hai năm, ông đột ngột mất vì bệnh. Còn có lời đồn mẹ con chị vì tham cái nhà. May có chú của Khải đứng ra nói anh mình có bệnh sẵn, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Mẹ một mình gồng gánh hai đứa trẻ. Khải ngông nghênh và bất cần, hầu như không ngày nào không gây chuyện. Mẹ luôn tất tả đạp xe đến trường, vừa đi vừa cúi người gỡ ống quần đang xắn giữa bắp chân, nhận lỗi với mọi người là chưa chăm sóc Khải chu đáo.
Biết chuyện chị lấy Hưng, người ta xì xèo, “con bé ấy cũng hiền lành, mỗi tội…”. Câu nói bỏ lửng luôn làm chị đau đớn, mỗi tội không có bố hay đần? Nếu nhà Hưng không nghèo thế và có đến tám anh chị em, chắc gì Hưng đã để ý đến chị. Và Khải, dù từ lâu không về cũng là “tấm bùa” hộ mệnh của mẹ con chị. Nghe nói người làng lên thành phố đã gặp Khải, cậu oai vệ và lịch lãm khi bước xuống từ chiếc ô-tô đen bóng.
Chị sinh ngay trong đêm, sinh một mình và nhanh đến mức cô hộ lý trực trạm xá chưa kịp gọi người đưa chị đi bệnh viện. Đứa trẻ cũng dễ chịu, e é khóc mấy tiếng rồi ngủ. Chị cũng ngủ thiếp đi, sáng dậy mới nhớ mình đã sinh rồi, thế mà chẳng nhớ gì, chỉ thấy đói. Chị quyết định không báo tin cho mẹ, mai kia về mẹ biết sau cũng được. Mẹ ở trên ấy lạ nước lạ cái với đứa trẻ khó tính cũng mệt.
Hưng đã đi làm từ sớm nên người ta không tìm được anh. Anh vẫn chưa biết mình đã làm cha, sáng dậy không thấy vợ cũng không hỏi han tìm kiếm, úp gói mì tôm, ăn xong quăng bát đó rồi đi làm. Người gì mà đần, tưởng chị đần đã đủ, Hưng còn đần hơn, người gì chỉ cần đến bữa được ăn no là mừng, chẳng cần ăn ngon. Càng nghĩ, nước mắt chị càng chảy, nghĩ dại nếu đêm qua chị không may cả mẹ cả con có chuyện gì đó thì Hưng cũng ăn xong bữa cơm rồi mới đến. Quầng sáng cửa phòng đột nhiên bị che khuất, chị giật mình gạt nước mắt, thấy mẹ đang đứng đó, phía sau là Khải, mặt mũi lạnh te. Không hiểu sao chị sợ hãi co rúm người như thể mình làm gì có lỗi.
“Con đạp mấy cái mà anh ấy không tỉnh. Sáng nay chắc vội đi làm”
Người ta mở nhà máy ở cánh đồng sát lộ, Hưng được nhận vào làm, lương không cao nhưng ổn định hơn làm ruộng. Giờ chị đã sinh xong, con khỏe mạnh nằm đó, cũng chẳng cần Hưng về, cứ đi làm đều cuối tháng lấy tròn lương, nghỉ một ngày, nửa buổi lại bị trừ mất mấy chục nghìn tiền chuyên cần cũng phí.
Khải nhìn quanh căn phòng cũ kỹ rồi quay người đi rất nhanh. Chị thấy tủi thân, đã về đến đây rồi còn không nhìn cháu một cái, cũng có con rồi chứ còn trẻ trung gì. Bao nhiêu năm không về còn gì. Mẹ thở dài, cưng nựng thằng bé:
“Nhận điện thoại là nó đưa mẹ ra bến xe ngay. Cả đường mặt cứ hầm hầm không nói câu nào”.
“Ai gọi cho mẹ?”.
“Thím Liên, chị hộ lý khi sáng có nhờ thím về gọi thằng Hưng, thím tìm không thấy nên gọi cho mẹ”
“Vợ con cậu ấy…”.
“Đỡ hơn rồi. Thằng bé khó tính lắm, cứ đêm ngủ ngày khóc, trật trìa mãi mới đút cho được tí sữa, mẹ nó cũng vất vả”.
“Đợi con giáp tuần, mẹ lại lên với cậu ấy đi. Ở quê còn có làng xóm. Hay mẹ về dọn cái nhà, nói cậu ấy đưa vợ con về đây, con thấy người ta hay về quê nghỉ ngơi đấy!”.
Rồi chị lại cười, vợ con Khải dễ gì chịu ở cái nhà cũ nát tường vôi bở bùng bục này. Khải đi ô-tô, ở nhà tầng, nhà có người giúp việc còn gì.
Khải quay lại, mu bàn tay xước xát rớm máu, nói bị va vào tường. Chị nhíu mày, có ai va tay vào tường mà đổ máu vậy không? Khải đưa cho chị túi đồ to tướng có tã giấy, sữa bột. Mẹ nói nhỏ:
“Mua làm gì cho phí, ở quê mấy ai dùng thứ này”.
Khải không nói, chỉ quắc mắt, mẹ cũng im luôn. Chị tò mò không biết vợ Khải là người thế nào mới có thể chịu được tính tình khó chịu của Khải. Từ ngày Khải đi học xa, chị ngỡ mình sẽ thảnh thơi thoát nợ, hóa ra không phải, chị luôn nhớ đứa em không máu mủ, không chút giận hờn khi bị Khải ăn hiếp. Khi đó, chị còn mẹ nhưng Khải hoàn toàn không có ai bên cạnh. Từ ngày lên thành phố học, Khải không về nữa. Thi thoảng mẹ lên thăm, chị chỉ dám gửi theo ít rau củ hái vội ngoài vườn.
Tối, Hưng đến với gương mặt bầm tím, một cái răng bị gãy, nói ngã xe, nói mà không nhìn ai. Chị có cảm giác Hưng đang nói dối, nhưng lại không biết dối chỗ nào.
Chị về nhà, căn buồng của chị sau ba ngày đi vắng đã khác hẳn, cửa sổ bấy lâu đóng kín giờ bật tung đón nắng gió, nhiều đồ mới lạ để quanh giường. Mẹ hí húi sau nhà với tiếng băm lách cách, chị sửa lại cái khăn quấn cho con:
“Vườn sau nhiều rau lang non lắm!”.
Khải dựa lưng vào tường cứ thế nhìn làm chị thấy sờ sợ y như ngày bé.
“Mai lên với mợ đi kẻo mợ trông, đưa mẹ đi cùng coi có gì mẹ phụ cho, hái rau lang với đậu cove mang đi. Thím Liên nói ăn lợi sữa lắm!”.
Khải móc túi lấy ra cái phong bì giống bao lì xì đỏ dúi dưới chiếu chỗ thằng bé. Chị xua tay:
“Anh Hưng làm công nhân có tiền mà, chị tự lo được”.
“Tự lo là nửa đêm một mình vác bụng đi đẻ hả?”, Khải quát bằng chất giọng khàn khàn, mắt Khải vằn đỏ. Chị có chút tủi thân, bao năm đi biệt, vừa gặp đã quát tháo, vẫn kiểu bắt nạt như ngày bé. Chị lờ mờ nhớ đến những vết bầm tím trên mặt Hưng, về vẻ rón rén của anh từ hôm qua, vào nhìn con một lúc rồi bảo bên nhà có việc gọi về và mất hút.
Khải hậm hực:
“Mai mốt có chuyện gì phải nói! Đần vừa chứ!”.
Khải lịch kịch bỏ đi. Chị thừ người nhìn theo dáng lưng cứng ngắc, lại mỉm cười nhìn thằng con đang say sưa ngủ. Mặt mũi quạu đeo, nói năng cấm cảu vậy đó nhưng trong lòng ấm áp lắm. Con ngủ ngoan, mẹ đi hái cho cậu ít ngọn rau lang. Mai kia lớn đừng đần như ba mẹ, cũng đừng như cậu. Yêu thương ai cứ phải thẳng thắn nói cho người ta biết, nghe chưa?
NGUYỄN THỊ THANH BÌNH