Tôi ngắm Đà Nẵng với vẻ đẹp thanh bình của phố giữa lòng núi sông, với sự giao thoa hài hòa giữa lịch sử - hiện tại trong lòng phố. Tôi vẫn như nghe vang vọng đâu đây lời thì thầm của dòng sông Hàn, của Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải…
Đêm qua, một trận mưa giông đến và đi thật nhanh, nhưng cũng đủ để lại những vệt nước vấn vương trên lá, trên cây, trên từng ô cửa kính và mơn man cả trong làn gió mát dịu nhẹ của buổi sáng sớm nay. Có lẽ khoảng thời gian lắng lòng nhất trong một ngày dài bận rộn là lúc như bây giờ - đến cơ quan sớm hơn mọi khi và tận hưởng cảm giác thư thái cùng tách cà phê nóng bên ô cửa kính. Không gian trước mắt trở nên rộng mở hơn với tầm nhìn từ trên cao, cảm nhận rõ cái bừng sáng của từng con đường trong ánh nắng sớm mai, cái óng ánh phản chiếu từ dòng sông Hàn uốn lượn nhẹ nhàng quanh thành phố. Nằm song song với bờ sông thơ mộng, cách đó không xa là những bức tường thành rêu phong, cổ kính của một di tích lịch sử quan trọng của Đà Nẵng - Thành Điện Hải.
Khu di tích Thành Điện Hải trở thành điểm nhấn trong không gian văn hóa - lịch sử của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN |
Bên cạnh những nét hiện đại của một thành phố trẻ trung, năng động, thành cổ Điện Hải hiện ra như một nét suy tư, trầm mặc giữa lòng phố. Con hào sâu khoảng 3m bao quanh thành như sóng sánh mặt nước hơn sau trận mưa đêm qua, từng đám rêu xanh bám chặt trên tường, trên nền gạch cũng như đậm màu, rõ nét hơn. Thành có dạng hình vuông với 4 góc lồi. Xung quanh thành là hệ thống hào rộng và sâu, có cầu bắc qua để ra vào. Thành có 2 cổng ở phía đông và phía nam với chu vi 556m, có tường cao hơn 5m, các hào chia tách hai lớp tường với nhau. Theo tài liệu lịch sử, Đồn Điện Hải được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (1813), đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823) được dời vào trong đất liền và đến năm Minh Mạng thứ 15 (1835) được đổi tên là Thành Điện Hải. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn.
Có thể nói, ngoài Cố đô Huế, Thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn lại ở miền Trung. Tôi nhớ như in cảm giác khi tham gia “Hành trình về nguồn tháng 7” cùng các đoàn viên, thanh niên của trường học tham quan Thành Điện Hải. Chỉ mới dừng chân ở cột chỉ tên đường có giá trị lịch sử hàng trăm năm (ở ngã ba đường Bạch Đằng và đường Thành Điện Hải ngày nay) mà dường như những trang sử hào hùng về tinh thần bất khuất, kiên cường của quân và dân Đà Nẵng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đang từ từ mở ra trước mắt.
Bước vào không gian thành, từ bức tường thành cổ kính, từ cành cây ngọn cỏ đến mỗi hiện vật đều như đang kể cho mọi người nghe câu chuyện về ngày 1-9 năm ấy - năm 1858 - khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ tiếng súng đầu tiên vào Đà Nẵng. Thành Điện Hải trở thành tiền đồn để quân dân ta kìm chân quân giặc trong hơn 1,5 năm. Nơi đây đã lưu giữ những dấu tích sinh động về truyền thống đấu tranh chống Pháp anh dũng của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Theo thời gian, cùng với quá trình hiện đại hóa nhanh và mạnh như hiện nay, Đà Nẵng trên bước đường phát triển vẫn giao hòa trong lòng phố cả nét truyền thống lẫn nét hiện đại, vẫn ấp ôm, gìn giữ và trân trọng những giá trị lịch sử thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Bên cạnh nhiều di tích lịch sử như: Di tích quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang, Di tích quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh, Di tích quốc gia Khu căn cứ cách mạng K20, Di tích cấp thành phố Khu căn cứ lõm B1 Hồng Phước…; Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải luôn được thành phố Đà Nẵng quan tâm bảo tồn để tôn vinh và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại.
Đến nay, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (2017-2019) dự án trùng tu, tôn tạo di tích Thành Điện Hải, xung quanh di tích Thành Điện Hải ở phía tây và phía bắc đã trở nên thông thoáng hơn nhờ những công viên được xây dựng trên nền những nhà dân trước đây xâm lấn vào di tích; cũng nhờ đó, hình dáng thành với kiến trúc Vauban của phương Tây được phục hồi nguyên vẹn. Cùng với sự đổi thay đáng kể của đôi bờ sông Hàn và khu vực đường Bạch Đằng - Trần Phú xưa và nay, Khu di tích Thành Điện Hải đã trở thành điểm nhấn trong không gian văn hóa - lịch sử của thành phố. Năm 2020, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2022).
Chắc chắn rằng, những quyết sách trên của thành phố cũng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, như truyền thống trước nay của người Đà Nẵng - chính quyền và nhân dân đồng lòng đồng thuận, để rồi có một cây cầu xoay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam bắc qua sông Hàn; để rồi có một không gian đô thị lung linh và hiện đại như ngày nay.
Được làm việc ở một tòa nhà cao tầng trong thành phố, mỗi ngày tôi đều ngắm Đà Nẵng với vẻ đẹp thanh bình của phố giữa lòng núi sông, với sự giao thoa hài hòa giữa lịch sử - hiện tại trong lòng phố. Tôi vẫn như nghe vang vọng đâu đây lời thì thầm của dòng sông Hàn, của Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải… kể về những câu chuyện đáng tự hào của thành-phố-tôi-yêu, một thành phố biển xinh đẹp, năng động, phát triển nhưng vẫn luôn gìn giữ, mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử bất diệt.
ĐỖ LAN HƯƠNG