Một trong năm lĩnh vực được Đà Nẵng ưu tiên phát triển là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công nghệ thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng), một trong những dự án có sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: THÀNH LÂN |
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cho biết như trên tại hội thảo “Phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng” do Ban phối hợp Dự án Aus4Innovation (chương trình phát triển do Bộ Ngoại giao Úc, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) quản lý và đồng tài trợ) tổ chức ngày 23-11.
Theo bà Phương, đến nay, nhiều chương trình liên quan đến nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đã được thành phố Đà Nẵng ban hành. Theo đó, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống hạ tầng mạng, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn; môi trường sống chất lượng cao; Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có trí tuệ nhân tạo đến triển khai dự án tại thành phố.
Kêu gọi nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực AI vào thành phố Đà Nẵng, bà Huỳnh Liên Phương cho biết, hiện Khu Công nghệ cao Đà Nẵng là khu công nghệ cao duy nhất ở miền Trung- Tây Nguyên, là một trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia. Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ, thành phố có những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vượt trội.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn 2 khu công nghệ thông tin tập trung với các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cũng như thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc. Thành phố cũng quan tâm đến xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển của ngành công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.
Trong đó, mới nhất là ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Đà Nẵng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
TS. Ngô Đình Thanh, giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: LÊ VƯƠNG |
Theo Ths. Trần Thị Thùy Dương, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, những năm qua, UBND thành phố luôn chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển AI. Bên cạnh đó, thành phố không ngừng kiện toàn, tổ chức nhân lực công nghệ thông tin từ thành phố đến cơ sở. Hiện thành phố có 68 cơ sở, trường học đào tạo công nghệ thông tin; 100% phường, xã đã thành lập gần 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng với 13.000 thành viên; nhân lực công nghệ thông tin hơn 44.000 người.
UBND thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng AI, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong năm 2020-2022, sở đã phối hợp doanh nghiệp, tổ chức thành lập nhiều vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo; ươm tạo được 147 dự án, 57 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
TS. Ngô Đình Thanh, giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhà trường chú trọng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu, đào tạo nguồn sinh viên trong lĩnh vực AI cho khu vực miền Trung và cả nước. Thời gian qua, sinh viên, giáo viên nhà trường đã nghiên cứu nhiều đề tài, dự án sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ được đánh giá cao, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Nhà trường chủ động kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để phát triển dự án nghiên cứu các dự án trên lĩnh vực AI phục vụ cho thành phố.
Về định hướng chiến lược và chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực AI, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Lý Hoàng Tùng cho rằng, Đà Nẵng cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống. Thành phố cũng cần thúc đẩy chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ để nghiên cứu, phát triển các ứng dụng AI.
Ngoài ra, địa phương chú trọng phát triển nguồn nhân lực ứng dụng AI và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên; đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về AI và khoa học dữ liệu tại một số trường đại học...
THÀNH LÂN - LÊ VƯƠNG