Điểm đến Đà Nẵng

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

.

Công tác cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của Sở Du lịch đạt nhiều kết quả tích cực. Việc giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao theo hướng đơn giản, minh bạch hóa, tăng cường cung ứng dịch vụ công trực tuyến…, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hình ảnh ngành du lịch thành phố.

Công tác cải cách hành chính của Sở Du lịch thay đổi đáng kể nhờ ứng dụng công nghệ. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” thuộc Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: PHÚC LÂM
Công tác cải cách hành chính của Sở Du lịch thay đổi đáng kể nhờ ứng dụng công nghệ. TRONG ẢNH: Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” thuộc Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: PHÚC LÂM

Sở Du lịch luôn xem công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là động lực quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành du lịch. Nhờ đó, công tác CCHC của sở có những tiến bộ rõ nét, thể hiện qua sự tăng điểm chỉ số và xếp hạng so với các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố. Năm 2021, sở tiếp tục được xếp loại Xuất sắc, giữ vững vị trí xếp hạng thứ 3/21 đối với khối sở, ban, ngành, được UBND thành phố tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc trong công tác cải cách hành chính.

Sở Du lịch cũng triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, đến nay, 100% thủ tục hành chính của sở đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (mức độ cao nhất trong dịch vụ công trực tuyến), cho phép nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến; số lượng hồ sơ nộp trực tuyến đạt tỷ lệ 100%.

Đặc biệt, sở là một trong 5 sở, ban, ngành thành phố hoàn thành sớm việc triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; trong 10 tháng năm 2022, có 100% hồ sơ được giải quyết đúng và sớm hẹn (trong đó, số hồ sơ giải quyết sớm hạn đạt 90%).

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác CCHC, sở đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện thành phố triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Từ ngày 1-10-2019, sở thực hiện chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “Một cửa” cho nhân viên bưu điện.

Việc hướng dẫn, tiếp nhận và trả hồ sơ cho tổ chức, công dân mang lại hiệu quả rõ rệt, 100% ý kiến khảo sát chất lượng tại bộ phận “Một cửa” cho thấy đều hài lòng. Ngoài ra, sở cũng có nhiều ứng dụng phần mềm quản lý theo dõi công việc; nhóm quy trình giúp cải tiến, đổi mới công việc tại sở; phần mềm rà soát phục vụ công tác báo cáo tổng hợp; hệ thống hóa hồ sơ cán bộ, công chức. Việc ứng dụng QR Code trong cung cấp thông tin cũng là bước cải tiến đáng kể. Thay vì sử dụng tài liệu giấy thông thường, người dùng chỉ cần quét QR Code là sẽ có đầy đủ thông tin của các chương trình, hoạt động cần thiết.

Ngành cũng quan tâm đầu tư và triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch. Chỉ số ứng dụng CNTT của sở ngày càng được cải thiện. Nếu năm 2016, đơn vị đạt loại Khá (xếp thứ 17/24 sở, ban, ngành) thì đến năm 2021 đạt 99,58% điểm xếp loại Tốt (xếp thứ 2/24 sở, ban, ngành).

Trong ứng dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước, sở triển khai hiệu quả các phần mềm công vụ, thông qua dịch vụ công trực tuyến; sử dụng cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh để thay thế thành phần hồ sơ giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các thủ tục cấp phép hoạt động lữ hành, cấp phép hoạt động văn phòng đại diện lữ hành tại Đà Nẵng. Mặt khác, đã công bố và tích hợp 4 tập dữ liệu mở trên Cổng tích hợp dữ liệu thành phố (dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, khu điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch).

Trong giai đoạn dịch bệnh, sở cũng đã linh hoạt, chủ động ứng dụng công nghệ trong việc điều chỉnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến như tổ chức các hội thảo trực tuyến với các thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...; xây dựng các video truyền cảm hứng, quyết tâm phòng, chống dịch của thành phố.

Sở hợp tác với Kloock (nền tảng dành cho du lịch tự túc) xây dựng chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch đến các thị trường khách; hệ thống ứng dụng QR Code trong thông tin, giới thiệu các điểm tham quan, dịch vụ du lịch; phối hợp với các đơn vị truyền thông lớn để đặt hàng các sản phẩm quảng bá online, định hướng việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ CNTT với doanh nghiệp du lịch…

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch đã thu được kết quả đáng kể như xây dựng, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch (Danang FantastiCity); cổng thông tin du lịch Đà Nẵng bằng 5 ngôn ngữ; phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok; Chatbot; hội chợ trực tuyến, hệ thống du lịch ảo “Một chạm đến Đà Nẵng”...

Với việc triển khai tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đã góp phần đưa Đà Nẵng lọt vào top điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022 do trang Trip Advisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) bình chọn và xếp thứ 3 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á năm 2022.

Trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án “Chuyển đối số” của thành phố, sở đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho công chức, viên chức của sở và các tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số trong hoạt động du lịch dành cho các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú.

PHÚC LÂM

;
;
.
.
.
.
.