Sẻ chia với người cùng cảnh

.

ĐNO - Bản thân là người khuyết tật nặng, song ông Nguyễn Văn Tân (57 tuổi) - Phó Chủ tịch Chi hội Người khuyết tật quận Thanh Khê dường như “quên” mất điều đó. Ông luôn hết lòng, hết sức giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Đối với ông Nguyễn Văn Tân (phải), việc giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ chính là niềm vui cuộc sống. (Ảnh: Chi hội Người khuyết tật quận Thanh Khê cung cấp)
Đối với ông Nguyễn Văn Tân (bìa phải), việc giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ chính là niềm vui cuộc sống. (Ảnh: Chi hội Người khuyết tật quận Thanh Khê cung cấp)

Vốn làm thầu xây dựng, năm 1998, trận bỏng nặng toàn thân xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình mà ông Tân không bao giờ muốn nhớ lại đã biến ông từ người bình thường khỏe mạnh thành “phế nhân”.

Sau 4 tháng nằm viện, ông Tân được về nhà và không muốn gặp bất kỳ ai. Bẵng đi mấy năm trời sống trong tự ti, mặc cảm, đầu những năm 2000, ông Tân được người quen giới thiệu xuống Hội Người khuyết tật Đà Nẵng.

Được sinh hoạt trong bầu không khí thân thương, thắm tình của những người khuyết tật, ông Tân cảm giác mình như được hồi sinh. Đặc biệt, từ năm 2010, khi là thành viên của nhóm Cứu trợ trẻ em, chuyên trợ giúp những người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, cuộc sống của ông Tân trở nên thật ý nghĩa mỗi ngày.

Từ khi về sinh hoạt tại Chi hội Người khuyết tật quận (từ năm 2011) đến nay, với những kinh nghiệm hoạt động trước đó, ông Tân tìm cách vận động những người đồng cảnh tại địa phương vào sinh hoạt tại Chi hội thay vì thu mình, mặc cảm.

“Hãy cho mọi người thấy, chúng ta vẫn là những người đang sống, vẫn là những tế bào hữu ích của xã hội. Mọi thứ do thói quen, cuộc sống của mình sáng hay tối là do mình. Tôi thường động viên những người cùng khuyết tật như thế”, ông Tân trải lòng.

Hết vận động người khuyết tật vào chi hội sinh hoạt, ông Tân lại lo làm giấy tờ để họ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, góp phần vơi bớt phần nào khó khăn. Với chiếc xe đạp tự chế, ông len lỏi khắp kiệt hẻm, đến từng nhà người khuyết tật vận động, giúp đỡ. Khó khăn nhất là nhìn đường, nhìn số nhà vì 1 mắt ông Tân đã hỏng hẳn, mắt còn lại rất yếu.

“Nhiều lúc tới đúng kiệt, đúng số nhà rồi mà mắt mờ chẳng thấy rõ, xà quần mấy vòng lui tới mới gặp được người”, ông Tân thật thà kể.

Nhọc nhằn không kể hết nhưng niềm vui theo đó được nhân lên gấp bội khi ông Tân được thấy nụ cười có thể trở lại trên gương mặt những người đồng cảnh.

Như câu chuyện của bà Lê Thị Cúc trên địa bàn, cũng bị hư một mắt, tay chân không lành lặn, là mẹ đơn thân nuôi con, phải tự bươn chải bằng nghề may, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Cúc đã tìm cách xin chế độ hằng tháng nhưng hơn 10 năm vẫn không được, cho tới khi gặp ông Tân.

Giờ đây, với hơn 500.000 đồng/tháng - số tiến dù không lớn nhưng cứ đến tháng lại có một khoản ổn định giúp cuộc sống mẹ con bà Cúc an yên phần nào.

Hay trường hợp chị Lê Thị Thanh Thủy (trú phường Thạc Gián) cũng lắm long đong. Chị Thủy học rất nhiều nghề nhưng rồi chẳng nghề nào phù hợp với bản thân, các tổ chức, lớp học nghề cũng “nản” theo chị, nhưng ông Tân thì không. Xem chuyện “người dưng” như chuyện của mình, ông Tân xuôi ngược theo chị Thủy cho tới khi chị được nhận vào làm việc tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng mới an lòng.

“Rất vui là hầu hết các hội viên đang sinh hoạt tại chi hội của chúng tôi đều đã được hưởng chế độ hằng tháng. Chỉ còn một vài trường hợp chưa được, tôi sẽ tiếp tục tìm cách. Thực tế, để có kết quả giám định trên 65% thương tật mới được hưởng chế độ là không dễ dàng. Tôi nghĩ chẳng ai muốn đi xin trợ cấp cả. Người ta phải khó lắm, họ mới cầu. Bên cạnh cái lý, điều quan trong chính là “tình người”. Và thật may, trong hành trình của chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ ấm áp của những người có thẩm quyền. Tôi rất biết ơn vì điều đó”, ông Tân nói.

Nhận xét về ông Nguyễn Văn Tân, bà Hoàng Thị Bạch Lan, Phó Chủ tịch Chi hội người khuyết tật quận Thanh Khê cho biết: "Nói về công tác Hội, anh Tân là người nhiệt tình hiếm có. Đặc biệt với việc chăm lo đời sống cho hội viên, hầu như tất cả những hội viên được nhận hỗ trợ hằng tháng trong Chi hội hiện tại đều nhờ một tay anh Tân chạy vạy. Nhiều trường hợp đưa đơn lên các phường không được, ảnh quay ngược về chở, rồi dắt trực tiếp hội viên đến nơi đấu tranh, thuyết phục cấp liên quan. Điều quan trọng, công việc ảnh làm là tự nguyện, thầm lặng".

THANH TÂN

;
;
.
.
.
.
.