ĐNO - Một buổi sáng giữa mùa hè, tôi gặp chị Trương Thị Ngọc Bích (SN 1980, trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê) đang loay hoay với hơn chục trẻ khuyết tật tại Trường Chuyên biệt Tương Lai (Cơ sở 1, đường Huy Cận). Hơn 5 năm nay, chị Bích gắn bó với các em khuyết tật ở đây và được các em gọi bằng cái tên đầy thân thương: “mẹ Bích”.
Cô Bích kiên trì dạy cho các em từng nét chữ. |
Năm 2005, sau khi hoàn thành xong chương trình học, chị Bích về công tác tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu với công việc ban đầu là nhân viên phụ trách ăn uống, chăm sóc các em nhỏ. Ba năm sau, chị Bích được đứng lớp và trực tiếp giảng dạy. Năm 2014, chị Bích được chuyển về giảng dạy tại Trường Chuyên biệt Tương Lai, phụ trách dạy các em khuyết tật.
Tại đây, hầu hết các em theo học đều mắc một hoặc một vài dạng khuyết tật như tăng động, tự kỷ, em thì bị hội chứng down, em bị thiểu năng trí tuệ… nên việc dạy và chăm sóc các em rất khó khăn.
Trong năm học, ngoài các giáo viên đứng lớp còn có nhân viên phụ trách chăm sóc, ăn uống, vệ sinh nên các giáo viên đỡ một phần vất vả. Tuy nhiên, đến dịp hè, toàn thể nhân viên nghỉ hè nên việc ăn uống, vệ sinh do một tay các cô giáo lo liệu.
Không chỉ dạy các em học, cô Bích còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các trẻ. |
“Các giáo viên trong năm học phụ trách lớp nào thì khi nghỉ hè cũng phải phụ trách dạy lớp đó. Các em hầu hết khuyết tật, nếu nghỉ hè thì phải có người ở nhà chăm nom. Mà đa phần gia đình các em đều khó khăn, bố mẹ phải đi làm kiếm tiền nên các cô giáo đảm nhận luôn trách nhiệm dạy học và trông nom các em trong 3 tháng hè”, chị Bích bộc bạch.
Cũng theo chị Bích, thông thường trong kỳ nghỉ hè, nhà trường không mở lớp, các em học sinh sẽ đến nhà cô giáo để học. Nhưng vì nhà chị ở xa, không gian chật chội nên chị mượn phòng học ở trường để dạy, vừa thuận tiện đi lại cho các em, vừa bảo đảm dụng cụ học tập.
Cô Bích nhớ rõ ngày sinh nhật của từng em để tổ chức sinh nhật để đem lại niềm vui cho các em. |
Mỗi buổi sáng, chị Bích thức dậy lúc 5 giờ sáng, dọn dẹp, nấu ăn. Sau khi xong việc, chị để một phần thức ăn lại cho gia đình, phần còn lại chị gói ghém mang đến lớp làm bữa trưa cho cô và trò. Khoảng 7 giờ sáng, gia đình đưa các em đến lớp. Ở đây, chị Bích dạy các em tập viết, vẽ, tô màu, tập hát các bài hát, chơi trò chơi. Đến buổi trưa, chị lo cho các em ăn uống rồi dỗ từng em ngủ. Buổi chiều lại học tập, vui chơi đến khi gia đình đón. Có những hôm, gia đình các em bận việc đón muộn, chị Bích sẵn sàng ở cùng các em đến tối muộn mới về nhà.
Theo chị Bích, công việc dạy học cho các em khuyết tật không chỉ đòi hỏi bằng cấp, khả năng sư phạm mà còn phải có tâm, có đạo đức, có tình yêu thương trẻ.
Cô Bích tiễn các em ra tận cổng mỗi khi có người thân đến đón. |
“Các em khuyết tật khá hiếu động, tò mò và tâm lý thay đổi thất thường nên giáo viên không thể lơ là. Nhiều khi đến đi uống cốc nước hay đi vệ sinh một chút mình cũng lo vì sợ các em đi lung tung. Với các em mình phải hết sức kiên nhẫn, dịu dàng nhưng cũng phải nghiêm khắc”, chị Bích tâm sự.
Không chỉ dạy học, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho các em, chị Bích còn nhớ như in ngày sinh nhật của từng em; hiểu rõ sở thích và tính tình từng đứa. Hôm tôi đến, chị Bích chuẩn bị một túi to bánh kẹo, sữa để tổ chức sinh nhật cho một em nhỏ. Những dịp Tết Trung thu, Tết thiếu nhi 1-6, ngày người khuyết tật Việt Nam, dù ít dù nhiều, chị Bích đều cố gắng có quà cho từng em nhỏ.
“Mình coi các em như con, như cháu. Các em sinh ra đã không được may mắn, lành lặn như những đứa trẻ khác nên các em cần được yêu thương, chăm sóc nhiều hơn. Mỗi buổi sáng khi mình đến lớp, vừa tới cổng các em đã ùa ra gọi “mẹ Bích, mẹ Bích”, bấy nhiêu đó cũng đủ khiến mình ấm lòng”, chị Bích chia sẻ.
Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG