ĐNO - "Sơn Trà đẹp, khách lên chơi đông mà để họ thấy rác vứt ngổn ngang, tui chịu không được", ông Nguyễn Dân (trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ với chúng tôi trong một buổi trưa yên ả trên bán đảo Sơn Trà. Mấy năm nay, hành trang ra Đà Nẵng mỗi ngày của ông không chỉ có tủ kem làm kế mưu sinh mà còn những túi ni-lông to và cây gắp rác...
Ông Dân đang gom rác trên bán đảo Sơn Trà. |
Một ngày của ông Dân bắt đầu từ tờ mờ sớm, khi phố phường còn chưa "tỉnh" hẳn sau một đêm dài. Con đường ông đi từ thị xã Điện Bàn ra Đà Nẵng tròm trèm 1 tiếng đồng hồ chạy xe. Điểm dừng của ông thường là bán đảo Sơn Trà - nơi có đông du khách dạo chơi, ngắm cảnh. Có lúc người ta gặp ông trước khu vực chùa Linh Ứng Sơn Trà, có khi thấy ông chạy xe lên hướng ngã ba Bãi Bắc - lối rẽ xuống Cây đa di sản.
Ông kể, ngày trước ông còn "siêng" chạy xe lên tới đỉnh Bàn Cờ, một phần vì bán kem, một phần vì nơi này hay bị du khách xả rác bừa bãi. "Tranh thủ bán xong thùng kem, rảnh rỗi thì lôi "đồ nghề" ra lượm rác cho sạch", ông nói.
"Đồ nghề" của ông là mấy túi ni-lông cỡ lớn cùng cây gắp rác chuyên dụng. Sau này, khi Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng lắp đặt thêm các thùng rác tại đỉnh Bàn Cờ cho du khách, ông thôi nhặt rác ở đây và chuyển hẳn "địa bàn" về khu vực chùa Linh Ứng Sơn Trà và Bãi Bắc như bây giờ.
Suốt 3 năm mưu sinh trên bán đảo Sơn Trà, cũng là từng ấy năm ông Dân làm công việc "vác tù và hàng tổng" hay nói theo kiểu ông là "không ai mượn cũng làm". Nói chuyện với ông mới thấy ông hiểu Sơn Trà như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Ông biết chỗ nào chụp ảnh đẹp, chỗ nào du khách hay "check-in" và đặc biệt là những nơi thường xuyên bị vứt rác bừa bãi.
"Tui chỉ mong người ta nhìn việc mình làm để ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi nữa", ông Dân chia sẻ. |
Có người khách thấy ông lụi cụi dọn rác sau giờ bán kem thì đùa, bảo: "Ổng rảnh dễ sợ, người khác họ bán kem xong họ về, ổng thì cứ tranh thủ nán lại lượm rác, mà lượm tới sạch mới về".
Cứ thế, sáng ông lên Sơn Trà chở theo thùng kem, chiều về, ông vác thêm mấy bao rác chất đầy vỏ lon bia, hộp sữa, chai nhựa... do người dân và du khách bỏ lại. Số rác nhặt được, ông gom thành 2-3 bao mỗi ngày rồi chở xuống núi.
Ông nói, Sơn Trà mấy năm trở lại đây đông khách ghé hơn, ông cũng bán được nhiều kem hơn, nhưng cũng vì nhiều khách mà các điểm đến trên bán đảo bớt đi sự hoang sơ và sạch đẹp. "Mỗi ngày tui gom được hơn chục ký rác. Khách đông hơn thì rác xả ra cũng nhiều hơn, nhiều người ý thức còn tệ, đi chơi rồi còn xả bừa mặc dù đã có thùng rác bố trí sẵn. Tệ nhất là vứt rác xuống vực hay nhét trong bụi rậm nên rất khó để thu gom", ông chia sẻ.
Một góc bán đảo Sơn Trà. |
Biết là việc nhặt rác không dễ dàng, nhưng ông vẫn kiên trì bởi thấy rác nằm vương vất đâu đó là ông nghĩ "quen rồi, không dọn chịu không được". "Mỗi ngày, tui bán kem 5-6 tiếng, còn lại rảnh thì đi kiếm rác. Thu nhập thì tầm 300.000 mỗi buổi, cũng đủ xăng xe với lo cho gia đình. Có người nói tui bán chi ít quá, sao không bán thêm giờ để có thêm tiền, mà tui không chịu, tại tui ưng có thêm thời gian để gom rác", ông Dân cho biết. Nói xong, ông thu dọn túi rác, cố định lại thùng kem rồi lên xe về nhà.
Chỗ ông Dân vừa nổ máy rời đi là bãi cỏ xanh rì, cách đó 30 phút còn vương vãi rác thải sinh hoạt do một vài du khách vứt lại. Số rác đó đã theo người đàn ông 55 tuổi "xuống núi", về đúng nơi mà nó cần về. Ông chỉ cần có thế, dù biết ngày mai, ngày kia ông quay lại, chưa chắc nó vẫn sạch như bây giờ. Ông nói, chỉ mong góp được chút ít thời gian, vài phần sức lực để làm xanh môi trường, để du khách thấy hành động của ông mà ý thức hơn trong việc vứt rác.
"Việc làm của ông Nguyễn Dân rất đáng biểu dương, khích lệ và góp phần giữ gìn hình ảnh Sơn Trà xanh-sạch-đẹp. Từ đó, chúng tôi rất mong mỗi người dân hãy có ý thức tốt, hành động tích cực để bảo vệ môi trường", Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Vũ nói về ông Dân như thế.
Bài và ảnh: XUÂN SƠN