Chiều dần buông, góc phố Hùng Vương - Ông Ích Khiêm đã trở nên lung linh hơn bởi ánh đèn đô thị và sắc màu rực rỡ từ các cửa hàng, trung tâm thương mại lân cận. Dưới ánh đèn ấy, chợ Cồn cũ kỹ nằm lặng lẽ như một chứng nhân lịch sử. Trước khi nơi đây đổi thay diện mạo mới, những người đã và đang gắn bó với chợ hàng chục năm qua vẫn đang xoay vần trong nhịp sống mưu sinh...
Những người từng gắn bó với chợ Cồn cho rằng, nâng cấp, xây mới chợ Cồn là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, họ mong chợ mới vẫn lưu giữ những nét truyền thống thuộc về bản sắc của ngôi chợ đã từng gắn bó với nhiều thế hệ người Đà Nẵng.Ảnh: XUÂN SƠN |
Xuống cấp - đó là điều ai cũng nhận ra khi len lỏi qua từng gian hàng, ngóc ngách chợ Cồn. Chợ đã cũ, đã lâu đời, như nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Đà Nẵng Phạm Ngô Minh nhận xét: “Chưa có văn bản, giấy tờ nào có thể chứng minh rõ ràng thời điểm chợ Cồn được hình thành”.
1. Theo ông Minh, có thể trong phong trào hồi cư những năm của thập niên 40 thuộc thế kỷ trước, vùng đất ở chợ Cồn ngày nay đã đón một lượng người dân từ tứ phương đổ về và dần trở thành chỗ buôn bán. Đất chật, người bán đông, người mua đông theo, cung cầu tăng dần kéo theo… chợ, và chợ Cồn hình thành.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố cho rằng: “Chúng ta phải phân biệt thời điểm hình thành chợ - trước chưa có chợ, nay mới xây chợ/họp chợ, với thời điểm chợ được nâng cấp quy mô nhỏ hoặc tạm dời chợ rồi triệt hạ để trùng tu/ xây mới như kiểu năm 1958 hay năm 1985 hoặc như sắp đến”.
Bên cạnh đó, ông Tiếng chia sẻ, căn cứ vào tình hình phân bố dân cư của Tourane đương thời, có thể chấp nhận ý kiến cho rằng thời điểm hình thành chợ Cồn là vào thập niên 1940 trong bối cảnh khu vực này đã có đường phố ở phía nam (nay là đường Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ), đường phố và Kho đạn ở phía tây (nay là đường Ông Ích Khiêm) dẫn đến dân cư đông đúc hơn trước, sinh hoạt sầm uất hẳn lên.
“Như vậy, lý do chủ yếu để chợ Cồn ra đời là do nhu cầu họp chợ của cư dân bản địa lớn tới mức không thể không có thêm chợ. Và cũng do vậy, tôi không nghĩ chợ Cồn ra đời trước thời hình thành nhượng địa Tourane”, ông Tiến nhận xét.
Từ nhu cầu họp chợ như ông Minh, ông Tiếng chia sẻ, qua bao năm tháng, quy mô hàng hóa ở chợ Cồn không chỉ bó hẹp tại Đà Nẵng, Quảng Nam mà dần lan tỏa ra khắp khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Trong ký ức người viết vẫn còn nhớ hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi khệ nệ tay xách nách mang, nói giọng Bình Định đặc sệt, đi cùng chuyến xe đò chạy tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn chừng chục năm trước. Người xứ Quảng, người xứ Nẫu gặp nhau, hỏi bà ra Đà Nẵng mần chi, bà nói “ra chợ Cồn mua hàng sỉ về Diêu Trì bán lại, có mấy thứ ở Bình Định chưa có nhiều”.
Không gian kiến trúc, đường sá ở nút giao ngã tư đường thời xưa cũ là Rue de la République - Edouard de L’Horlet (nút giao Hùng Vương - Ông Ích Khiêm bây giờ) đã nhiều phen đổi khác theo sự biến thiên của lịch sử và tiến trình phát triển đô thị. Từ năm 1985, chính quyền thành phố khoác lên chợ Cồn diện mạo mới toanh trên nền diện tích tổng 13.714 m2, gồm xây mới khu nhà số 1 có mặt tiền Hùng Vương, 1 khối nhà 3 tầng ở mặt tiền Ông Ích Khiêm và 9 khu nhà cấp 4 nằm ngay phía sau.
Diện mạo mới năm nào giờ đã cũ và trở nên chật chội khi chợ Cồn trở thành nơi kinh doanh của 2.011 hộ tiểu thương, với 1.711 hộ cố định và 300 hộ không cố định. Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng cho hay: “Đã 35 năm từ ngày chợ được xây mới và đi vào hoạt động. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy giờ chắp vá lắm, hạ tầng kỹ thuật cũng đi xuống cấp và không còn phù hợp, không bảo đảm hoạt động của chợ nữa rồi”.
Theo lời ông Ba, chúng tôi nhìn quanh một vòng chợ, vẫn người ra kẻ vào nhưng dường như chợ đã có phần lạc lõng dưới những mái nhà cao tầng, những cửa hiệu sang trọng ngoài kia. Ông Ba nói, việc tổ chức hoạt động kinh doanh rồi vệ sinh môi trường, xây dựng chợ an toàn thực phẩm, chợ văn minh thương mại gặp khó, bởi quy hoạch ngành hàng không thống nhất và phân tán. Mật độ xây dựng công trình chợ chiếm tới 92% diện tích đất. Hiện trạng mặt bằng bố trí kinh doanh có diện tích nhỏ chưa đáp ứng hết nhu cầu kinh doanh.
Rồi bãi đỗ xe cũng thiếu diện tích, giờ tan tầm ùn tắc nguyên một đoạn đường Ông Ích Khiêm-Hùng Vương… Chừng đó lý do khiến chợ Cồn được nhận định “xuống cấp”. “Chợ Cồn bây giờ chỉ có thể được nâng cấp, xây mới lại để phục vụ tốt hơn cho nền thương mại công nghiệp hiện đại, để xứng tầm với vai trò một chợ trung tâm của thành phố”, ông Ba chia sẻ.
2. Ghé chợ Cồn, tìm những người có thâm niên bán buôn lâu đời nhất, nhiều người giới thiệu: “Cứ tìm hàng bà Tức với hàng bà Thơm là được”. Bà Tức, tên là Lê Thị Tức, năm nay 64 tuổi. Gian hàng bán sỉ áo quần của bà đã có mặt ở khu chợ này từ thời giải phóng. Nghe thông tin xây mới chợ Cồn, bà kể: “Chợ mà xây mới, tôi tán thành chủ trương. Phải mới chứ chợ cũ quá rồi, có điều, mong là đừng có mới quá”.
“Mới quá” ở đây, theo ý bà, đó là nỗi lo sợ một mai chợ Cồn sẽ không còn là… chợ Cồn nữa, sẽ thành một trung tâm thương mại hoành tráng như nhiều trung tâm khác, rồi khách phương xa tới chỉ có thể tìm chợ Cồn trong ký ức.
“Chợ xây dựng xong thì tôi chỉ mong giữ nguyên được tên “chợ Cồn” như cũ, bởi đó là ký ức rồi. Ký ức không chỉ của dân Đà Nẵng, dân Quảng Nam mà còn của nhiều người nơi khác, phải lưu giữ lại”, bà Tức chia sẻ và bày tỏ mong muốn sau khi xây xong, chợ Cồn sẽ do Nhà nước quản lý thay vì những nhà đầu tư tư nhân, vì “Nhà nước quản lý thì hàng hóa sẽ được bình ổn giá, đáp ứng mọi nhu cầu của người bán, người mua”.
Tấm bảng lưu giữ những thông tin về ngày khánh thành chợ Cồn. Ảnh: XUÂN SƠN |
Bà Trần Thị Thơm, năm nay 67 tuổi, có thâm niên 45 năm bán tạp hóa ở chợ Cồn, hoàn toàn tán thành chủ trương xây mới chợ, nhưng bà cũng nhắn nhủ: “Tôi chỉ mong mỏi, chợ giữ lại được những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử vốn có cũng như “thương hiệu” chợ Cồn. Đặc biệt, phải giữ được không gian ẩm thực truyền thống và có không gian kinh doanh riêng cho những mặt hàng tươi sống như cá, thịt, rau củ…”.
Bà Võ Thị Thúy Vân, năm nay 56 tuổi (trú ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), là một trong những người quen mặt với chợ Cồn từ thuở bà rời đất Quảng Trị vào làm dâu Đà thành. Chợ Cồn, với bà là những buổi chợ nô nức, như bao khu chợ khác, nhưng lại có thêm “nét gì đó” đặc trưng mà chỉ ở đây mới có. “Ở chợ Cồn, thấy rõ văn hóa người Đà Nẵng, là cái chỗ mà đi mô cũng nghe tiếng Quảng Nam với tiếng Đà Nẵng đan hòa vào nhau, có kiểu ăn nói xởi lởi giữa người bán với người mua, mua hàng trả giá nói thách vẫn ôn hòa, có những quầy ăn nấu đúng kiểu “chặt to, kho mặn” của dân miền Trung mình”, bà Vân nói.
Trong ký ức của bà Vân, chợ Cồn gắn với những ngày đạp xe đèo đứa con nhỏ từ căn nhà cũ gần Mẹ Nhu (ngã tư Thanh Khê bây giờ) đến chợ để mua hàng hóa về bán lẻ. Khi ấy con bà còn nhỏ. Mỗi lần chở con đến chợ, bà lại dúi vào tay con que nem lụi, mẩu kẹo que hay miếng bánh tráng giòn rôm rốp. Câu chuyện bà kể, ngỡ chừng không ăn nhập với câu hỏi của chúng tôi về ký ức bên chợ Cồn, nhưng điều đó nhắc lại cho bà và những người đã đi qua năm tháng cũ kỹ ấy những hoài niệm cơ cực vẫn lấp lánh niềm vui.
3. Trở lại năm 1985, khi Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, với cái tên chợ Cồn sau này, được khánh thành. Ông Bùi Văn Tiếng nhớ lại: “Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng khánh thành năm 1985 chính là sự kết hợp giữa chợ truyền thống với trung tâm thương mại, thậm chí còn đề cao mô hình trung tâm thương mại đến mức đổi tên chợ Cồn. Hành xử như vậy vào thời điểm 1985 là hợp lý, bởi lúc đó chưa có Vĩnh Trung Plaza bên kia đường (khánh thành vào tháng 6-2007)… Ký ức nhiều người Đà Nẵng năm ấy ít nhiều có sự hưng phấn tâm lý về một diện mạo đô thị mới”.
Cuối tháng 4-2020, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng (thuộc Sở Xây dựng), đơn vị phụ trách tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn mới, đã nhận được 21 phương án tham gia dự thi từ 19 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị nước ngoài. Hội đồng tuyển chọn đã tiến hành sơ khảo và chọn ra 14 phương án để báo cáo trước hội đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, nhiệm vụ của cuộc thi là tìm ra được phương án thiết kế có tính sáng tạo, bảo đảm yếu tố truyền thống kết hợp với xu hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố. Trên cơ sở trình bày ý tưởng của các đơn vị dự thi, hội đồng tuyển chọn sẽ chọn ra phương án chất lượng tốt nhất trình UBND thành phố xem xét, quyết định triển khai.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, hiện nay mô hình kết hợp giữa chợ truyền thống với trung tâm thương mại tại chợ Cồn vẫn phù hợp, nhưng phải đặt trong bối cảnh đã có Vĩnh Trung Plaza trước mặt. Với Vĩnh Trung Plaza trước mặt, ông Tiếng cho rằng việc thiết kế chợ phải nhấn mạnh yếu tố chợ truyền thống, thiết kế kiến trúc thế nào để tạo điều kiện đến mức cao nhất cho đông đảo tiểu thương tiếp tục buôn bán thuận lợi, tránh biến chợ Cồn thành… Cồn Plaza. Và mảnh đất nơi chợ Cồn trú chân hôm nay không nên được xem như mảnh đất vàng để xây nên những tòa nhà cao tầng - bởi điều này sẽ gần như “nhấn chìm” tính truyền thống của chợ.
Chúng tôi rời chợ Cồn khi phố đã bắt đầu lên đèn. Đối diện nơi chúng tôi đứng, một góc phố Hùng Vương-Ông Ích Khiêm đã trở nên lung linh hơn bởi ánh đèn đô thị và sắc màu rực rỡ từ các cửa hàng, trung tâm thương mại lân cận. Dưới ánh đèn ấy, mái chợ cũ nằm lặng lẽ như một chứng nhân lịch sử. Trước khi nơi đây đổi thay diện mạo mới, những người đã và đang gắn bó với chợ hàng chục năm qua vẫn đang xoay vần trong nhịp sống mưu sinh. Ngày mai sẽ khác, tương lai sẽ khác, nhưng tương lai không che mờ được những gì đã thuộc về bản sắc, và chợ Cồn cũng sẽ như vậy.
Theo Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng (thuộc Sở Xây dựng), phương án kiến trúc quy hoạch chợ Cồn mới được điều chỉnh có diện tích 24.504m2, cao tối đa 8 tầng và có 2 tầng hầm. Trong đó, khu vực chợ truyền thống có tối đa 3 tầng; khu vực khai thác thương mai có tối đa 5 tầng; ngoài ra, còn bố trí khu vực tầng hầm để xe phục vụ chợ và khai thác khu vực lân cận... |
XUÂN SƠN